Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm về gan do virus cùng tên (viết tắt là HBV) gây ra. Nhiều trường hợp bệnh tiến triển sang giai đoạn mãn tính, dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Để tìm hiểu kỹ hơn mức độ nguy hiểm và cách điều trị viêm gan B mãn tính, hãy tham khảo bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Viêm gan B mãn tính có nguy hiểm không và cách điều trị
1. Viêm gan B và viêm gan B mãn tính
1.1. Bệnh viêm gan B
Như đã nói ở trên, viêm gan B gây ra bởi virus cùng tên là Hepatitis B virus – HBV. Đây là bệnh lý về gan rất phổ biến, có tốc độ lây lan nhanh chóng qua 3 con đường chính:
– Lây truyền từ mẹ sang con: Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B nếu người mẹ nhiễm virus. Các biện pháp dự phòng cần được thực hiện kịp thời để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
– Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh viêm gan B.
– Lây truyền qua đường máu: Truyền – nhận máu, tiêm, xăm hình, dùng chung các dụng cụ y tế và đồ dùng cá nhân không được khử trùng sạch sẽ.
Càng nguy hiểm hơn, bệnh lý này thường khó phát hiện do không có biểu hiện rõ ràng. Chính vì vậy, đa số trường hợp khi biết mình bị viêm gan B thì bệnh đã ở mức độ nặng. Bệnh thường được chia thành 2 thể là thể cấp tính và thể mãn tính.
Bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu HBV xâm nhập và hoạt động trong cơ thể người bệnh trên 6 tháng
1.2. Định nghĩa viêm gan B mãn tính
Giai đoạn mãn tính chính là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh, xảy ra khi bệnh đã kéo dài hơn 6 tháng. Thể mãn tính cực kỳ nguy hiểm, rất dễ dẫn đến xơ gan và ung thư gan nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.
Ở giai đoạn mãn tính, bệnh diễn tiến âm thầm, ít có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một vài triệu chứng cảnh báo mà người bệnh không nên bỏ qua là: mệt mỏi, chán ăn, đau tức vùng gan, ngứa da, vàng da và vàng mắt, gan to, men gan tăng cao,…
Xét nghiệm máu là cách nhanh chóng và hiệu quả để phát hiện viêm gan B. Các chuyên gia gan mật khuyến cáo người dân nên kiểm tra gan và làm các xét nghiệm chẩn đoán định kỳ hàng năm để kiểm soát tốt nhất sức khỏe lá gan, phát hiện sớm các bệnh lý.
2. Sự nguy hiểm của viêm gan B mãn tính
Với giai đoạn mãn tính này, người bệnh có thể gặp các biến chứng như xơ gan, suy gan và nặng hơn là ung thư gan. Nguy cơ biến chứng đặc biệt cao ở những trường hợp không được điều trị kịp thời theo một phác đồ khoa học.
2.1. Biến chứng xơ gan
Tế bào gan và các mô gan bị tổn thương do sự tấn công trực tiếp và liên tục của virus viêm gan B. Các mô tổn thương này sẽ dần chuyển thành mô xơ và những vết sẹo. Xơ sẹo sẽ nhanh chóng lan rộng, làm xơ hóa và ảnh hưởng đến các chức năng của gan.
Người bệnh xơ gan có thể không có biểu hiện rõ nét, không phát hiện ra bất thường và tổn thương tại gan. Đây là lý do khiến xơ gan thường diễn tiến nặng và khó điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể bắt gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, người yếu, dễ bị nhiễm khuẩn.
Phù nề là một trong những dấu hiệu điển hình hàng đầu của xơ gan. Người bệnh sẽ bị phù hai chân, sau đó có thể bị phù toàn thân. Ngoài ra, triệu chứng cổ trướng, bụng trương phình có thể xuất hiện do áp lực tĩnh mạch cửa tăng. Đây là những dấu hiệu xơ gan giai đoạn muộn, gan rất khó có cơ hội phục hồi.
Tìm hiểu thêm: Chữa bệnh chai gan
Xơ gan có thể gây ra nhiều hệ lụy như giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn, hôn mê gan,…
2.2. Biến chứng suy gan
Chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng khi các tế bào gan bị tổn thương trên diện rộng do virus. Gan không thể thực hiện các vai trò như lọc máu, thải độc, chuyển hóa – tổng hợp các chất. Điều này khiến sức khỏe của người bệnh giảm sút, đối mặt với nguy cơ suy hô hấp, suy tuần hoàn hoặc suy thận,…
2.3. Biến chứng ung thư gan do viêm gan B mãn tính
HBV hủy hoại tế bào gan, tăng nguy cơ sản sinh các tế bào ác tính, dẫn đến ung thư gan. Đau bụng, phù nề, sốt, sụt cân nhanh là những biểu hiện thường gặp nhất của bệnh.
Ung thư gan là bệnh lý khó điều trị, diễn biến nhanh và âm thầm, có tỷ lệ tử vong rất cao. Người bệnh nhiễm HBV ở thể mãn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn người bình thường ít nhất 20 lần.
3. Điều trị viêm gan B mãn tính
Hiện nay, y học vẫn chưa có giải pháp chữa trị dứt điểm hoàn toàn bệnh lý viêm gan mãn tính này. Các phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc khống chế virus viêm gan B, để người bệnh có thể sống hòa bình với virus. Quá trình điều trị viêm gan B rất phức tạp, phụ thuộc vào mức độ và tiền sử bệnh, chức năng gan cũng như con đường lây nhiễm.
3.1. Trường hợp chỉ định điều trị thuốc kháng virus
Việc điều trị bằng thuốc kháng virus tiến hành dựa vào đánh giá kết hợp 3 yếu tố: tải lượng HBV DNA, nồng độ ALT và mức độ xơ hóa gan. Theo đó, người bệnh xơ gan (còn bù hoặc mất bù) được chỉ định điều trị khi tải lượng HBV DNA vượt ngưỡng (bất kể các chỉ số ALT và HBeAg).
Với người bệnh viêm gan mãn tính không xơ gan, việc điều trị được chỉ định khi đáp ứng 2 tiêu chuẩn. Thứ nhất, tổn thương tế bào gan: AST và ALT lớn hơn 2 lần ULN và/hoặc xơ hóa gan từ F2 trở lên. Thứ hai, virus viêm gan B đang tăng sinh, thể hiện ở HBV DNA từ 20.000 IU/mL (10 mũ 5 copies/mL) trở lên nếu HBeAg (+); hoặc HBV DNA lớn hơn 2.000 IU/mL (từ 10 mũ 4 copies/mL) nếu HBeAg (-).
Nếu chưa đáp ứng 2 tiêu chuẩn trên, chỉ định điều trị thuốc kháng virus áp dụng với người có một trong các tiêu chuẩn sau:
– Tiền sử gia đình có xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.
– Người trên 30 tuổi, ALT cao hơn ULN ít nhất 3 lần trong 24 tuần đến 48 tuần; đồng thời HBV DNA lớn hơn 20.000 IU/ml, bất kể tình trạng HBeAg.
– Xuất hiện các triệu chứng ngoài gan (viêm đa khớp, viêm đa nút động mạch, viêm cầu thận, cryoglobulin máu,…).
– Sau khi ngưng điều trị thuốc kháng virus viêm gan B thì bệnh tái phát.
>>>>>Xem thêm: Các biến chứng của bệnh viêm gan C
Viêm gan B mãn tính hiện chưa có cách điều trị dứt điểm, người bệnh cần điều trị với thuốc kháng virus trong thời gian dài
3.2. Thuốc kháng virus viêm gan B mãn tính
Một số loại thuốc kháng virus được chỉ định trong điều trị gồm:
– Thuốc uống nucleot(s)ide analogues (NAs): Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), Tenofovir alafenamide (TAF), Entecavir (ETV)
– Peg-IFN-α-2a (điều trị cho người lớn) và IFN-α-2b (điều trị cho trẻ em).
Trong đó, TDF có thể được chỉ định điều trị cho phụ nữ có thai, trẻ từ đủ 3 tuổi trở lên và đồng nhiễm HBV/HIV. TAF chưa khuyến cáo cho phụ nữ mang thai, ưu tiên sử dụng cho người bệnh trên 60 tuổi, loãng xương, suy thận (CrCl từ 15ml/phút trở lên), chạy thận nhân tạo(CrCl dưới 15ml/phút).
Người bệnh muốn điều trị trong thời gian ngắn hạn có thể xem xét Peg-IFN-α-2a và IFN-α-2b. Loại thuốc này cũng có thể dùng cho người bệnh đồng nhiễm viêm gan D, người bệnh có tải lượng HBV thấp và ALT tăng cao, không muốn điều trị dài hạn bằng NAs.
3.3. Thời gian điều trị
Thời gian điều trị với Peg-IFN là 48 tuần, trong khi điều trị với thuốc NAs kéo dài, có thể suốt đời. Cụ thể, người bệnh xơ gan sẽ phải điều trị suốt đời với NAs. Người bệnh chưa xơ gan sẽ điều trị lâu dài, có thể ngưng điều trị với một số trường hợp nhất định.
Sau khi ngưng điều trị với thuốc kháng virus, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát viêm gan B và các bệnh lý như xơ gan mất bù, ung thư gan. Người bệnh chỉ ngưng điều trị nếu có điều kiện theo dõi định kỳ trong thời gian dài để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngừng thuốc.
Như vậy, viêm gan B mãn tính là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm của bệnh, tiềm ẩn nhiều mối nguy với sức khỏe. Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.