Hay quên là tình trạng rất phổ biến ở người cao tuổi. Các triệu chứng có thể nhẹ như quên đồ vật, sự kiện nhưng cũng có thể nặng hơn với những biểu hiện của bệnh Alzheimer, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và gây nguy hiểm cho người bệnh. Vậy vì sao người già hay quên và làm cách nào để khắc phục?
Bạn đang đọc: Vì sao người già hay quên và làm gì để khắc phục?
1. Người già hay quên nguyên nhân do đâu?
1.1 Do lão hóa
Khi về già, nhất là ngoài 60 tuổi, các cơ quan trong cơ thể dần thoái hóa và não bộ cũng không ngoại lệ, dẫn đến sự suy giảm các chức năng của não, trong đó có khả năng ghi nhớ.
Sau 25 tuổi, các tế bào não không những không sản sinh thêm mà còn bắt đầu thoái hóa. Mỗi ngày có khoảng 3000 tế bào não bị phá hủy.
Cùng với đó là sự sụt giảm nhanh chóng chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholine. Đây là chất có vai trò quan trọng trong việc trao đổi thông tin giữa các tế bào. Sự sụt giảm của các các chất này tác động gây suy giảm trí nhớ, khiến người bệnh gặp khó khăn, chậm chạp trong việc xử lý các tình huống.
Sự lão hóa là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hay quên ở người già. Bệnh diễn tiến khá nhanh. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ dẫn đến sa sút trí tuệ hay Alzheimer. Các nghiên cứu cho thấy ở có khoảng 1% người ở lứa tuổi 60-64 mắc chứng giảm trí nhớ, nhưng tỷ lệ này ở lứa tuổi 85 lên tới 50%.
1.2 Do ảnh hưởng của các bệnh lý
Bên cạnh nguyên nhân thoái hóa não, tình trạng mắc cùng lúc nhiều bệnh lý cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của người cao tuổi ở nhiều mức độ khác nhau. Tiêu biểu là các di chứng hoặc biến chứng khi mắc tai biến mạch máu não, đột quỵ, tiểu đường, chấn thương sọ não…
1.3 Các nguyên nhân khác khiến người già hay quên
Ngoài ra một số yếu tố khác cũng khiến trí nhớ của người già bị ảnh hưởng như:
– Tình trạng ăn kém, thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin nhóm B: Chất này có vai trò quan trọng trong việc duy trì trí nhớ. Tuy nhiên ở người lớn tuổi, tốc độ hấp thụ dinh dưỡng, trong đó có vitamin B1, B12 kém hơn.
– Stress, căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm: Tình trạng căng thẳng có thể khiến người già kém tập trung hơn, từ đó dễ rơi vào tình trạng hay quên.
– Thay đổi hormone: Trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, các hormone trong cơ thể phụ nữ có sự thay đổi khiến trí nhớ cũng bị ảnh hưởng.
– Rối loạn giấc ngủ: Việc ghi nhớ diễn ra chủ yếu trong lúc ngủ, vì thế giấc ngủ gián đoạn có thể khiến người già dễ quên hơn.
– Lạm dụng thuốc, rượu bia, chất kích thích: Lạm dụng rượu sẽ gây độc cho tế bào và dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ. Theo thời gian có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Tìm hiểu thêm: Thiếu ngủ đau đầu “ẩn nấp” nhiều bệnh nguy hiểm
2. Các biểu hiện hay quên ở người già
Chứng hay quên ở người già có thể biểu hiện đa dạng tùy theo mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng thường gặp khi người già hay quên:
– Quên những đồ vật quen thuộc, từng dùng rất thường xuyên.
– Thường lặp lại những câu hỏi giống nhau, nhắc lại những câu chuyện đã nói trong cùng một buổi trò chuyện.
– Khó giao tiếp, khó tìm từ ngữ để diễn đạt.
– Thường xuyên bị lạc dù ở những vị trí quen thuộc.
– Mất phương hướng, không nhớ được các địa điểm, thời gian, không viết đường về nhà.
– Tính toán sai, phản ứng chậm, khó làm theo khi được hướng dẫn.
– Quên cách nấu ăn, khó thực hiện các động tác phối hợp.
– Không quan tâm đến sự an toàn, yếu tố vệ sinh và dinh dưỡng của bản thân.
– Thay đổi lớn về hành vi, nhân cách, hay lo lắng, gây gổ, dễ kích động khi được yêu cầu làm việc dù là những công việc đơn giản như ăn cơm, đi tắm…
– Ít ngủ vào ban đêm, sợ bóng tối, cảm thấy đói bụng, buồn tiểu, buồn rầu, hay than phiền, mệt mỏi và ngủ ngày.
– Quên tên hoặc không nhận ra người thân
3. Một số biện pháp giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi
Trí nhớ cũng có thể rèn luyện và cải thiện được nhờ một số biện pháp sau:
3.1 Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Bổ sung đủ vitamin, đặc biệt là vitamin B1, B12 là rất quan trọng để hạn chế, đảo ngược các vấn đề liên quan đến trí nhớ. Ngoài ra nên tăng lượng trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu protein, ít chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.
3.2 Người già hay quên nên luyện tập trí não thường xuyên
Việc khám phá những điều mới trong cuộc sống như đọc cuốn sách mới, chơi một trò chơi mới, giàu tính trí tuệ sẽ rất có ích cho việc cải thiện trí nhớ và khả năng giao tiếp xã hội.
>>>>>Xem thêm: Thuốc Scanneuron: Điều trị các rối loạn về hệ thần kinh
3.3 Từ bỏ rượu và các chất gây nghiện
Điều này vô cùng quan trọng đối với việc cải thiện triệu chứng hay quên ở người già, đặc biệt nếu nguyên nhân suy giảm trí nhớ là do lạm dụng các chất kích thích.
3.4 Uống đủ nước mỗi ngày
Người lớn tuổi rất dễ bị mất nước, gây ra lú lẫn, buồn ngủ và các triệu chứng khác giống như mất trí nhớ. Theo khuyến cáo, người già phải uống đủ nước, cố gắng uống 1,5-1,8 lít nước/ngày tùy cân nặng. Trong trường hợp đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng, bệnh nhân đang bị tiểu đường, tiêu chảy thì cần điều chỉnh lượng nước phù hợp đưa vào cơ thể.
3.5 Luyện tập thể thao
Việc tập thể thao thường xuyên sẽ giúp giảm căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, từ đó tác động tốt đến trí nhớ. Người lớn tuổi nên lựa chọn một môn thể thao như đi bộ, đi xe đạp, thiền, dưỡng sinh,… sao cho phù hợp với thể chất và sức khỏe của mình.
3.6 Chú ý khi dùng thuốc
Như đã nói ở trên, nhiều loại thuốc có thể gây ra các vấn đề về nhận thức và trí nhớ. Trước khi sử dụng thuốc, người già cần lưu ý tới tác dụng phụ của thuốc, tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, từ đó cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Trên đây là những nguyên nhân khiến người già hay quên và biện pháp cải thiện phù hợp. Khi thấy trí nhớ giảm sút nghiêm trọng, hãy sớm gặp chuyên gia Nội thần kinh để được khám và điều trị kịp thời.