Viêm giác mạc sợi là bệnh lý khá phổ biến ở mắt. Đây là tình trạng giác mạc bị tổn thương khiến cho mắt bị khô, cộm, mệt mỏi khiến cho cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Giác mạc dạng sợi bị viêm không chỉ là bệnh lý khó điều trị mà còn tốn nhiều thời gian cũng như chi phí để chữa bệnh.
Bạn đang đọc: Viêm giác mạc sợi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
1. Định nghĩa viêm giác mạc sợi
Viêm giác mạc dạng sợi thường xuất phát từ nguyên nhân khô mắt khiến cho bề mặt giác mạc bị tổn thương.
Sợi giác mạc là cơ quan được tạo thành từ các biểu mô thoái hóa kết hợp với chất nhầy phủ lên trên. Sợi giác mạc nằm ở vị trí bề mặt giác mạc, tại những nơi mà các tế bào biểu mô bị thiếu, bong tróc khiến cho người bệnh cảm giác đau nhức, cộm và khó chịu ở mắt.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho giác mạc sợi bị viêm là do tình trạng khô mắt kéo dài khiến cho bề mặt nhãn cầu không được bôi trơn. Đây là loại bệnh lý có thể tái phát nhiều lần mà chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm.
2. Triệu chứng viêm giác mạc sợi
Khi bị bệnh viêm giác mạc dạng sợi, người bệnh thường sẽ có các triệu chứng có thể kể đến như:
– Mắt bị kích thích khiến người bệnh đau nhức, khó chịu
– Cảm giác nóng rát mắt
– Mắt như có bụi, cộm xốn
– Mắt thường có cảm giác nặng hơn vào buổi sáng
3. Những nguyên nhân khiến cho vùng giác mạc dạng sợi bị viêm nhiễm
Khô mắt chính là nguyên nhân chính khiến cho giác mạc dạng sợi trong mắt bị viêm nhiễm.
Khô mắt là một trong những nguyên nhân chính khiến cho vùng giác mạc dạng sợi bị viêm. Để nhận biết bệnh lý khô mắt dễ dàng nhất, người bệnh có thể để ý sau khi khóc, màng nước mắt bình thường sẽ cần khoảng 20s để khô. Tuy nhiên, với những người bị bệnh khô mắt thì thời gian để màng nước mắt khô chỉ mất 5s.
Mắt bị khô là khi nước mắt không sản xuất đủ để có thể điều tiết mắt cũng như bảo vệ được màng giác mạc. Từ đó, mắt sẽ bị tổn thương và đau nhức. Người bệnh khi bị khô mắt sẽ có triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mắt lúc nhìn rõ lúc không, nặng hơn sẽ có cảm giác mi mắt dính vào nhãn cầu.
3.1. Những yếu tố gây khô mắt gây ra tình trạng viêm giác mạc sợi
– Môi trường:
Người bệnh thường xuyên phải tiếp xúc với những khu vực có môi trường nhiều khói bụi, không khí khô nóng, dùng điều hòa hoặc quạt trong thời gian dài liên tục.
– Thói quen gây hại cho mắt trong cuộc sống hàng ngày:
Việc đọc sách báo hay xem tivi trong môi trường thiếu ánh sáng, khoảng cách quá gần hoặc quá xa trong thời gian dài cũng khiến cho mắt phải điều tiết quá độ, dẫn đến tình trạng mỏi mắt và tổn thương.
Những công việc văn phòng cần sử dụng máy tính liên tục trong hàng giờ đồng hồ sẽ khiến cho mắt bị căng thẳng quá độ, gây mỏi và khô mắt.
– Tuổi tác và nội tiết tố của cơ thể:
Tuyến lệ sẽ suy giảm chức năng theo thời gian trưởng thành của mỗi người. Do đó, mắt của người cao tuổi thường sẽ khó tiết nước mắt hơn người trẻ. Ngoài ra, những người phụ nữ sau sinh cũng thường xảy ra tình trạng khô mắt do nội tiết tố trong cơ thể có sự thay đổi đột ngột.
– Sau khi phẫu thuật mắt:
Những bệnh nhân sau khi mổ mắt để điều trị tật khúc xạ hoặc các bệnh lý mắt cần phải mổ thường sẽ có tình trạng khô mắt tạm thời. Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để hỗ trợ trong quá trình phục hồi, ngăn ngừa tình trạng tổn thương mắt có thể xảy ra.
4. Phương pháp điều trị bệnh viêm giác mạc dạng sợi
Tìm hiểu thêm: Mổ Phaco mắt: “Hồi sinh” đôi mắt đục thủy tinh thể độ 3
Tùy theo từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau để kết quả mang lại tốt nhất.
Để có thể kiểm tra chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín. Tại đây, các bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để gạt đi những sợi nhầy lắng đọng lại ở giác mạc.
Để điều trị bệnh lý này, các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị sẽ được xây dựng tùy theo từng nguyên nhân đó.
4.1. Điều trị do nguyên nhân khô mắt:
Để điều trị bệnh lý gây ra bởi khô mắt, các bác sĩ sẽ sử dụng các chất bôi trơn có tính chất giữ ẩm tốt như nước mắt nhân tạo hay các chất dinh dưỡng có tác dụng ổn định tế bào biểu mô. Nước mắt nhân tạo được sử dụng chính trong quá trình điều trị các bệnh viêm nhiễm ở giác mạc. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định nhỏ nước mắt nhân tạo từ 6-10 lần/ ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung thêm vitamin A và các chất dinh dưỡng bổ mắt cần thiết.
4.2. Nguyên nhân gây bệnh khác
Nếu bệnh lý xảy ra là do biến chứng của các bệnh lý khác như hở mi, liệt dây thần kinh số 7,… thì người bệnh cần điều trị dứt điểm các bệnh lý này trước khi điều trị viêm giác mạc dạng sợi.
Trong trường hợp tình trạng viêm nhiễm dai dẳng hoặc tái phát thường xuyên, người bệnh có thể cân nhắc về việc sử dụng kính sát tròng loại mềm đeo qua để giúp mắt giảm bớt cảm giác bị kích thích và nhanh làm lành các thương tổn của mắt.
4.3. Những chú ý người bệnh cần ghi nhớ trong quá trình điều trị
>>>>>Xem thêm: Những thắc mắc liên quan đến việc đi khám đau mắt đỏ
Do bệnh lý có khả năng tái phát nhiều lần, do đó, sau khi điều trị, người bệnh vẫn cần tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ để bảo đảm mắt luôn khỏe.
Để việc điều trị đạt hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ một số yêu cầu sai:
– Hạn chế sử dụng máy tính hoặc xem tivi, đọc báo trong thời gian dài liên tục ở cự ly quá gần
– Hạn chế thức khuya khiến mắt luôn trong trạng thái điều tiết quá độ
– Ngồi trong phòng máy lạnh suốt cả ngày hoặc tiếp xúc với các khu vực có môi trường gây hại cho mắt lâu
– Khi đi ra đường nên đeo kính để che chắn ánh nắng cũng như ngăn ngừa bụi bẩn bay vào mắt.
Người bệnh cần sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý để mắt không cần làm việc quá nhiều. Ngủ đủ giấc 7-8 tiếng một ngày là phương pháp tốt giúp mắt thư giãn sau một ngày dài căng thẳng.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý viêm nhiễm giác mạc dạng sợi. Người bệnh khi mắc bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà vì có thể khiến mắt gặp nguy hiểm và bệnh lý tiến triển xấu đi, khó có thể điều trị dứt điểm hơn. Nếu cần hỗ trợ hoặc đặt lịch khám tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, hãy gọi cho chúng tôi qua tổng đài để được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến bệnh lý.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.