Viêm đại tràng giả mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị

Viêm đại tràng giả mạc khi tiến triển nặng có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như: cơ thể suy kiệt, hạ kali máu, mất nước do tiêu chảy, thủng ruột kết, nhiễm khuẩn ổ bụng,… Chính vì vậy, việc hiểu rõ viêm đại tràng giả mạc là gì, cách chẩn đoán, điều trị sớm và phòng ngừa là rất cần thiết, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bạn đang đọc: Viêm đại tràng giả mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị

1. Khái niệm và triệu chứng viêm đại tràng giả mạc

1.1. Viêm đại tràng giả mạc là gì?

Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng viêm đại tràng xảy ra ở một số người sau khi dùng kháng sinh. Nguyên nhân gây bệnh là do sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn như Clostridium difficile ((hay còn gọi là C.difficile hoặc C.diff). Tuy nhiên, không phải loại kháng sinh nào cũng có tác dụng phụ gây viêm đại tràng giả mạc, cũng như không phải bất kỳ ai dùng kháng sinh cũng mắc bệnh.

Cụ thể, viêm đại tràng giả mạc xuất hiện khi vi khuẩn có hại trong ruột già sản sinh độc tố mạnh gây kích ứng đường ruột. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là C.difficile. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, có sức đề kháng tốt khi ở trong đường tiêu hóa cũng như ở môi trường bên ngoài.

C.difficile sản sinh ra độc tố gây độc cho tế bào và ruột. Độc tố này tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết, tạo thành giả mạc màu trắng tại đại tràng. Đặc điểm của lớp giả mạc này là mềm, rất dễ bong, dẫn đến viêm, loét khi bong ra và gây chảy máu niêm mạc.

Bệnh thường gặp ở người trên 65 tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như viêm ruột, ung thư đại trực tràng hoặc trải qua phẫu thuật đường ruột,… thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao.

Viêm đại tràng giả mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị

Viêm đại tràng giả mạc xuất hiện ở một số người bệnh sau khi dùng kháng sinh khiến vi khuẩn đường ruột phát hành độc tố mạnh

1.2. Triệu chứng khi mắc viêm đại tràng giả mạc

Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện rất sớm, sau 1 – 2 ngày kể từ khi người bệnh bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Một số trường hợp khác gặp phải các triệu chứng sau vài tuần dùng thuốc hoặc khi hoàn thành một liệu trình thuốc kháng sinh.

Các triệu chứng viêm đại tràng giả mạc có biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Trong đó các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:

– Sốt: Đây là một trong các triệu chứng thường gặp của bệnh. Người bệnh có thể bị sốt tới 38 – 39 độ C.

– Đau bụng âm ỉ, đau quặn bụng hoặc đau bụng từng cơn.

– Tiêu chảy hoặc phân rắn, phân có thể kèm theo máu hoặc chất nhầy và mủ.

– Khi bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng mất nước, nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạnh.

2. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc

2.1. Viêm đại tràng giả mạc được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc và xác định các biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định các kiểm tra gồm:

– Xét nghiệm một số mẫu phân khác nhau của người bệnh để phát hiện vi khuẩn C. difficile.

– Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp giúp phát hiện chỉ số cao bất thường của các tế bào bạch cầu, từ đó xác định người bệnh có mắc viêm đại tràng giả mạc hay không.

– Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma: Bác sĩ dùng một ống nội soi có gắn camera để kiểm tra bên trong đại tràng. Từ hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ quan sát được dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc, những mảng vàng (tổn thương) hoặc vết sưng nếu có.

– Các chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang hoặc chụp CT có thể được chỉ định nhằm tìm kiếm các biến chứng của bệnh như phình đại tràng, vỡ ruột.

Tìm hiểu thêm: Ợ hơi sau ăn: Vai trò của tư thế ngồi và thời gian giữa các bữa ăn

Viêm đại tràng giả mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị

Nội soi đại tràng được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc

2.2. Giải pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc là gì?

Nếu được phát hiện sớm, hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc đều có thể được điều trị thành công. Hướng điều trị thường bao gồm việc ngừng thuốc kháng sinh hiện tại, đồng thời sử dụng một kháng sinh hiệu quả đối với C.difficile. Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật, tuy nhiên tỷ lệ rất thấp. Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể cải thiện trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu điều trị.

Sau đây là các phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc:

Ngừng sử dụng các thuốc kháng sinh hiện tại

Việc điều trị viêm đại tràng giả mạc thường bắt đầu với việc ngừng sử dụng thuốc kháng sinh gây ra các triệu chứng. Điều này có thể giải quyết tình trạng viêm ở một số trường hợp hoặc ít nhất là chấm dứt các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy.

Bắt đầu dùng một loại kháng sinh khác

Nếu sau khi ngừng các thuốc kháng sinh đang dùng, người bệnh vẫn còn các triệu chứng viêm, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh có hiệu quả chống lại vi khuẩn C.difficile. Điều này cho phép các vi khuẩn bình thường phát triển trở lại, phục hồi sự cân bằng hệ vi sinh trong đại tràng.

Việc dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm mà người bệnh đang gặp phải. Thông thường người bệnh sẽ dùng kháng sinh qua đường uống. Tuy nhiên một số trường hợp có thể cần sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc ống thông dạ dày.

Viêm đại tràng giả mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị

>>>>>Xem thêm: Thực phẩm cần tránh khi bị xuất huyết dạ dày

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc

Cấy ghép phân (FMT)

Tình trạng viêm đại tràng giả mạc nghiêm trọng có thể được chỉ định cấy ghép phân. Kỹ thuật này là sự chuyển giao các vi sinh vật trong phân từ những người hiến tặng khỏe mạnh. Quá trình cấy ghép được thực hiện thông qua các kỹ thuật như thụt rửa, ống thông mũi – dạ dày (nasogastric), ống thông mũi – hỗng tràng (nasojejunal) hoặc viên nang uống.

Kỹ thuật này được thực hiện nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn trong đại tràng. Sau khi cấy ghép phân, bác sĩ sẽ kết hợp điều trị kháng sinh cho người bệnh.

Phẫu thuật

Người bệnh cần tiến hành phẫu thuật trong trường hợp suy nội tạng, vỡ đại tràng, viêm phúc mạc. Trong thực tế, phương pháp phẫu thuật không được ứng dụng phổ biến bằng các phương pháp kể trên.

3. Cách phòng tránh viêm đại tràng giả mạc là gì?

Để phòng tránh viêm đại tràng giả mạc, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

– Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không lạm dụng các loại thuốc kháng sinh. Nếu thấy bất thường khi dùng thuốc, bạn cần thông báo ngay với bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.

– Uống nhiều nước mỗi ngày, tránh các đồ uống có cồn, caffeine hoặc nhiều đường (như rượu, cà phê, nước ngọt có ga…).

– Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như gạo, các loại quả như chuối, táo. Tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như: các loại hạt, đậu,…

– Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa.

– Tránh các loại thực phẩm dễ gây kích thích đường ruột như: chất béo, đồ ăn nhiều gia vị, thực phẩm chiên,…

Trên đây là các thông tin về bệnh viêm đại tràng giả mạc là gì, các triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Sau khi đã nắm được viêm đại tràng giả mạc là gì, hy vọng bạn đọc sẽ có ý thức chủ động thăm khám khi phát hiện dấu hiệu bất thường, đồng thời có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *