Viêm loét dạ dày tá tràng có tỷ lệ mắc cao nhất trong các bệnh lý đường tiêu hóa. Cũng vì mức độ phổ biến này mà nhiều người sinh ra tâm lý chủ quan với bệnh, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết, trì hoãn việc điều trị và dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây hại tới sức khỏe.
Bạn đang đọc: Viêm loét dạ dày tá tràng nguy hiểm hơn những gì bạn nghĩ
1. Không thể chủ quan với viêm loét dạ dày tá tràng
1.1. Loét dạ dày tá tràng là gì?
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi hình thành các vết loét trên thành niêm mạc dạ dày – tá tràng. Nguyên nhân gây ra đến từ sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ (lớp chất nhầy) tại thành niêm mạc và yếu tố tấn công (dịch vị).
Khi lượng chất nhầy không đủ để trung hòa được dịch vị sẽ dẫn đến phản ứng viêm trên bề mặt niêm mạc. Trường hợp nhẹ là những tổn thương có thể tự hồi phục sau đó, nặng hơn sẽ gây ra các vết loét trên thành dạ dày – tá tràng.
Viêm loét dạ dày – tá tràng phát triển qua 2 giai đoạn là viêm loét cấp tính và viêm loét mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh sẽ nhanh chóng được điều trị dứt điểm hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Trường hợp viêm loét mạn tính, các tổn thương sẽ âm thầm lan rộng, nguy cơ biến chứng cao hơn và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
1.2. Nhận biết đúng và sớm dấu hiệu bệnh
Việc nhận biết đúng và sớm các dấu hiệu viêm loét dạ dày – tá tràng rất quan trọng. Mỗi người tuyệt đối không được ngó lơ những dấu hiệu “gõ cửa” của bệnh bao gồm các triệu chứng sau đây:
– Đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng phía trên rốn): Cơn đau thường khởi phát lúc sau ăn 2-3 tiếng, cũng có khi là đau vào buổi đêm muộn gần sáng. Đặc điểm nhận diện cơn đau thường đau quặn bụng từng cơn hoặc đau âm ỉ, đau lan ra cả phía sau lưng.
– Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua và nóng rát vùng thượng vị: Dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày – tá tràng sớm nhưng hầu hết người bệnh đều coi nhẹ mà bỏ qua.
– Đầy bụng, khó tiêu, kèm buồn nôn hoặc nôn: Các tổn thương bên trong dạ dày làm giảm hiệu quả tiêu hoá dẫn tới việc thức ăn bị tồn đọng lâu gây ra chướng bụng, đầy hơi. Tình trạng này kéo dài, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn mửa.
– Rối loạn tiêu hóa, táo bón: Khi hoạt động tiêu hóa bị đình trệ do ảnh hưởng từ các vết loét sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa. Hệ quả là người bệnh bị táo bón, suy nhược cơ thể và sút cân nhanh.
– Mất ngủ, ngủ không ngon: Các triệu chứng tiêu hóa xảy ra về đêm khiến ảnh hưởng tới giấc ngủ. Người bệnh thường bị mất giấc ngủ, ngủ không ngon, ảnh hưởng tới tinh thần và sức khỏe.
Tìm hiểu thêm: Sau mổ ruột thừa kiêng ăn gì – Giải đáp
2. Viêm loét dạ dày – tá tràng gây ra những nguy hiểm gì tới sức khỏe người bệnh?
Bên cạnh những triệu chứng khó chịu ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, người bệnh viêm loét dạ dày còn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh này như: Hẹp môn vị, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.
2.1. Hẹp môn vị dạ dày
Hẹp môn vị là loại biến chứng phổ biến nhất khi bệnh viêm loét dạ dày trở nặng gây ra. Nhận diện dấu hiệu nghi ngờ biến chứng hẹp môn vị với những biểu hiện cụ thể sau đây:
– Đau bụng dữ dội, đau liên tục, dồn dập và kéo dài. Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn và đau nhiều hơn sau ăn đồ ăn khó tiêu hóa.
– Buồn nôn, nôn. Thực phẩm nôn ra có mùi hôi rất khó chịu.
– Người mệt mỏi, lờ đờ, hay toát mồ hôi và không còn sức lực.
2.2. Loét dạ dày tá tràng nặng có thể gây thủng dạ dày
Khi các ổ loét không được điều trị dứt điểm, lâu dần chúng sẽ ăn sâu và lan rộng khiến tình trạng loét ngày một trở nên nghiêm trọng. Khi đó, thành dạ dày bị tổn thương nặng nề và có thể tạo thành các lỗ thủng (vết thủng dạ dày).
Thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần được tiến hành cấp cứu ngay lập tức, nếu không có thể dẫn tới hệ quả khôn lường, thậm chí là đe dọa tới tính mạng. Chính vì thế, việc nhận biết sớm dấu hiệu thủng dạ dày rất quan trọng.
Cơn đau thượng vị dữ dội là dấu hiệu điển hình nhận diện biến chứng này. Lưu ý những đặc điểm cơn đau như sau:
– Cơn đau rất mạnh và dữ dội, Cảm giác như có dao đâm vào bụng..
– Bụng gồng cứng, chỉ cần thở mạnh cũng sẽ đau hơn.
– Cơn đau sẽ lan ra khắp ổ bụng, lên tới cả ngực, vai và lưng.
– Cảm giác mệt mỏi vô cùng, người không còn sức lực, mặt xanh tái, tay chân ớn lạnh, toát mồ hôi, có thể còn bị tụt huyết áp.
2.3. Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu tại dạ dày do các vết viêm loét nặng làm tổn thương tới mạch máu. Khi bị xuất huyết, người bệnh thường có các biểu hiện như: nôn ra máu hoặc nôn ra dịch đen, đại tiện phân đen và có mùi hôi thối rất khó chịu.
>>>>>Xem thêm: Có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc không?
2.4. Ung thư dạ dày
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh và cũng là biến chứng khó nhận diện nhất vì các triệu chứng thường khá mơ hồ. Các triệu chứng cảnh báo sớm ung thư dạ dày hay gặp nhất là đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn và chán ăn. Tuy nhiên, chúng lại rất dễ nhầm lẫn với những rối loạn tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường chủ quan mà bỏ qua. Điều này lý giải vì sao hầu hết các trường hợp ung thư khi phát hiện đều đã phát triển ở các giai đoạn nặng.
3. Lời khuyên từ chuyên gia
Viêm loét dạ dày – tá tràng không đơn giản là một bệnh đường tiêu hóa thông thường nên người bệnh tuyệt đối không thể chủ quan. Bạn hãy thực hiện những lưu ý sau đây sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả cũng như làm giảm triệu chứng, hỗ trợ điều trị bệnh và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng:
– Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích, rượu bia hoặc các loại đồ uống có cồn. Với những đối tượng nguy cơ cao hoặc người bệnh viêm loét mạn tính thì cần tránh xa hoàn toàn;
– Tham khảo trước ý kiến từ bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh;
– Xây dựng chế độ ăn cân đối và khoa học. Chọn các thực phẩm tươi đã được rửa sạch và nấu chín. Ưu tiên chế biến ít dầu mỡ, bổ sung nhiều rau củ quả để cung cấp đủ chất xơ và vitamin;
– Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn;
– Từ bỏ thuốc lá và hãy tránh xa khói thuốc;
– Tập luyện thể dục thể thao điều độ mỗi ngày để tăng cường thể lực và tốt cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
– Khám sức khỏe định kỳ đều đặn nhằm tầm soát tốt bệnh nhất là các trường hợp viêm loét mạn tính hoặc đang điều trị bệnh.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng đặc biệt nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách kịp thời. Mỗi người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định từ bác sĩ kết hợp chế độ ăn khoa học, sinh hoạt lành mạnh và chủ động thăm khám định kỳ nhằm kiểm soát bệnh tốt nhất, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng về sau.