Viêm loét dạ dày nói chung và viêm dạ dày ở trẻ em nói riêng là loại bệnh lý tiêu hóa gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh. Ở trẻ em, mặc dù không phải loại bệnh lý nhi khoa phổ biến song tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng tăng nhanh. Các bậc cha mẹ cần nhận diện đúng và sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh để nhanh chóng có phương án xử lý kịp thời không ảnh hưởng tới sức khỏe con nhỏ.
Bạn đang đọc: Viêm dạ dày ở trẻ em và những dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần biết
1. Tìm hiểu viêm dạ dày ở trẻ em
1.1. Viêm dạ dày ở trẻ em là gì?
Viêm loét dạ dày nói chung và viêm dạ dày trẻ em nói riêng là bệnh lý xảy ra khi lớp niêm mạc của dạ dày bị tổn thương và bào mòn dẫn tới việc lộ ra các lớp bên dưới thành dạ dày. Khi đó, xuất hiện hiện tượng viêm và loét trên niêm mạc kèm theo các triệu chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh.
1.2. Nguyên nhân dẫn tới viêm dạ dày ở trẻ em
Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) được coi là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới bệnh viêm dạ dày và ở trẻ em cũng không ngoại lệ. Vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ cư trú tại lớp nhầy bao phủ bề mặt dạ dày và tiết ra các men, độc tố gây tổn thương tới niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng làm gia tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày ở trẻ như:
– Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh không đúng chỉ định
– Chế độ ăn không phù hợp
– Trẻ bị căng thẳng, áp lực và mệt mỏi kéo dài
2. Cha mẹ cần lưu ý 6 dấu hiệu cảnh báo viêm dạ dày ở trẻ nhỏ
Các triệu chứng viêm dạ dày diễn ra ở trẻ sẽ có điểm khác biệt so với ở người lớn và thường khó nhận diện hơn. Các bậc cha mẹ cần lưu ý 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh sau đây để kịp thời phát hiện và đưa trẻ thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
2.1. Trẻ biếng ăn, chán ăn
Trẻ biếng ăn, lười ăn, chán ăn lâu ngày sẽ dẫn đến việc chậm tăng cân. Trường hợp nặng hơn, trẻ sẽ thường xuyên nôn ói nhưng các bậc cha mẹ thường bỏ qua việc nghi ngờ dấu hiệu bệnh lý ở trẻ mà nghĩ rằng con mình giả vờ nôn để không phải ăn rồi càng thúc ép con ăn nhiều hơn. Điều này chỉ khiến tình trạng bệnh của con thêm tệ hơn và còn tổn thương tới tâm lý trẻ nhỏ.
Tìm hiểu thêm: Vi khuẩn HP bao tử có nguy hiểm không? Cách điều trị
2.2. Trẻ hay đau bụng
Khi trẻ đau bụng thất thường và tái đi tái lại nhiều lần thì cha mẹ không được chủ quan. Hãy để ý đặc điểm cơn đau, nếu trẻ thường đau bụng trước hoặc sau khi ăn, đau ở trên rốn hoặc quanh rốn, thường đau về đêm khiến trẻ tỉnh giấc, đau âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội trong vài giờ liền thì cần đưa trẻ thăm khám ngay vì rất có thể đó là triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ở trẻ em hoặc nặng hơn là trường hợp bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị dạ dày, xuất huyết dạ dày, thậm chí là thủng dạ dày.
2.3. Trẻ hay bị đầy hơi, ợ chua và khó tiêu
Đầy hơi, ợ chua và khó tiêu là dấu hiệu tiếp theo cần lưu ý cảnh báo về viêm dạ dày. Nhưng việc nhận biết những dấu hiệu này sẽ gặp nhiều khó khăn vì trẻ chưa thể tự miêu tả được triệu chứng. Khi đó, cha mẹ cần chú ý tới mọi biểu hiện khác thường của con nhất là sau mỗi bữa ăn để nhận biết sớm triệu chứng bệnh. Trường hợp viêm loét nặng diễn ra có thể dẫn tới biến chứng chảy máu ở dạ dày – điều này cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.
1.4. Trẻ hay nôn ói, có khi là nôn ra máu
Như đã nói ở trên, tình trạng nôn ói là triệu chứng nghi ngờ viêm dạ dày ở trẻ điển hình nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Các tổn thương ở dạ dày làm giảm hiệu suất tiêu hóa, thức ăn bị đình trệ và lên men dẫn tới tình trạng nôn ói. Nôn ói kéo dài sẽ khiến trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, nghiêm trọng hơn có thể gây xuất huyết mạch máu dẫn tới tình trạng trẻ nôn ra máu. Lúc này, nếu trẻ không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm thậm chí là đe dọa thời tính mạng.
1.5. Trẻ đi ngoài phân đen hoặc ra máu
Đi ngoài phân đen hoặc ra màu là dấu hiệu điển hình nghi ngờ biến chứng xuất huyết bao tử do viêm loét dạ dày gây ra. Chính vì thế, bên cạnh việc theo sát các biểu hiện bên ngoài của trẻ, cha mẹ cũng cần quan sát cả đặc điểm phân của trẻ để kịp thời nhận diện những dấu hiệu bất thường từ sớm.
2.6. Sắc mặt trẻ xanh xao và hay chóng mặt
Trong một vài trường hợp viêm loét dạ dày nặng kéo dài ở trẻ có thể dẫn tới tổn thương mạch máu và tệ hơn là thiếu máu mạn tính. Trường hợp này đặc biệt nguy hiểm và cha mẹ cần lưu ý ngay những dấu hiệu sau ở trẻ:
– Da xanh xao
– Lòng bàn tay bàn chân của trẻ trắng nhợt
– Trẻ bị mệt mỏi và thường xuyên chóng mặt
– Trẻ bị mất tập trung
>>>>>Xem thêm: Nội soi dạ dày tá tràng
3. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm dạ dày?
Việc cần thiết trước tiên, cha mẹ hãy nhận diện đúng các dấu hiệu nghi ngờ bệnh và đưa trẻ đến thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa khi nghi ngờ có triệu chứng. Bác sĩ sẽ giúp đánh giá chính xác tình trạng của bé và chỉ định điều trị đúng cách.
Đối với trẻ bị viêm dạ dày, cha mẹ cần chú trọng vào chế độ ăn khoa học và điều chỉnh thói quen sinh hoạt đúng cách cho trẻ. Cụ thể cần lưu ý những điều như sau:
– Xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng.
– Tránh các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày: Đồ ăn nhanh, thức ăn cứng dai, thịt có gân/sụn, rau sống, đồ chua, đồ ăn lên men,…
– Hãy chia nhỏ bữa ăn của bé.
– Nấu chín và nấu nhuyễn thức ăn giúp trẻ dễ tiêu hóa.
– Trong bữa ăn, không để trẻ vừa ăn vừa uống nhất là uống các loại đồ uống có ga. Kể cả ăn cơm với canh cũng không nên vì như thế trẻ sẽ dễ bị không nhai kỹ mà nuốt chửng cơm.
– Trẻ còn nhỏ nên cho bú sữa mẹ và không nên cho ăn cơm quá sớm.
– Thực hiện thăm khám định kỳ và tham khảo ý kiến từ bác sĩ trong việc chăm sóc trẻ hằng ngày.
Viêm dạ dày ở trẻ em nguy hiểm và khó lường hơn rất nhiều so với ở người lớn. Bệnh gây cản trở tới quá trình phát triển thể chất cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe trẻ nhỏ. Các bậc cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu bệnh để nhanh chóng phát hiện và đưa trẻ thăm khám sớm, kịp thời xử lý bệnh đúng cách.