Viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến tại đường tiêu hóa và là bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư khá cao. Vì vậy, việc nắm rõ viêm đại tràng có nguy hiểm không và những thông tin liên quan đến căn bệnh này là vô cùng cần thiết. Từ đó, người bệnh có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.
Bạn đang đọc: Viêm đại tràng có nguy hiểm không? Cách điều trị
1. Viêm đại tràng là gì và cách phân loại
Đại tràng là bộ phận quan trọng trong đường tiêu hóa, còn được gọi là ruột già, gồm 2 đoạn trái và phải. Cơ quan này đảm nhận chức năng chuyển hóa thức ăn từ ruột non xuống và đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Đại tràng dễ phát sinh nhiều loại bệnh do đây là nơi hình thành và đảo thải phân, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi gây bệnh.
Tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương niêm mạc đại tràng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau gọi là viêm đại tràng. Mức độ nhẹ có thể khiến lớp niêm mạc sung huyết. Trong khi đó, trường hợp viêm nặng sẽ dẫn đến loét, xuất huyết hoặc hình thành những ổ áp-xe tại đại tràng.
Viêm đại tràng được phân loại thành 2 giai đoạn là viêm cấp tính và mạn tính.
– Viêm đại tràng cấp tính được xem là cấp độ nhẹ nhất của bệnh. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn đường ruột. Giai đoạn cấp tính có thể chuyển sang mạn tính nếu không được điều trị kịp thời và tích cực.
– Viêm đại tràng mạn tính gây ra các triệu chứng tổn thương dày đặc với các mức độ khác nhau do các ổ viêm đã phát triển nặng hơn ở lớp niêm mạc. Niêm mạc đại tràng dễ bị chảy máu ở thể nhẹ và sẽ xuất hiện các ổ loét, áp-xe hoặc vết thủng khi tiến triển nặng hơn.
Viêm đại tràng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, cần được điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng nguy hiểm
2. Triệu chứng khi mắc viêm đại tràng
Người bệnh viêm đại tràng cấp tính hoặc mạn tính sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể:
2.1. Triệu chứng cấp tính của viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng cấp tính thường gây ra một số triệu chứng chung như sau:
– Đau bụng: Hầu hết người bệnh viêm đại tràng đều gặp phải triệu chứng này. Tuy nhiên các cơn đau bụng có tính chất đa dạng như: đau quặn thắt, đau từng cơn, đau ở từng vị trí khác nhau,…
– Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, có thể lẫn máu. Ngay cả khi đã đi ngoài xong người bệnh vẫn không thoải mái, có cảm giác mót rặn.
– Chán ăn, ăn không ngon miệng, hậu quả là cơ thể mệt mỏi và sụt cân nhanh chóng.
– Sốt: Một số trường hợp có thể đi kèm triệu chứng sốt và buồn nôn.
Trên đây là những triệu chứng chung của viêm đại tràng cấp tính. Song, cần lưu ý rằng mỗi nguyên nhân gây bệnh lại có những biểu hiện khác biệt. Chẳng hạn:
– Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip khiến người bệnh đau quặn bụng từng cơn dọc theo khung đại tràng, đặc biệt ở vị trí đại tràng sigma. Người bệnh đi đại tiện nhiều lần nhưng mỗi lần đi rất ít, có xuất hiện máu và chất nhầy trong phân.
– Viêm đại tràng cấp tính do lỵ trực khuẩn gây đau quặn bụng, sốt, đi ngoài liên tục, đau rát hậu môn, phân lẫn máu. Người bệnh đối mặc với nguy cơ mất nước và chất điện giải.
2.2. Viêm đại tràng mạn tính
Các triệu chứng ở giai đoạn mạn tính của viêm đại tràng bao gồm:
– Đau bụng: Thường đau dọc theo khung đại tràng hoặc hai hố chậu, triệu chứng đau âm ỉ hoặc xuất hiện theo từng cơn.
– Đại tiện bất thường với các triệu chứng cụ thể như:
Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài 3-4 lần/ngày. Lúc đầu phân có thể đặc nhưng không thành khuôn, về sau phân lỏng. Tình trạng đau bụng thường giảm xuống sau mỗi lần đi ngoài.
Táo bón: Người bệnh bị đau bụng, táo bón, khó đi ngoài, phân thường ít và khô cứng.
Tiêu chảy xen kẽ với táo bón theo từng đợt, thường diễn biến trong thời gian dài.
– Suy nhược cơ thể: Tổn thương viêm mạn tính cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của người bệnh. Điều này dẫn đến cơ thể không đủ dinh dưỡng, gây suy nhược, mệt mỏi, sụt cân, suy dinh dưỡng,…
3. Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng giai đoạn nhẹ không gây quá nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. Thế nhưng khi bệnh kéo dài và không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng và dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng.
3.1. Biến chứng giãn đại tràng
Đại tràng bị giãn ra và mất khả năng co bóp đúng cách, cản trở quá trình di chuyển của thức ăn và khí đường ruột. Lúc này tình trạng đau bụng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần thăm khám ngay lập tức nhằm ngăn chặn nguy cơ ruột bị vỡ dẫn đến tử vong.
3.2. Viêm đại tràng có nguy hiểm không – Biến chứng thủng đại tràng
Viêm đại tràng mạn tính trong thời gian dài có thể gây ra các vết loét nặng ăn sâu và làm suy yếu thành ruột. Hậu quả là lỗ thủng hình thành trên đại tràng, một lượng lớn vi khuẩn có thể tràn vào ổ bụng gây nhiễm trùng.
Thủng đại tràng có thể đe dọa tính mạng người bệnh và cần được can thiệp kịp thời. Một số dấu hiệu cảnh báo biến chứng thủng đại tràng gồm: mạch đập nhanh, huyết áp tụt mạnh, tay chân lạnh, các cơn đau bụng trở nên dữ dội, thành bụng co cứng. Ngay khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần được đưa đi đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Tìm hiểu thêm: Bị loét bao tử có gây nhiều nguy hiểm không? Nên ăn gì, kiêng gì?
Viêm đại tràng có thể dẫn đến biến chứng thủng đại tràng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh
3.3. Biến chứng xuất huyết tiêu hóa
Niêm mạc đại tràng sẽ bị tổn thương nặng nề nếu tình trạng viêm kéo dài, không được điều trị. Các ổ loét được hình thành sẽ ăn sâu vào các lớp thành đại tràng, dẫn tới khả năng xuất huyết. Người bệnh có thể gặp tình trạng đi ngoài ra phân lẫn máu tươi, biểu hiện thiếu máu, mệt mỏi,…
3.4. Viêm đại tràng có nguy hiểm không – Tăng nguy cơ ung thư đại tràng
Thời gian phát triển và mức độ nghiêm trọng của viêm đại tràng tỉ lệ thuận với nguy cơ ung thư đại tràng. Tổn thương viêm lâu ngày có thể làm tăng khả năng hình thành tế bào ác tính tại đại tràng và tiến triển thành ung thư.
>>>>>Xem thêm: Bé bị tiêu chảy có nên uống sữa không?
Viêm đại tràng không được điều trị kịp thời và tích cực có khả năng tiến triển thành ung thư
4. Điều trị viêm đại tràng
Viêm đại tràng giai đoạn nhẹ cần sử dụng thuốc chống viêm, kiểm soát cơn đau và các triệu chứng. Còn giai đoạn nặng của bệnh cần tiến hành một số can thiệp khác. Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý nhằm tăng hiệu quả điều trị bệnh.
4.1. Điều trị nội khoa
Hiện nay, các thuốc được kê đơn gần như đều nhằm mục đích giảm các triệu chứng khó chịu và hạn chế bệnh tiến triển. Theo đó, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc như:
– Nhóm thuốc kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng, kháng ký sinh trùng, khám nấm;
– Nhóm thuốc giảm đau, thuốc ức chế co thắt đại tràng;
– Nhóm thuốc chống viêm;
– Nhóm thuốc điều trị táo bón, tiêu chảy.
Đồng thời người bệnh có thể được chỉ định bổ sung nước và các chất điện giải.
4.2. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng khi tình trạng viêm tiến triển nghiêm trọng và không điều trị được bằng thuốc. Người bệnh có thể cần cắt bỏ một đoạn đại tràng bị viêm hoặc toàn bộ đại tràng.
Có 2 phương pháp phẫu thuật điều trị viêm đại tràng là phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp với tình trạng, vị trí viêm và mức độ tổn thương của từng người bệnh.
4.3. Chế độ ăn uống và sinh hoạt
Tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học giúp hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.
– Người bệnh cần xây dựng thời gian biểu sinh hoạt hợp lý, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng.
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh. Người bệnh có triệu chứng táo bón nên hạn chế chất béo, bổ sung đủ chất xơ từ rau củ quả, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Người bệnh tiêu chảy cần tránh chất xơ dạng không tan (như cellulose), nên gọt bỏ vỏ trái cây, không ăn đồ tái sống.
– Uống đủ nước mỗi ngày, cung cấp đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa.
– Tăng cường các hoạt động thể chất nhằm nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy nhu động ruột.
Bài viết trên đã trả lời cho câu hỏi viêm đại tràng có nguy hiểm không. Để tránh các biến chứng của bệnh, người bệnh cần thăm khám sớm và điều trị kịp thời, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.