Nhiều người thường chỉ quan tâm và chỉ lo sợ với viêm gan B. Tuy nhiên, ngoài viêm gan B thì viêm gan C cũng là một bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan… Vậy viêm gan C là gì liệu bạn đã nắm rõ? Cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Viêm gan C là gì? Đường lây nhiễm và cách phòng tránh
1. Viêm gan C và các triệu chứng thường gặp
1.1. Viêm gan C là gì?
Viêm gan C thường không được hiểu rõ vì mọi ngườibiết đến viêm gan B nhiều hơn. Viêm gan C là bệnh lý do siêu virus viêm gan C hay còn gọi là Hepatitis C Virus (HCV) gây ra. Virus viêm gan C có dạng hình cầu, chúng thuộc họ Flaviviridae. Virus này tồn tại trong cơ thể ở dạng cấp tính, nếu không phát hiện và điều trị thì có thể tiến triển thành mạn tính, gây xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan C có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: xơ gan, ung thư gan
1.2. Triệu chứng thường gặp khi bị viêm gan C là gì?
Khi bị viêm gan C, triệu chứng biểu hiện không rầm rộ như những bệnh lý khác, có thể khiến người bệnh nhầm lẫn. Nhất là trong giai đoạn đầu, hầu như ở một số người không hề có biểu hiện gì. Vì thế, nếu bệnh nhân không được kiểm tra sức khỏe định kỳ, có thể sẽ dẫn đến viêm gan C mạn tính. Triệu chứng xuất hiện rõ nét khi có hiện tượng xơ hóa gan, ung thư gan… thì đã muộn.
Một số triệu chứng khác, có thể xuất hiện như khi bị nhiễm virus viêm gan C như:
– Cơ thể mệt mỏi.
– Chán ăn, ăn không ngon.
– Đau nhẹ hạ sườn phải.
– Thường xuyên đầy bụng.
– Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân nát.
– Cảm thấy đau cơ thường xuyên.
– Vàng da nhẹ xuất hiện từng đợt.
– Gầy sút cân.
Những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, vì thế bệnh nhân có thể nghĩ rằng mình bị cảm hoặc do lao động quá sức nên mệt mỏi.
Tìm hiểu thêm: Chuyên gia giải đáp: Gan nhiễm mỡ độ 3 nên ăn gì?
Viêm gan C có thể lây nhiễm qua phun xăm không an toàn
2. Cách phát hiện bệnh lý viêm gan C là gì?
Bệnh lý viêm gan C để phát hiện ra, bạn cần đi khám ở phòng khám hoặc bệnh viện để bác sĩ xét nghiệm. Đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ cao như tiền sử tiêm chích ma túy, người thân có người bị nhiễm virus, nhiều bạn tình, lọc máu chu kỳ, truyền máu, phẫu thuật, con có bố mẹ bị nhiễm bệnh….
Bệnh nhân được phát hiện viêm gan C khi trong xét nghiệm máu có Anti – HCV dương tính, HCV RNA dương tính. Lúc này, bệnh nhân nên làm định type HCV để điều trị.
2.1. Xác định viêm gan C cấp tính
– Trường hợp bệnh nhân viêm gan C cấp tính, trên xét nghiệm sẽ có HCV RNA dương tính, anti – HCV có thể dương tính hoặc âm tính. Xét nghiệm HCV RNA sẽ thường dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm, nên dễ phát hiện hơn. Còn xét nghiệm anti – HCV sẽ xuất hiện khi virus vào cơ thể khoảng 8 – 12 tuần.
– AST/ALT bình thường hoặc có tăng.
– Trường hợp cấp tính, bệnh nhân mắc bệnh dưới 6 tháng. Lúc này anti – HCV có thể âm tính hoặc dương tính, cơ thể có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không. Vì thế rất khó phát hiện ra nếu không đi khám.
2.2. Xác định viêm gan C mạn tính
– Trường hợp mạn tính, trên xét nghiệm, anti – HCV dương tính, HCV RNA dương tính.
– Thời gian mắc bệnh của bệnh nhân trên 6 tháng, bắt đầu có biểu hiện xơ gan. Xác định tình trạng, mức độ xơ gan thông qua chỉ số APRI, sinh thiết gan có hình ảnh viêm gan mạn, xơ hóa. Hoặc làm FibroScan, Fibrotest có xơ hóa > F2 mà không do nguyên nhân khác.
2.3. Xác định viêm gan C ở trẻ em
Đối với trẻ nhỏ có bố hoặc mẹ bị nhiễm viêm gan C, bé cần được xét nghiệm anti-HCV khi 18 tháng trở lên. Hoặc có thể xét nghiệm HCV RNA ở khoảng 1- 2 tháng sau sinh để xác định sớm hơn.
3. Bệnh lý viêm gan C lây nhiễm bằng đường nào?
Chúng ta đã tìm hiểu viêm gan C là gì và các triệu chứng, cách phát hiện bệnh. Chắc hẳn nhiều người cũng thắc mắc liệu viêm gan C lây qua đường nào? Bệnh lý viêm gan C lây qua đường máu. Một số trường hợp cụ thể có thể dẫn đến lây nhiễm như:
– Truyền máu và các chế phẩm máu.
– Sử dụng chung đồ dùng cá nhân có lây nhiễm máu bệnh nhân như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
– Phơi nhiễm khi có thủ thuật xâm lấn như: làm răng ở cơ sở không đảm bảo, tiểu phẫu ở spa không đảm bảo an toàn y tế phơi nhiễm với bệnh nhân khác, xỏ khuyên tai không an toàn, phun xăm, nặn mụn…
– Phơi nhiễm do nghề nghiệp thường xảy ra ở: bác sĩ, điều dưỡng, công an, thợ phun xăm… Có thể da, niêm mạc tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh trong quá trình làm việc.
– Dùng chung bơm kim tiêm ở người nghiện ma túy… tuy nhiên hiện giờ sẽ hạn chế nhiều so với trước kia. Do được tuyên truyền trong cộng đồng tốt.
– Quan hệ tình dục bừa bãi: Thường sẽ gặp nhiều ở gái mại dâm, trai bao hoặc một số người có quan hệ với nhiều người. Trong quá trình giao hợp, không sử dụng dụng cụ bảo hộ như bao cao su. Đối tượng có thể tiếp xúc trực tiếp với máu của đối tác.
– Lây nhiễm từ mẹ sang con khi mẹ hoặc bố bị nhiễm virus, có thể lây nhiễm có thể truyền sang cho con.
>>>>>Xem thêm: Những điều bạn cần biết về bệnh gan nhiễm mỡ độ 2
Nặn mụn không an toàn cũng có thể làm lây nhiễm viêm gan C
4. Một số cách giúp phòng tránh bệnh lý viêm gan C
Tính chất lây nhiễm của viêm gan C là qua con đường máu. Vì thế, những con đường khác như hắt hơi, ho, ăn chung uống chung, chung nhà vệ sinh… sẽ không bị lây nhiễm. Hay thậm chí hôn thường, khi môi lưỡi người đối tác không bị rách chảy máu thì cũng không có nguy cơ lây nhiễm viêm gan C.
Một số cách để phòng tránh bệnh viêm gan C gồm:
– Không dùng chung bơm kim tiêm.
– Ngoài bơm kim tiêm, bây giờ có một số loại phổ biến hơn như kim châm cứu, kim phun xăm… bạn cũng không nên tiết kiệm mà dùng chung hay sử dụng lại. Đây là vật dụng dễ truyền bệnh viêm gan C nhất.
– Quan hệ tình dục an toàn.
– Nên chung thủy một vợ một chồng để hạn chế lây nhiễm viêm gan C cũng như bệnh lý liên quan đến tình dục khác. Sử dụng bao cao su khi quan hệ chính là bảo vệ chính mình và đối tác.
– Không dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân.
– Những vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay… là những vật dụng thường ngày có thể lẫn máu. Vì thế, bạn không nên sử dụng chung những vật dụng này với người khác.
Nhân viên y tế có thể phải tiếp xúc trực tiếp với máu/dịch bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu, hoặc găng tay bị rách trong quá trình làm việc. Không cần biết rằng người bệnh có bị nhiễm viêm gan C hay bất cứ bệnh gì lây qua đường máu hay không, hãy rửa tay thật sạch với dung dịch sát khuẩn.
Nếu trên tay bạn có vết xước da hoặc máu bắn vào niêm mạc mắt, mũi… bạn có thể test nhanh viêm gan C hoặc xét nghiệm máu cho bạn và bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nhiễm bệnh, bạn phải đi khám chuyên khoa truyền nhiễm để kịp thời bác sĩ theo dõi và điều trị. Trường hợp bệnh nhân không bị, bạn có thể yên tâm hơn. Tuy nhiên nên kiểm tra lại sau khoảng 2 tuần để phòng tránh nguy cơ.
Qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đọc đã nắm được viêm gan C là gì và các dấu hiệu của bệnh. Hãy áp dụng các biện pháp phòng tránh để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan nguy hiểm này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.