Viêm gan virus – Mối lo ngại lớn cho sức khỏe người bệnh

Viêm gan virus là một trong số bệnh lý gan mật quan trọng và phổ biến hiện nay. Bệnh trở thành mối lo của không chỉ bệnh nhân mà còn của các y bác sĩ bởi tính chất diễn biến thầm lặng nhưng để lại hậu quả vô cùng nặng nề, từ xơ gan cho đến ung thư gan. Dưới đây là những kiến thức tổng quan về viêm gan do virus, đường lây truyền, các triệu chứng và biện pháp dự phòng.

Bạn đang đọc: Viêm gan virus – Mối lo ngại lớn cho sức khỏe người bệnh

1. Viêm gan virus là gì?

Có 2 loại virus gây viêm gan: Virus gây viêm gan nguyên phát và virus gây viêm gan thứ phát. Virus gây viêm gan nguyên phát nghĩa là virus khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tổn thương cơ quan đích là tế bào gan. Gồm có 5 loại virus là HAV, HBV, HCV, HDV, HEV.

Virus gây viêm gan thứ phát với bệnh cảnh lâm sàng chính là tình trạng nhiễm virus toàn thân, trong đó có tổn thương gan. Ví dụ như CMV, EBV, Dengue virus, Herpes simplex virus, Rubella, Varicella….

Viêm gan virus – Mối lo ngại lớn cho sức khỏe người bệnh

Viêm gan virus là mối lo ngại lớn cho sức khỏe người bệnh

Trong khuôn khổ bài viết này, viêm gan nguyên phát sẽ được làm rõ và phân tích cụ thể hơn cả. Viêm gan nguyên phát có 3 thể chính thường thấy nhất trong thăm khám và điều trị bệnh:

– Không triệu chứng

– Có triệu chứng có kèm theo vàng da, viêm gan tối cấp (là tổn thương nặng, lan tỏa có thể tử vong vì thời gian diễn tiến nhanh)

– Có triệu chứng nhưng không kèm theo vàng da và viêm gan tối cấp.

Các thể bệnh thường tự giới hạn, trong đó viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C có thể chuyển sang mạn tính gây biến chứng xơ gan, ung thư gan.

2. Viêm gan virus có lây truyền qua tiếp xúc?

Dựa trên con đường lây truyền, các virus gây bệnh được chia làm 2 nhóm:

– Nhóm lây qua đường tiêu hóa (đường phân miệng) gồm virus viêm gan A và E (HAV và HEV).

– Nhóm lây qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con gồm virus viêm gan B, C, D (HBV, HCV, HDV).

Mỗi loại virus gây viêm gan lại có những đặc điểm, tính chất liên quan đến bệnh khác nhau:

– Viêm gan do virus A và E có nguy cơ mắc các bệnh đường ruột do chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn kém. Tỷ lệ mắc bệnh lý này ở trẻ em cao hơn người lớn. Bệnh lây theo đường tiêu hóa, do thức ăn, nước uống,… nguồn nước bị nhiễm chất tiết của người bệnh hoặc do người chế biến thức ăn bị nhiễm và không nấu kỹ thức ăn.

– Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con là đường lây chủ yếu ở nước ta. Chủ yếu lây bệnh ở giai đoạn chu sinh.

– Virus viêm gan C là nguyên nhân quan trọng của viêm gan sau truyền máu, dùng chung kim tiêm. Tỷ lệ nhiễm HCV qua đường tình dục và từ mẹ sang con thấp hơn HBV. Do đó, tỷ lệ đồng nhiễm HCV cao ở người nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. Tỷ lệ nhiễm HCV chuyển sang nhiễm trùng mạn, xơ gan và ung thư gan cao hơn HBV.

– Virus viêm gan D: HDV cần có sự hiện diện của HBV để xâm nhập vào cơ thể. Tình hình nhiễm HDV ở Việt Nam chưa được xác định.

3. Viêm gan virus có triệu chứng gì?

3.1 Những biểu hiện cơ bản

Triệu chứng của viêm gan do virus khác nhau qua từng giai đoạn của bệnh, viêm gan thường có triệu chứng lâm sàng ở 2 thể là cấp và tối cấp. Ở giai đoạn mạn, triệu chứng lâm sàng thường âm thầm và chỉ biểu hiện qua các đợt cấp trên nền mạn hoặc nhờ các chỉ điểm cận lâm sàng.

– Sốt thường nhẹ, 38-39 độ C. Mệt mỏi, uể oải và dấu hiệu xuất hiện rất sớm và là dấu hiệu tồn tại lâu nhất.

– Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu. Có thể gặp buồn nôn hoặc nôn, đau âm ỉ ở hạ sườn phải hoặc thượng vị….

– Đau cơ: đau khớp, nhức đầu.

– Nước tiểu ít, màu vàng đậm.

– Vàng da, vàng mắt tăng lên là triệu chứng người bệnh cần nghĩ đến vấn đề về bệnh lý gan, mật.

– Gan lớn, mềm và đau nhẹ, thường gặp giai đoạn bệnh đang tiến triển.

Tìm hiểu thêm: Khi thực hiện nội soi dạ dày có phải nhịn ăn không?

Viêm gan virus – Mối lo ngại lớn cho sức khỏe người bệnh

Đau vùng hạ sườn phải là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý về gan

3.2 Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm gan virus

– Rối loạn tâm thần kinh: Kích thích, bứt rứt, khó chịu, không nằm yên, không ngủ được. Người bệnh mất định hướng không gian và thời gian. Mê sảng kèm theo kích thích vận động, sau đó rồi dần dần đi vào hôn mê.

– Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng; xuất huyết phủ tạng. Hơi thở có mùi NH3. Đây là các triệu chứng trong thể tối cấp của bệnh. Diễn tiến nhanh, có thể dẫn đến tử vong.

– Riêng viêm gan siêu vi E ở thai phụ thường diễn tiến rất nặng, tỷ lệ tử vong lên đến 20%. Trẻ sơ sinh lây từ mẹ tử vong khoảng 4%.

– Giai đoạn viêm gan mạn: Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng âm thầm. Triệu chứng thường gặp là mỏi mệt, cảm giác nặng hoặc tức vùng hạ sườn phải, có khi kèm đau cơ, đau khớp. Trong đợt tiến triển hoặc đợt cấp, triệu chứng rầm rộ hơn với sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng, đau tức vùng gan, gan hơi lớn, nốt giãn mạch hình sao, lách to.

– Các biến chứng của viêm gan mạn: Xơ gan, các triệu chứng viêm giảm dần, thay vào đó là các triệu chứng của xơ gan như hội chứng tăng áp cửa và hội chứng suy tế bào gan. Ung thư gan.

4. Các chỉ số xét nghiệm nào đặc trưng cho viêm gan virus?

– Xét nghiệm transaminase tăng biểu hiện tình trạng viêm, hoại tử tế bào gan.

– Bilirubin trực tiếp và gián tiếp đều tăng do ứ mật

– Rối loạn yếu tố đông máu

– Chẩn đoán virus học

– Sinh thiết gan: Không cần thiết trong viêm gan do virus cấp. Sinh thiết được dùng để đánh giá mức độ tổn thương gan. Hiện nay có nhiều kĩ thuật không xâm nhập khác như fibrotest, ARFI, FibroScan,…

5. Điều trị viêm gan virus như thế nào?

5.1 Đối với viêm gan virus cấp

– Điều trị hỗ trợ:

Phần lớn bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú mà không cần nằm viện. Chỉ cần nhập viện khi có các biểu hiện nặng cần phải theo dõi, tiêm thuốc, truyền dịch. Khi triệu chứng lâm sàng giảm bệnh nhân có thể xuất viện và tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.

Nghỉ ngơi: tại giường không tuyệt đối, nếu bệnh nhân làm việc gắng sức trong giai đoạn cấp có thể làm bệnh diễn biến kéo dài và phức tạp.

Dinh dưỡng: khẩu phần ăn nhiều đạm, nhiều đường, ít mỡ

– Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút:

Theo khuyến cáo ở một số nước trên thế giới do tỷ lệ chuyển sang mạn tính của viêm gan C cấp quá cao, người ta khuyến cao nên điều trị ngay bệnh nhân viêm gan C cấp bằng thuốc kháng vi-rút. Tuy hiện tại ở nước ta chỉ điều trị kháng virus khi nhiễm virus viêm gan C mạn ( thời gian nhiễm > 6 tháng).

5.2 Đối với viêm gan virus B thể tối cấp

– Mục đích điều trị là hỗ trợ bệnh nhân bằng cách cân bằng nước điện giải, hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp, kiểm soát xuất huyết, điều trị một số biến chứng quan trọng liên quan đến tình trạng hôn mê.

5.3 Đối với viêm gan virus B mạn tính

Chỉ định điều trị dựa vào: Tải lượng HBV DNA, hoạt độ transaminase huyết thanh, mức độ và giai đoạn mô học. Các thuốc được khuyến cáo điều trị hiện nay: peg-interferon, entecavir hoặc tenofovir.

Viêm gan do virus C mạn tính điều trị bằng interferon hoặc peg-interferon phối hợp với ribavirin. Simeprevir và sofosbuvir cũng đã được sử dụng rộng rãi và cho thấy hiệu quả cao trong điều trị viêm gan C mạn tính.

Viêm gan do virus D mạn tính điều trị như viêm gan B mạn tính.

Viêm gan virus – Mối lo ngại lớn cho sức khỏe người bệnh

>>>>>Xem thêm: Xơ gan kiêng ăn gì?Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Mỗi loại viêm gan virus có những cách điều trị nhất định

Lưu ý: Các thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc và tự ý điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cần đến chuyên khoa thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị hiệu quả, tránh để lâu gây nhiều nguy cơ biến chứng.

6. Làm sao để dự phòng bệnh?

6.1 Biện pháp chung

Nhằm hạn chế khả năng lây chéo trong cộng đồng, biện pháp tốt nhất và hữu hiệu nhất là làm thế nào để gián đoạn chuỗi lây truyền của virus. Theo đó, các giải pháp về vệ sinh môi trường, khử khuẩn đóng vai trò vô cùng quan trọng.

– Vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, quản lý phân đúng quy cách, an toàn thực phẩm, giáo dục thói quen vệ sinh.

– Những người làm công tác chế biến thức ăn bị viêm gan do virus A, E thì phải tuyệt đối cách ly khỏi công việc của họ tối thiểu 1 tuần sau giai đoạn cấp.

– Hạn chế tiếp xúc với máu và dịch tiết, an toàn truyền máu, tuyên truyền giáo dục phòng bệnh theo đường lây. Chỉ sử dụng kim tiêm 1 lần. Kim xăm da hoặc xâu lỗ tai phải tuyệt đối vô trùng, không dùng chung. Không sử dụng các biện pháp dân gian để điều trị như thói quen chích lể, nặn mụn bằng kim trong nhân dân. Tránh dùng chung dụng cụ có thể lây nhiễm máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kềm cắt móng tay,…

Hiện nay người ta sàng lọc bằng cách xét nghiệm tìm HbsAg và anti-HCV ở tất cả các mẫu máu.

6.2 Phòng cho nhóm nguy cơ

Một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất chính là phòng và chặn ngay từ nguồn lây bệnh. Chính những người mang bệnh cần ý thức được mức độ và khả năng lây của mình tới những người xung quanh.

Cần giáo dục cho người nhiễm vi-rút viêm gan B, C, D hiểu về phương thức truyền bệnh, rằng họ sẽ là nguồn lây cho gia đình và cộng đồng nếu không thực hành những hành vi an toàn như sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, không cho máu, tinh dịch, phủ tạng…

6.3 Dự phòng đặc hiệu

Dự phòng đặc hiệu là hình thức dự phòng tác động trực tiếp vào yếu tố gây bệnh (là virus), thay vì phòng ngừa chung và tuyên truyền như các biện pháp bên trên. Có 2 biện pháp dự phòng đặc hiệu phổ biến nhất hiện nay là dùng vaccine và globulin miễn dịch.

– Tiêm vắc-xin: HAV: Người lớn (trên 18 tuổi): tiêm 2 mũi cách nhau 6-18 tháng, kéo dài ít nhất 10 năm. Trẻ em (1-18 tuổi): tiêm 2 mũi, cách nhau 6-18 tháng. Vắc-xin phối hợp phòng HAV, HBV: Twinrix. HBV: tiêm 3 mũi (ngày 0, cách 1 tháng, cách 6 tháng). HDV: dùng vắc-xin dự phòng HBV. Không có vắc-xin riêng đối với HDV. HCV và HEV hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

– Globulin miễn dịch được dùng để dự phòng sau tiếp xúc cho những người nhạy cảm với bệnh.

Mỗi cách phòng bệnh đều có những ưu nhược điểm khác nhau, do đó bạn nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn hình thức phù hợp hoặc phối hợp đồng bộ các biện pháp.

Hy vọng với bài viết trên, bạn đọc đã có hình dung tổng quan và có những thông tin hữu ích liên quan đến viêm gan virus. Để xác định tình trạng bản thân có đang mắc viêm gan do virus hay không? hay đang bị viêm gan nhưng ở giai đoạn nào, điều trị sao cho phù hợp. Hãy vui lòng liên hệ các y bác sĩ và chuyên gia y tế tại Hệ thông Y tế Thu Cúc bạn nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *