Viêm dây thần kinh là một bệnh lý khá phổ biến, thường gây đau nhức và tê ngứa ở vùng tay chân và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Triệu chứng của bệnh lý này rất đa dạng và cũng khó phân biệt. Nếu như không được phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Viêm dây thần kinh: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
1. Viêm dây thần kinh là bệnh gì?
Các dây thần kinh kiểm soát hoạt động và cảm giác của cơ thể, các tế bào thần kinh sẽ bó với nhau để tạo thành dây thần kinh. Sự viêm nhiễm các rễ dây thần kinh gây ra tình trạng tê bì, đau nhức, thậm chí là mất cảm giác,…chạy dọc theo các dây thần kinh.
Các triệu chứng khi bị viêm phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng, tổn thương ở dây thần kinh nào thì sẽ đau nhức và tê bì ở vùng dây thần kinh đó.
2. Triệu chứng của bệnh
Tùy vào vị trí dây thần kinh bị viêm mà người bệnh sẽ gặp những triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu bệnh nhân thường gặp phải nhất:
– Tê ngứa, cảm giác như kim chích ở vùng tay và chân
– Nhói đau hoặc chuột rút, đặc biệt là ở vùng cơ bắp
– Đau nhức
– Phản xạ chậm chạp, khó phối hợp các động tác
– Teo cơ bắp ở chân và tay
– Liệt mặt nếu viêm các dây thần kinh ở mặt
– Mất khả năng thăng bằng, đặc biệt là vào ban đêm
– Chóng mặt, choáng váng mỗi khi thay đổi tư thế, đứng lên ngồi xuống
– Rối loạn chức năng sinh lý
– Đổ mồ hôi nhiều, đi tiểu không kiểm soát
– Không cảm nhận được nhiệt độ
– Táo bón hoặc tiêu chảy
Tìm hiểu thêm: Uống nước buổi sáng có tác dụng gì?
3. Nguyên nhân của bệnh lý
Tình trạng viêm xảy ra khi các dây thần kinh bị chấn thương hoặc nhiễm trùng, cũng có thể do di truyền, do rối loạn khi chuyển hóa hoặc tiếp xúc với chất độc hại.
3.1 Viêm dây thần kinh do bệnh lý
Theo thống kê hiện nay có khoảng hơn 100 nguyên nhân gây ra viêm các dây thần kinh, trong đó phổ biến nhất là nguyên nhân đến từ các bệnh lý:
– Bệnh tiểu đường: Có khoảng một nửa người bệnh bị tiểu đường sẽ bị viêm các dây thần kinh ngoại biên. Khi đó, có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng, lở loét chi.
– U bướu: Các khối u và một vài trường hợp ung thư sẽ dẫn đến di căn như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng,…
– Do nhiễm trùng: Các bệnh truyền nhiễm như uốn ván, zona, bạch hầu, phong, HIV, viêm gan B, viêm gan C,…
– Thoát vị đĩa đệm: Khi nhân nhầy đĩa đệm bị thoát ra ngoài sẽ chèn ép dây thần kinh dẫn đến viêm nhiễm.
– Rối loạn tủy xương: một số loại phổ biến là ung thư hạch, ung thư xương hoặc bệnh amyloidosis.
– Một số bệnh lý khác: Bệnh gan, bệnh thận, suy giáp…
3.2 Viêm dây thần kinh do yếu tố khác
Ngoài các nguyên nhân từ các bệnh lý, tình trạng viêm nhiễm các dây thần kinh còn do một vài nguyên nhân khác gây ra:
– Lạm dụng chất kích thích: Nghiện rượu, ma túy,…
– Tiếp xúc với chất độc: Làm việc lâu năm ở các khu công nghiệp và tiếp xúc với các chất độc hại như chì và thủy ngân.
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc đặc trị: Chủ yếu là thuốc điều trị ung thư.
– Chấn thương: Tai nạn xe, tai nạn thể thao, té ngã,…tác động mạnh lên các dây thần kinh.
– Thiếu vitamin: Chủ yếu là vitamin B1, vitamin B6 và vitamin B12 hoặc vitamin E.
– Gia đình có tiểu sử mắc các bệnh về thần kinh.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tai biến liệt nửa người bên phải và cách phục hồi
4. Phương pháp điều trị bệnh lý
Để đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
4.1 Dùng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau và giảm các triệu chứng của bệnh như:
– Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm,… có tác dụng đối với các trường hợp có triệu chứng nhẹ. Đối với những dấu hiệu đau nặng hơn, thuốc phải được bác sĩ kê đơn, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người.
– Thuốc chống động kinh: Các loại thuốc này dùng để điều trị động kinh nhưng cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ như gây chóng mặt, buồn ngủ.
– Thuốc chống trầm cảm: Có thể dùng để giảm đau, nhưng cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, khô miệng, buồn ngủ, ăn không ngon miệng, táo bón,…
Khi sử dụng các loại thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đơn thuốc được chỉ định.
4.2 Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu áp dụng cho người bệnh bị viêm các dây thần kinh liên quan đến vận động, một số phương pháp vật lý trị liệu được dùng:
– Kích thích các dây thần kinh qua da để hỗ trợ giảm đau (TENS)
– Ứng dụng nhiệt
– Liệu pháp lạnh
– Massage
– Bấm huyệt
5. Lời khuyên của bác sĩ cho quá trình phục hồi
Để phục hồi cơ thể khi mắc bệnh viêm dây thần kinh, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số biện pháp được bác sĩ khuyên dùng cho người bệnh:
– Bổ sung dinh dưỡng, ăn uống các thực phẩm có chứa nhiều protein, thiamine, chất chống oxy hóa,…để thúc đẩy việc phục hồi của dây thần kinh
– Vitamin B12 có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các dây thần kinh
– Kiểm soát các yếu tố góp phần gây bệnh suy giáp hoặc tiểu đường
– Dùng thuốc giảm đau hợp lý, theo chỉ định của bác sĩ
– Hạn chế uống đồ có cồn, tiêu biểu như bia, rượu
– Không nên hút thuốc lá
– Đảm bảo tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ
6. Phương pháp phòng ngừa
Tình trạng dây thần kinh bị viêm ảnh hưởng trực tiếp đến các vận động của cơ thể. Vì vậy, để tránh cho các dây thần kinh bị tổn thương và để lại di chứng nguy hiểm, các bạn cần lưu ý:
– Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe và đề kháng
– Hạn chế tiếp xúc với các chất gây độc hại, đặc biệt là khói thuốc
– Tránh những việc gây tổn thương cho dây thần kinh như mặc đồ quá bó sát gây áp lực cho dây thần kinh, chuyện động lặp đi lặp lại một bộ phận xương…
– Hạn chế các chất kích thích, đồ uống có cồn
– Thăm khám định kỳ theo dõi sức khỏe và phát hiện kịp thời những triệu chứng để được điều trị sớm nhất.
Hy vọng, bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý viêm dây thần kinh. Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn phát hiện triệu chứng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.