Chụp X-quang phổi là phương pháp đơn giản nhưng có độ nhạy cao. Vì vậy, đây là phương pháp được ứng dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán các bệnh lý về phổi, trong đó bao gồm cả căn bệnh lao phổi. Vậy chụp X-quang phổi có vai trò như thế nào trong việc chẩn đoán hình ảnh lao phổi? Bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết để biết thêm chi tiết.
Bạn đang đọc: Vai trò của chụp X-quang trong chẩn đoán hình ảnh lao phổi
1. Cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh lao phổi
1.1. Lao phổi là căn bệnh như thế nào?
Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm và có thể lây qua đường hô hấp. Bệnh hình thành do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) xâm nhập vào cơ thể, đi qua đường máu hay bạch huyết để lan truyền đến các bộ phận nội tạng khác trong cơ thể người bệnh và gây tổn thương tại đó. Sau khi xâm nhập, tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, trực khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Bệnh lao phổi dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Dựa theo cơ chế lây nhiễm trên, bệnh lao được chia thành hai giai đoạn:
– Giai đoạn lao nhiễm: Giai đoạn này là khi vi khuẩn lao mới xâm nhập vào cơ thể lần đầu vào phổi gây sơ nhiễm.
– Giai đoạn lao bệnh: Sau khi gây sơ nhiễm, vi khuẩn này tồn tại trong cơ thể và có thể phát bệnh bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi. Khi phát bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng ho kéo dài, ho ra máu, khó thở,…
Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến do trực khuẩn lao gây ra
1.2. Biến chứng nguy hiểm của căn bệnh lao phổi
Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, có thể mất vài tuần có khi là vài năm để tiến triển thành bệnh lao. Tuy nhiên giai đoạn ủ bệnh này thường không có triệu chứng do vậy rất nhiều người bệnh chủ quan. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây nguy hại tới tính mạng bởi những biến chứng nguy hiểm.
– Tràn dịch, tràn khí màng phổi: Tràn khí màng phổi xảy ra khi vỡ một hang lao thông với hang màng phổi, triệu chứng chủ yếu là đau ngực đột ngột bên có tràn khí và gây khó thở. Khi khí và dịch tràn ra nhiều quá sẽ ép phổi khiến người bệnh bị ngạt thở và tử vong.
– Rò thành ngực: Nếu không được điều trị, điều trị không đúng hoặc lao kháng thuốc có thể gây ra rò thông phế quản và thành ngực.
– Lao thanh quản: Biểu hiện khàn tiếng, thay đổi giọng nói, cảm thấy nuốt đau, đau tai.
– Nấm Aspergillus phổi: Có những trường hợp sau khi đã được chữa khỏi bệnh lao nhưng vẫn để lại các hang. Các hang này sau đó có thể bị nhiễm nấm Aspergillus, dẫn tới ho ra máu nặng thậm chí là tử vong.
Có thể thấy, việc phát hiện lao phổi càng sớm càng tốt sẽ giúp việc điều trị hiệu quả, ngăn chặn vi khuẩn phát triển thành bệnh và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm. Để phòng ngừa bệnh lao, tất cả mọi người trước hết cần tiêm đủ vắc xin phòng chống lao. Ngoài ra, việc khám sức khỏe và kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm sự hiện diện của vi khuẩn để điều trị kịp thời để dứt điểm bệnh
2. Vai trò của phương pháp chụp X-quang trong chẩn đoán hình ảnh lao phổi
2.1. Phương pháp chụp X-quang có ý nghĩa như thế nào trong chẩn đoán hình ảnh lao phổi?
Phương pháp chụp X-quang phổi có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán lao phổi giúp. Cụ thể phương pháp giúp xác định được:
– Chẩn đoán người bệnh có mắc lao phổi hay vẫn đang khỏe mạnh.
– Giúp xác định giai đoạn bệnh, thể bệnh.
– Định hướng cho các chẩn đoán lao ngoài phổi khi có triệu chứng
– Hỗ trợ bác sĩ lên phác đồ điều trị bệnh lao hiệu quả
– Đánh giá trong và sau điều trị, các di chứng để lại sau khi khỏi bệnh.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về phương pháp chẩn đoán hình ảnh Alzheimer
Chụp X quang phổi là kỹ thuật hiện đại hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao phổi
2.2. Chẩn đoán hình ảnh lao phổi thông qua phim chụp X-quang
Từ kết quả chụp X-quang phổi, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh, giai đoạn và các thể bệnh như sau:
Lao phổi sơ nhiễm
– Hình ảnh phức hợp nguyên thủy: là tổn thương nhu mô phổi có kèm theo hạch to trung thất rốn phổi. Trong một số trường hợp chỉ thấy hạch rốn phổi. Khi hạch chèn ép có thể thấy hiện tượng xẹp phổi.
– Tổn thương hình quả tạ, “săng” sơ nhiễm
– Đường bạch mạch viêm nối hạch rốn phổi lại với nhau
Lao phổi sau sơ nhiễm
Sau sơ nhiễm, lao phổi chia thành hai loại lao kê và lao phổi thâm nhiễm sớm với đặc điểm trên phim X quang như sau:
– Lao kê: Tổn thương là các nốt mờ nhỏ, hình dáng như hạt kê, các nốt mờ tập trung nhiều ở vùng phía trên phổi. Một số trường hợp tổn thương thể lao kê có thể thấy hiện tượng tràn dịch màng phổi
– Lao phổi thâm nhiễm sớm: Đây là dạng tổn thương có hình đám mờ nhạt ở mô kẽ, thường gặp là ở vùng phía trên phổi các nốt mờ có hình tròn và kích thước dưới 2cm. Ở giai đoạn tiến triển, các tổn thương này có thể tập trung thành hang hoặc thành sẹo.
Lao phổi mạn tính
Lao phổi mạn tính chia thành 3 loại gồm với đặc điểm trên phim X-quang như sau:
– Lao nốt: Tổn thương lao là các nốt mờ có kích thước từ 3 đến 15mm, thường tập trung thành từng đám có kèm theo cả dải xơ.
– Lao xơ hang: Tổn thương thành hình hang, có thành hang dày hoặc mỏng, bờ hang không đều và nham nhở. Bên trong những hàng này có chứa khí, có thể gây xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi. Một số trường hợp có thể gây bội nhiễm nấm hình lục lạc.
– Lao xơ: Tổn thương lao phổi dạng xơ cho thấy hình ảnh các vùng xung quanh bị co kéo về phía tổn thương và làm giảm thể tích phổi. Tổn thương thường xuất hiện ở vị trí đỉnh và hạ đòn hai bên phổi.
>>>>>Xem thêm: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh ung thư đường mật
Hình ảnh tổn thương hang trên phim chụp X-quang
Nhìn chung lao phổi là căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao. Vì vậy, để phòng ngừa thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là không thể thiếu.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang cung cấp các gói khám sức khỏe giúp kiểm tra và phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ trong đó có cả bệnh lao phổi. Với hệ thống gói khám được xây dựng bài bản cùng đội ngũ bác sĩ khám bệnh giàu chuyên môn, người bệnh hoàn toàn có thể an tâm khi thực hiện tầm soát sức khỏe tại đây.
Trên đây là những thông tin về vai trò của chụp X-quang phổi trong chẩn đoán hình ảnh lao phổi. Mong rằng những thông tin trên phần nào đã đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích.