Viêm kết tràng và những thông tin cần biết 

Viêm kết tràng gây ra nhiều đau đớn, khó chịu ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.

1. Tìm hiểu về viêm kết tràng

Trước khi tìm hiểu về bệnh viêm kết tràng bạn đã biết bộ phận này ở đâu chưa? Kết tràng là một phần thuộc đại tràng. Đại tràng thường dài khoảng 1.5 tới 2m và gồm 3 phần: Manh tràng, kết tràng, trực tràng. Kết tràng nằm ở giữa với phía trên là manh tràng và phía dưới là trực tràng.

Kết tràng có nhiệm vụ:

– Tiêu hóa: Phần lớn lượng thức ăn sẽ được tiêu hóa ở dạ dày và ruột nôn. Tuy nhiên ở kết tràng vẫn diễn ra quá trình tiêu hóa một số chất

– Hấp thụ chất: Bên cạnh chức năng tiêu hóa thì kết tràng còn giúp hấp thụ chất dinh dưỡng để đưa vào máu và chuyển đi khắp cơ thể.

Viêm kết tràng là khi trên niêm mạc kết tràng xuất hiện các tổn thương, viêm loét.

Viêm kết tràng và những thông tin cần biết 

Viêm kết tràng là bệnh phổ biến ở hệ tiêu hóa

2. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm kết tràng

Với mỗi nguyên nhân thì người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau. Các bác sĩ đã tổng hợp lại các triệu chứng viêm kết tràng đặc trưng nhất:

2.1 Đau bụng do bị viêm kết tràng

Biểu hiện phổ biến nhất mà hầu hết các bệnh nhân bị viêm ở kết tràng đều gặp phải. Phụ thuộc vào mức độ viêm loét mà cơn đau bụng sẽ có tính chất khác nhau: Đau bụng quặn thắt, đau từng cơn, đau từng đoạn, đau âm ỉ,…Cơn đau thường xuất phát ở vùng bụng, dọc theo khung đại tràng hoặc hai hố chậu.

2.2 Đại tiện bất thường khi mắc bệnh

Người bệnh sẽ có một số thay đổi bất thường khi kết tràng bị viêm. Tùy từng người mà dấu hiệu đại tiện sẽ khác nhau:

– Đau bụng và tiêu lỏng: Trung bình người bệnh đi ngoài khoảng 3-4 lần một ngày. Phân lúc đầu đặc nhưng không thành khuôn. Những lần đi ngoài tiếp theo phân ở dạng lỏng. Cơn đau bụng sẽ giảm sau khi đi ngoài

– Đau bụng kèm táo bón: Tình trạng táo bón kèm theo đau bụng xuất hiện. Bệnh nhân thường khó đi ngoài, phân khô cứng và ít

– Bị táo bón và tiêu chảy: Người bệnh thấy xuất hiện cùng lúc cả táo bón và tiêu chảy xảy ra xen kẽ. Xuất hiện các đợt táo bón sau đó chuyển sang tiêu chảy diễn ra trong nhiều năm

2.3 Chán ăn, sụt cân nhanh chóng là dấu hiệu của viêm kết tràng

Kết tràng gặp vấn đề gây ra tình trạng đầy bụng khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh giảm cân nhanh chóng do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

2.4 Sốt

Một số trường hợp viêm loét ở kết tràng có kèm sốt, buồn nôn. Tùy thuộc vào tình trạng viêm loét người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc thậm chí sốt cao. Trong trường hợp sốt cao người bệnh cần chườm ấm, uống thuốc hạ sốt và tới bệnh viện để kiểm tra ngay.

2.5 Suy nhược cơ thể

Đại tràng bị viêm khiến cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng bị ảnh hưởng. Cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ dẫn tới suy nhược. Chính vì vậy người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi dù không vận động quá sức.

Viêm kết tràng và những thông tin cần biết 

Đau bụng là một trong các triệu chứng của bệnh

3. Nguyên nhân phổ biến của viêm loét kết tràng

Nguyên nhân gây viêm nhiễm ở kết tràng do nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên phần lớn là do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân cụ thể gây bệnh.

3.1 Viêm loét kết tràng cấp tính

Nguyên nhân chính dẫn tới viêm nhiễm kết tràng là do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp vệ sinh. Nhiều trường hợp bị bệnh do ngộ độc thực phẩm và dị ứng với đồ ăn. Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác gây bệnh như:

– Nhiễm khuẩn do các loại ký sinh trùng, các loại vi khuẩn, các loại nấm hay siêu vi

– Ảnh hưởng của các bệnh ở đường ruột, nhiễm độc, tác dụng phụ của một số loại thuốc

3.2 Viêm loét kết tràng mạn tính

Trường hợp bị viêm kết tràng mạn tính được chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính:

– Nhóm xác định được nguyên nhân: Do nhiễm độc, nhiễm vi khuẩn, virus,…

– Nhóm không tìm được nguyên nhân gây bệnh

Viêm kết tràng và những thông tin cần biết 

Vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây bệnh

4. Chẩn đoán bệnh viêm kết tràng

Để có kết quả chẩn đoán chính xác ngoài việc dựa vào triệu chứng bạn cần tới bệnh viện để thực hiện các biện pháp nội soi, xét nghiệm,…

4.1 Nội soi đại tràng và kết tràng

Nội soi là một trong những biện pháp chẩn đoán phổ biến nhất. Thông qua quá trình nội soi sẽ giúp nắm được mức độ viêm loét nhờ quan sát trực tiếp các vùng tổn thương. Bên cạnh đó bác sĩ có thể kết hợp lấy mẫu để sinh thiết nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Phương pháp này còn giúp ích trong việc chẩn đoán nguy cơ ung thư sớm.

4.2 Chụp X-quang

Đây là phương pháp chẩn đoán truyền thống và có thể được chỉ định cho các bệnh nhân không thể thực hiện nội soi. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ phát hiện cả các bệnh lý liên quan như: Co thắt đại tràng, phình đại tràng,…

4.3 Xét nghiệm phân

Phân của người bệnh được mang đi phân tích. Dựa vào tỷ lệ bạch cầu trong phân sẽ giúp xác định được bệnh viêm kết tràng. Xét nghiệm được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn,….

4.4 Xét nghiệm máu

Bệnh nhân bị đi ngoài và phân xuất hiện máu sẽ mất nước và chất điện giải sẽ cần thực hiện xét nghiệm máu. Các chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiêu cầu trong máu sẽ đánh giá chính xác tình trạng viêm nhiễm.

5. Điều trị bệnh viêm nhiễm ở kết tràng

Quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh ở kết tràng. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp với mỗi bệnh nhân.

5.1 Điều trị nội khoa

Hiện nay chưa có  thuốc đặc trị cho bệnh viêm đại tràng và kết tràng. Hầu hết các loại thuốc sẽ có mục đích làm giảm triệu chứng khó chịu và hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn.

– Thuốc chống viêm

– Thuốc chống co thắt đại tràng, thuốc giảm đau

– Thuốc kháng sinh chống các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,…

– Thuốc giúp chống táo bón, tiêu chảy

– Bổ sung nước và chất điện giải khi bị mất nước do tiêu chảy

5.2 Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là kỹ thuật xâm lấn gây ra nhiều đau đớn và rủi ro cho nhiều điều trị. Chính vì vậy phương pháp này chỉ được sử dụng trong một số trường hợp bất khả kháng như:

– Bệnh nhân điều trị bằng nội khoa không thành công

– Xảy ra các biến chứng nguy hiểm: Thủng kết tràng, xuất huyết đại tràng, ung thư,…

5.3 Thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống

Bên cạnh điều trị bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa thì người bệnh cần kết hợp thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học.

– Phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng

– Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm dinh dưỡng: Protein, axit omega 3, vitamin C, probiotics,…

– Bệnh nhân bị táo bón cần ăn ít chất béo, tăng cường ăn nhiều rau quả để bổ sung chất xơ. Nên chia nhỏ bữa ăn

– Bệnh nhân bị tiêu chảy nên hạn chế ăn chất xơ, trái cây cần gọt bỏ vỏ, không nên ăn đồ sống

– Tăng cường các hoạt động thể chất giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần

Viêm kết tràng và những thông tin cần biết 

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ giúp nâng cao sức khỏe

Viêm kết tràng là bệnh không quá nguy hiểm tuy nhiên mọi người không nên chủ quan. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh và hạn chế các biến chứng xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *