Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ung thư tuyến giáp là ung thư nội tiết có tỷ lệ mắc hàng đầu ở nữ giới. Bệnh được đánh giá là có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Bạn đang đọc: Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

1. Ung thư tuyến giáp là tình trạng như thế nào?

Tuyến giáp, có cấu trúc hình bướm, nằm phía trước cổ là tuyến nội tiết thực hiện chức năng sản xuất hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi các tế bào bình thường tại tuyến giáp biến đổi thành các tế bào bất thường và không chịu sự kiểm soát của cơ thể sẽ dẫn đến ung thư tuyến giáp.

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người bệnh phát hiện ung thư chủ yếu thông qua thăm khám định kỳ hoặc chẩn đoán bệnh lý khác có kiểm tra vùng đầu cổ.

Ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển có thể gây ra một số triệu chứng như: sưng vùng cổ trước (không đau), nuốt nghẹn, nuốt vướng, khó thở, khàn giọng, sụt cân không rõ lý do…Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các dấu hiệu của di căn xa như đau nhức xương (di căn xương)….

Tuy nhiên, các triệu chứng trên cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác. Để xác định chính xác tình trạng gặp phải, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám chuyên khoa..

Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ung thư tuyến giáp có xu hướng tăng qua các năm.

2. Ung thư tuyến giáp hình thành do đâu?

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác đinh. Tuy nhiên, sự kết hơp của các yếu tố nguy cơ dưới đây có thể làm tăng tỷ lệ phát triển ung thư tuyến giáp ở người bệnh.

2.1 Do hệ miễn dịch bị rối loạn

Hệ miễn dịch rối loạn là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành của khối ác tính tại tuyến giáp. Đối với người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có chức năng sản xuất các kháng thể chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây hại từ bên ngoài. Khi hệ có vấn đề tại hệ miễn dịch, khả năng bảo vệ bị suy giảm tạo cơ hội cho các tác nhân này âm nhập vào cơ thể, gây ra các bệnh lý nguy hiểm, bao gồm ung thư tuyến giáp.

2.2 Nhiễm phóng xạ dẫn đến ung thư tuyến giáp

Người bệnh có thể bị phơi nhiễm phóng xạ do sinh sống, làm việc trong môi trường rò rỉ phóng xạ hoặc thông qua điều trị các bệnh lý có sử dụng phương pháp xạ trị hay iod phóng xạ. Khả năng nhiễm phóng xạ được cho rằng có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn ở trẻ em, do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tia phóng xạ, trừ trường hợp điều trị bệnh bất khả kháng.

Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây u nang tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Tiếp xúc với bức xạ ion hóa có thể dẫn đến hình thành ung thư tuyến giáp sau từ 10-20 năm kể từ ngày phơi nhiễm.

2.3 Ung thư tuyến giáp do yếu tố di truyền

Ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng có thể được xếp vào nhóm bệnh lý có yếu tố gia đình. Các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có người thân trực hệ (bố, mẹ, anh, chị, em…) từng mắc bệnh. Tuy nhiên việc xác định chính xác gen nào dẫn tới sự di truyền này vẫn chưa được tìm ra cho đến nay.

2.4 Do tuổi tác, thay đổi hormone

Ung thư tuyến giáp xảy ra phổ biến ở độ từ từ 30-50 tuổi. Trong đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới đến 4 lần. Sự khác biệt này đến từ cấu tạo cơ thể và chức năng sinh lý của nữ giới khiến họ phải trải qua nhiều cột mốc thay đổi hormone, nội tiết trong cơ thể như: kinh nguyệt, mang thai, chuyển dạ, sinh con, cho con bú, mãn kinh… Điều này dẫn đến các kích thích hình thành nhân giáp ác tính và hạch tuyến giáp.

2.5 Từng có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp

Người bệnh từng mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như bướu giáp nhân, bệnh basedow, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp… ngay cả khi đã được điều trị vẫn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người bình thường.

Bên cạnh những yếu tố nguy cơ nói trên, người bệnh cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp nếu có lượng iod trong cơ thể quá cao hoặc quá thấp, uống rượu bia trog thời gian dài, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì…

3. Xét nghiệm giúp chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được sử dụng nhiều nhất để phát hiện các tổn thương ác tính tại tuyến giáp. Bằng cách sử dụng sóng âm tần số cao, kỹ thuật này cho phép mô phỏng lại hình ảnh tuyến giáp và các mô lân cận. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá vị trí, kích thước, tiên lượng tính chất tổn thương qua siêu âm.

Đối với các tổn thương được nghi ngờ ác tính, bác sĩ có thể chỉ định thêm phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ để thu thập mẫu mô tại vị trí tổn thương, sau đó chuyển tới phòng xét nghiệm để xác định chính xác khối u là lành tính hay ác tính. Sinh thiết mô bệnh học tuyến giáp là chẩn đoán mang tính chất xác định, định hướng cho phác đồ điều trị.

4. Điều trị ung thư tuyến giáp như thế nào?

Tổn thương ác tính tại tuyến giáp khi được điều trị sớm và đúng cách có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% và tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 100%. Do đó kiểm tra định kỳ tuyến giáp, sớm phát hiện các triệu chứng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý là điều kiện tiên quyết để nâng cao tỷ lệ thành công trong chữa trị.

Có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh hiện nay. Bác sĩ có thể tư vấn người bệnh thực hiện một hoặc kết hợp nhiều phương pháp nhằm đem đến hiệu quả điều trị tốt nhất.

4.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến. Tùy vào mức độ tổn thương, di căn và gây ra triệu chứng… mà bác sĩ có thể chỉ định cắt một thùy và eo giáp trạng hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Trong một số trường hợp nghi ngờ khả năng di căn hạch cổ, bác sĩ sẽ thực hiện vét hạch bạch huyết dự phòng hoặc loại bỏ toàn bổ tổ chức hạch.

Ung thư tuyến giáp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

>>>>>Xem thêm: Bệnh suy tuyến giáp có nguy hiểm không?

Phẫu thuật tuyến giáp tại TCI được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ đầu ngành.

4.2 Sử dụng Iod phóng xạ

Điều trị bằng iod phóng xạ thường được đặt ra sau khi người bệnh đã thực hiện phẫu thuật nhằm tiêu diệt các mô còn sót lại, ngăn bệnh tái phát. Người bệnh sẽ uống một lượng nhỏ iod phóng xạ (I-131) theo chỉ định của bác sĩ. Các tế bào tuyến giáp (bao gồm cả ác tính và lành tính) sẽ hấp thụ phóng xạ và bị tiêu diệt.

4.3 Điều trị bằng hormon tuyến giáp

Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc điều trị iod phóng xạ, cơ thể không thể tự sản sinh hormone tuyến giáp phục vụ các hoạt động của cơ thể, do đó người bệnh cần bổ sung hormone tuyến giáp thiếu hụt.

Bên cạnh các phương pháp này, một số phương pháp như xạ trị, hóa chất hay liệu pháp nhắm trúng đích cũng có khả năng điều trị bệnh, tuy nhiên vai trò của các phương pháp này còn hạn chế nên ít được áp dụng hơn.

Thông qua các thông tin cung cấp trong bài, hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan về ung thư tuyến giáp. Phần lớn người bệnh đều nghĩ rằng mắc ung thư chỉ có thể đối mặt với cái chết. Tuy nhiên với ung thư tuyến giáp, bệnh có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, ngay cả khi ung thư đã di căn thì cơ hội sống của bệnh nhân là khá cao.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *