Tăng sản là cụm từ ám chỉ sự sinh sản nhiều hơn từ các mô bình thường, tăng số lượng tế bào của một cơ quan nào đó. Ở chị em phụ nữ, tăng sản tuyến vú là bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trong các bệnh liên quan đến tuyến vú. Vậy cụ thể tuyến vú tăng sản là gì, có nguy hiểm không, cách phòng ngừa như thế nào, hãy theo dõi chia sẻ sau nhé.
Bạn đang đọc: Tuyến vú tăng sản là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
1. Tuyến vú tăng sản là gì?
Tăng sản tuyến vú thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi trung niên, đặc biệt từ 35-40 tuổi. Tình trạng này xảy ra khi có sự phát triển quá mức của các tế bào lót lòng ống dẫn hoặc thùy tuyến vú.
Tăng sản tuyến vú được chia làm 2 loại là tăng sản tuyến vú thông thường (điển hình) và tăng sản tuyến vú không điển hình.
– Tăng sản tuyến vú điển hình là dạng thường gặp nhất của tăng sản tuyến vú. Ở trường hợp này, các tế bào tăng sinh về số lượng nhưng cấu trúc, hình dạng bình thường. Phụ nữ bị tăng sản tuyến vú điển hình sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đến 2 lần so với những phụ nữ không có bất thường ở vú.
– Tăng sản tuyến vú không điển hình hình thành khi các tế bào tuyến vú không chỉ bất thường về số lượng, mà còn về hình dạng và kích thước. Theo thời gian, nếu các tế bào bất thường này tiếp tục phân chia và trở nên bất thường hơn thì có thể chuyển thành ung thư vú.
Tuyến vú tăng sản là gì, nguy hiểm không có lẽ là thắc mắc của không ít chị em phụ nữ khi được chẩn đoán mắc bệnh
Theo thống kê, phụ nữ bị tăng sản tuyến vú không điển hình sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng 4 – 5 lần so với những phụ nữ không có bất thường ở vú. Cụ thể như sau:
+ Khoảng 7% trường hợp được chẩn đoán tăng sản tuyến vú không điển hình sẽ tiến triển thành ung thư vú trong vòng 5 năm.
+ Khoảng 13% trường hợp được chẩn đoán tăng sản tuyến vú không điển hình sẽ tiến triển thành ung thư vú trong 10 năm.
+ Khoảng 30% trường hợp được chẩn đoán tăng sản tuyến vú không điển hình sẽ tiến triển thành ung thư vú trong 25 năm.
Nguy hiểm hơn, nếu bạn được chẩn đoán gặp tăng sản tuyến vú không điển hình khi càng trẻ tuổi thì nguy cơ mắc ung thư vú càng tăng.
2. Tăng sản tuyến vú được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Tăng sản tuyến vú không gây đau hoặc hình thành khối u để có thể cảm nhận được mà chỉ có thể phát hiện khi chụp nhũ ảnh. Để có thể chẩn đoán chính xác loại tăng sản tuyến vú bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật sinh thiết (là kỹ thuật sử dụng một cây kim rỗng để lấy mẫu một mô nhỏ rồi tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm).
Với những chị em mắc tăng sản loại thông thường thì không cần điều trị mà chỉ cần chụp nhũ ảnh, chụp MRI hàng năm để tầm soát nguy cơ ung thư vú.
Nếu khi sinh thiết phát hiện tăng sản tuyến vú không điển hình thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các mô vú bất thường, đảm bảo đến mức thấp nhất nguy cơ ung thư vú trong tương lai.
Tìm hiểu thêm: Chữa ung thư phổi bằng lá đu đủ: đừng để “vuột mất cơ hội sống”
Tăng sản là gì? Tăng sản tuyến vú thường chỉ được phát hiện khi chụp nhũ ảnh hoặc MRI
3. 5 nguyên nhân gây ra tăng sản tuyến vú
3.1. Do rối loạn nội tiết
Lượng hormone estrogen trong cơ thể không ổn định được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chứng tăng sản tuyến vú. Estrogen tăng cao, lượng progesterone trong cơ thể suy giảm khiến các ống ở tuyến vú phát triển không đồng đều. Ngoài ra tình trạng rối loạn nội tiết còn gây nên những biến chứng ở buồng trứng khiến kinh nguyệt không đều và các bệnh lý về tuyến giáp.
3.2. Do tâm lý bất ổn kéo dài
Những người thường xuyên lo âu, kích động, hay cáu giận, căng thẳng, mất ngủ, thức đêm quá muộn khiến cơ thể mỏi mệt cũng dễ mắc chứng tăng sản tuyến vú hơn.
3.3. Do những thói không tốt trong sinh hoạt hàng ngày
Phụ nữ có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, sinh hoạt tình dục không điều độ, nạo phá thai nhiều lần… là những nguyên nhân làm thay đổi nội tiết tố, phá vỡ cấu trúc ổn định ở tuyến vú, từ đó gây nên bệnh tăng sản tuyến vú. Bên cạnh đó việc mặc áo ngực quá chật, mặc trong một thời gian dài khiến máu không lưu thông, tuần hoàn máu không tốt cũng là nguyên nhân gây làm tuyến vú tăng sản.
3.4. Do chế độ ăn uống không hợp lý
Thói quen ăn uống tùy tiện, nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể, ăn thức ăn sẵn, đồ ăn nhanh không chỉ là nguyên nhân gây nên béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh lý về gan thận mà còn gây rối loạn nội tiết khiến bệnh tăng sản tuyến vú xuất hiện.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp: Tầm soát ung thư buồng trứng bằng cách nào?
Nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng sản tuyến vú
3.5. Sử dụng lâu dài các sản phẩm chứa estrogen
Việc sử dụng trong thời gian dài các sản phẩm chứa estrogen như thuốc tránh thai, thuốc hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, thuốc làm trắng da sẽ làm mất cân bằng lượng hormone trong cơ thể, gây nên bệnh tăng sản tuyến vú.
4. Cách phòng bệnh tăng sản tuyến vú hiệu quả
– Chọn áo ngực đúng kích cỡ, không mặc áo ngực quá chật. Khi ở nhà hoặc đi ngủ nên cởi áo ngực để tuần hoàn máu được thuận lợi.
– Giữ tâm lý thoải mái, hạn chế cáu giận.
– Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn sẵn, đồ chiên rán, đồ ngọt. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc để tăng cường các chất chống oxy hóa cho cơ thể.
– Thay đổi các thói quen chưa tốt trong sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên tập thể dục, sinh hoạt tình dục an toàn, điều độ, tránh hút thuốc, uống rượu.
– Tránh lạm dụng các thuốc tránh thai có chứa estrogen, các loại mỹ phẩm, thực phẩm có chứa nhiều estrogen để hạn chế nguy cơ rối loạn nội tiết.
– Tự kiểm tra vùng ngực sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 1 tuần để phát hiện vùng ngực có mảng khối, u cục bất thường không.
Như vậy qua chia sẻ trên, chị em có thể hiểu hơn tuyến vú tăng sản là gì, biết được mối liên quan mật thiết giữa tăng sản tuyến vú và nguy cơ ung thư vú. Các chuyên gia Sản khoa khuyến cáo, chị em nên chụp nhũ ảnh hàng năm bắt đầu từ năm 30 tuổi, thăm khám bác sĩ 6-12 tháng/lần để tầm soát nguy cơ ung thư vú.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.