Khi ung thư đã lan vào lớp cơ của bàng quang hoặc xa hơn thì được gọi là “ung thư bàng quang xâm lấn cơ”. Loại ung thư bàng quang này thường lan nhanh chóng, vì vậy nên tiên lượng của những người mắc bệnh rất kém.
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang được phân chia giai đoạn dựa trên mức độ lan rộng. Ung thư bàng quang xâm lấn cơ là khi ung thư đã lan qua lớp niêm mạc vào cơ bàng quang.
Dưới đây là các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ.
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ là gì?
Ung thư bàng quang bắt đầu ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang. Khi ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc thì được gọi là ung thư bàng quang không xâm lấn cơ (giai đoạn 0 hoặc 1). Khi ung thư lan ra ngoài lớp niêm mạc và phát triển vào cơ trơn của bàng quang thì được gọi là ung thư bàng quang xâm lấn cơ. Lúc này, ung thư được xác định là giai đoạn 2 – 4, tùy vào mức độ lan rộng của ung thư. Ước tính khoảng 25% số ca ung thư bàng quang là ung thư xâm lấn cơ tại thời điểm chẩn đoán. (1)
Một khi ung thư đã lan vào cơ bàng quang thì sẽ tiếp tục lan rộng nhanh chóng.
Triệu chứng ung thư bàng quang xâm lấn cơ
Triệu chứng phổ biến nhất của tất cả các loại ung thư bàng quang là nước tiểu có máu. Máu khiến nước tiểu có màu hồng, đỏ tươi hoặc nâu đỏ.
Các triệu chứng khác của ung thư bàng quang:
- Đi tiểu nhiều lần
- Buồn tiểu đột ngột (tiểu gấp)
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu nhiều lần vào ban đêm
Các triệu chứng trên cũng giống với triệu chứng của nhiều bệnh lý phổ biến hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu các triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài dai dẳng thì nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân.
Khi ung thư bàng quang lan rộng, người bệnh sẽ còn có các triệu chứng sau đây:
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Sụt cân không chủ đích
- Tiểu khó hoặc không thể đi tiểu
- Đau ở bụng hoặc một bên lưng dưới
- Sưng phù chân
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang xâm lấn cơ
Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư bàng quang vẫn chưa được xác định nhưng ung thư nói chung xảy ra khi DNA của tế bào có sự thay đổi (đột biến) khiến các tế bào phát triển và phân chia mất kiểm soát.
Một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang, bao gồm cả ung thư bàng quang xâm lấn cơ, là hút thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ước tính có tới 50% số ca ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc lá. (2)
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang là:
- Trên 55 tuổi
- Là nam giới
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư bàng quang
- Mắc một số hội chứng di truyền, ví dụ như hội chứng Lynch
- Thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất như asen, các loại hóa chất dùng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da giày, dệt may và sơn
- Từng hóa trị hoặc xạ trị ở vùng chậu
- Nhiễm trùng hay viêm bàng quang mạn tính
Chẩn đoán ung thư bàng quang xâm lấn cơ
Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và khám lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ phải làm một số xét nghiệm như:
- Tổng phân tích nước tiểu, giúp phát hiện máu và các chất bất thường khác trong nước tiểu
- Xét nghiệm cấy nước tiểu, giúp phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng
- Xét nghiệm tế bào học nước tiểu hay xét nghiệm chất chỉ dấu khối u trong nước tiểu, giúp phát hiện dấu hiệu ung thư trong mẫu nước tiểu
Nếu các xét nghiệm này cho kết quả bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như nội soi bàng quang và sinh thiết.
Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ đưa một ống dài hẹp có gắn đèn chiếu sáng qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh để kiểm tra những dấu hiệu bất thường. Nếu phát hiện khu vực đáng ngờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô hoặc cắt bỏ khối u ngay trong khi nội soi. Mẫu mô sẽ được kiểm tra để xem có tế bào ung thư hay không.
Sinh thiết không chỉ giúp xác nhận ung thư mà còn cho biết mức độ xâm lấn của bệnh.
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư đã tiến triển sang ít nhất là giai đoạn 2. Các phương pháp chẩn đoán giúp kiểm tra mức độ lan rộng của ung thư bàng quang gồm có:
- Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng hay chụp thận tĩnh mạch: tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch của người bệnh, sau đó chụp X-quang đường tiết niệu
- Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác, gồm có:
- Siêu âm
- Chụp CT
- Chụp MRI
- Chụp PET
- Chụp X-quang lồng ngực
- Xạ hình xương
- Các xét nghiệm:
- Công thức máu toàn bộ
- Bảng trao đổi chất cơ bản
- Xét nghiệm chức năng gan và thận
Điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ
Phác đồ điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ thường gồm có hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ thường được điều trị bằng một trong các phác đồ sau:
- Điều trị bằng thuốc hóa trị cisplatin, sau đó là phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang
- Chỉ phẫu thuật cắt bàng quang đối với những trường hợp không thể điều trị bằng thuốc hóa trị cisplatin
- Hóa xạ trị đồng thời, sau đó là phẫu thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT)
- Xạ trị hoặc phẫu thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo đối với những trường hợp không thể phẫu thuật cắt bàng quang hay hóa trị liệu
Điều trị ung thư di căn xa
Khi ung thư bàng quang đã di căn đến các vùng xa của cơ thể, phác đồ điều trị sẽ gồm một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
- Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, sau đó là chuyển lưu dòng tiểu. Nếu ung thư đã lan đến các vị trí ở xa, phẫu thuật sẽ nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh (chăm sóc giảm nhẹ).
- Hóa trị
- Xạ trị
- Liệu pháp miễn dịch
- Liệu pháp nhắm trúng đích
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ có chữa khỏi được không?
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ khó điều trị hơn so với các giai đoạn đầu. Mặc dù nếu điều trị sớm và tích cực thì vẫn có khả năng loại bỏ được ung thư nhưng nguy cơ ung thư tái phát khá cao.
Ngăn ngừa ung thư tái phát
Trong những trường hợp đã phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và bệnh ung thư có nguy cơ tái phát cao, bác sĩ sẽ kê thuốc trị liệu miễn dịch như nivolumab (Opdivo) và người bệnh cần dùng thuốc trong thời gian lên đến một năm sau phẫu thuật. Việc điều trị bổ trợ (sau phẫu thuật) này phụ thuộc vào nguy cơ tái phát ung thư và người bệnh có điều trị bằng thuốc hóa trị cisplatin trước khi phẫu thuật hay không.
Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang xâm lấn cơ
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ thường tiến triển (lan rộng) nhanh chóng. Do đó, những trường hợp ung thư bàng quang xâm lấn cơ thường có tiên lượng xấu.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 về điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ đã chỉ ra rằng tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối của những người bị ung thư bàng quang xâm lấn cơ là khoảng 60 đến 70% nhưng tổng quan nghiên cứu cũng lưu ý rằng khoảng 50% số ca bệnh bị ung thư bàng quang di căn mặc dù đã phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang. (3)
Bảng dưới đây là tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối ở tất cả các giai đoạn của bệnh ung thư bàng quang, theo cơ sở dữ liệu từ Chương trình SEER của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. (4)
Giai đoạn | Tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối (%) |
Ung thư chỉ giới hạn ở niêm mạc bàng quang (ung thư tại chỗ) | 96,7 |
Ung thư lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang nhưng chưa lan ra ngoài (ung thư khu trú) | 70,9 |
Ung thư đã lan đến các mô và hạch bạch huyết lân cận (di căn vùng) | 39,2 |
Ung thư đã lan đến các cơ quan ở xa (di căn xa) | 8,3 |
Tất cả các giai đoạn | 77,9 |
Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của người bị ung thư bàng quang xâm lấn cơ:
- Ung thư đã lan ra ngoài bàng quang hay chưa
- Loại ung thư bàng quang
- Cấp độ ung thư (tốc độ phát triển và lan rộng của ung thư)
- Phác đồ điều trị và phản ứng của bệnh ung thư với điều trị
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
Tóm tắt bài viết
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư đã lan ra khỏi lớp niêm mạc vào cơ bàng quang hoặc xa hơn. Lúc này, ung thư được xác định là giai đoạn 2 trở lên.
Phác đồ điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ thường gồm có hóa xạ trị đồng thời để thu nhỏ khối u và sau đó phẫu thuật.
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ tiến triển nhanh chóng và vì thế nên những người mắc ung thư bàng quang xâm lấn cơ thường có tiên lượng kém.