Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó việc nắm rõ các triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị của bệnh là vô cùng cần thiết.
Bạn đang đọc: Viêm loét dạ dày: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
1. Bệnh viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là những tổn thương gây viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Tổn thương xuất hiện khi lớp mô bên dưới dạ dày – tá tràng bị lộ ra do lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng bị bào mòn. Các vết loét ở dạ dày xảy ra phổ biến hơn so với tá tràng.
Nếu tổn thương tại niêm mạc dạ dày gây ra các ổ loét lớn và chảy máu sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh có thể tử vong do mất máu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Việc nhận biết từng nguyên nhân cụ thể có ý nghĩa quan trọng giúp đề ra phương án phòng ngừa và có hướng điều trị bệnh hiệu quả hơn.
2.1. Vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP được coi là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét trong dạ dày. Loại vi khuẩn này sinh sống trong dạ dày, khi gặp các điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và tấn công vào lớp niêm mạc dạ dày, gây ra các vết loét.
Vi khuẩn HP có thể dễ dàng lây nhiễm từ người sang người thông qua các con đường phổ biến như đường miệng – miệng (dùng chung bát, thức ăn, dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng,…), đường phân – miệng (do không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh hoặc qua các côn trùng truyền bệnh), đường dạ dày – dạ dày (do không vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nội soi).
2.2. Căng thẳng kéo dài
Lo lắng và căng thẳng quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản sinh axit dạ dày, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo thời cơ cho các vi khuẩn có hại (đặc biệt là vi khuẩn HP) xâm nhập vào cơ thể.
2.3. Thiếu lành mạnh trong thói quen ăn uống – sinh hoạt
Thường xuyên sử dụng đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng hay quá lạnh, sử dụng đồ uống có cồn như rượu bia, thường xuyên bỏ bữa… sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, đồng thời ăn mòn lớp niêm mạc bảo vệ gây viêm loét.
Bên cạnh đó, thói quen ăn quá muộn, thức khuya,… gây rối loạn đồng hồ sinh học và cản trở chức năng miễn dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.
2.4. Lạm dụng thuốc dẫn đến viêm loét dạ dày
Lạm dụng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm sẽ ức chế các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày bị tổn thương, viêm loét.
2.5. Hút nhiều thuốc lá
Người hút thuốc lá có nguy cơ cao xuất hiện các vết loét dạ dày – tá tràng do thuốc lá phá vỡ cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại axit dạ dày. Cụ thể, thuốc lá kích thích làm tăng lượng axit dạ dày theo thời gian, đồng thời làm giảm sản xuất chất kháng axit tự nhiên sodium bicarbonate ở tuyến tụy.
Tìm hiểu thêm: Ăn xong hay bị ợ hơi – Có phải do thói quen ăn uống sai lầm?
2.6. Yếu tố tuổi tác
Loét dạ dày có xu hướng xuất hiện nhiều ở những người trên tuổi 60. Khi về già, chức năng của các cơ quan trong cơ thể và hệ thống miễn có dấu hiệu suy yếu dần. Đây là điều kiện để các tác nhân có hại bên ngoài dễ xâm nhập và gây bệnh, bao gồm vi khuẩn HP.
2.7. Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác gây bệnh viêm loét dạ dày có thể kể đến như: yếu tố di truyền, hội chứng Zollinger – Ellison (hình thành 1 hoặc nhiều khối u ở tụy hoặc tá tràng, tăng sản xuất axit dạ dày), trào ngược dịch mật.
3. Triệu chứng viêm loét dạ dày
Các triệu chứng của bệnh lý này khá rõ ràng và dễ nhận biết, bao gồm:
– Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh loét dạ dày. Những cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên, có thể âm ỉ, nóng rát hoặc rõ nét.
– Ợ nóng, trào ngược axit do axit trong dạ dày tăng bất thường.
– Giảm cân đột ngột: Dạ dày bị viêm loét sẽ giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn, khiến người bệnh sụt cân đột ngột.
– Buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, ăn không ngon do mất cân bằng tiêu hóa.
– Xuất huyết dạ dày: Ở trường hợp tình trạng viêm loét nghiêm trọng, người bệnh có thể nôn ra máu kèm theo cảm giác nóng rát, cồn cào. Khi xuất hiện triệu chứng này, người bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
– Đi ngoài ra phân đen: Viêm loét khiến quá trình tiêu hóa hoạt động bất thường dẫn đến chứng đi ngoài ra phân đen.
4. Viêm loét dạ dày gây ra biến chứng gì?
Tổn thương viêm loét có thể trở thành mãn tính nếu không được điều trị dứt điểm, đồng thời dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.
4.1. Xuất huyết tiêu hóa
Khi vết viêm loét chảy máu, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: nôn ra máu, chóng mặt, choáng váng, đi ngoài ra máu tươi hoặc máu đen,… Xuất huyết tiêu hóa có thể gây ra tình trạng mất máu cấp, nếu chuyển biến nặng phải thực hiện cầm máu qua nội soi hoặc phẫu thuật.
4.2. Hẹp môn vị do viêm loét dạ dày
Ổ loét xơ chai thành dạng sẹo co thắt, làm thu hẹp lòng dạ dày – tá tràng, khiến thức ăn khó đi qua. Hẹp môn vị gây ra các triệu chứng đầy bụng, nôn ra thức ăn của các bữa ăn trước, sút cân nhanh.
4.3. Thủng dạ dày
Vết viêm loét ăn mòn niêm mạc, sau thời gian dài có thể gây thủng dạ dày. Dấu hiệu của thủng dạ dày là người bệnh bị đau bụng dữ dội vùng thượng vị dạ dày, đau đột ngột, cảm giác đau như dao xuyên vào bụng, bụng co cứng, tình trạng sốc, tụt huyết áp,… Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến bệnh viện gần nhất để can thiệp cấp cứu kịp thời.
4.4. Ung thư dạ dày
Viêm loét dạ dày là bệnh lý lành tính, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng ung thư dạ dày vô cùng nguy hiểm.
5. Chẩn đoán viêm loét dạ dày
Phương pháp hiệu quả và chính xác nhất để chẩn đoán loét dạ dày chính là nội soi dạ dày – tá tràng. Qua quá trình nội soi, bác sĩ không chỉ phát hiện ổ loét, đánh giá vị trí và kích thước của chúng mà còn quan sát được những bất thường, tổn thương khó nhận thấy ở niêm mạc. Đồng thời, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết tổn thương để khảo sát mô học, sàng lọc ung thư dạ dày sớm.
Ngoài phương pháp nội soi, bệnh viêm loét dạ dày cũng có thể được chẩn đoán qua cách ít phổ biến hơn là xét nghiệm máu, phân. Các xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng thiếu máu (đặc biệt với trường hợp biến chứng gây xuất huyết tiêu hóa), xác định nồng độ enzyme các niêm mạc dạ dày và và tình trạng hồng cầu trong phân.
>>>>>Xem thêm: Bệnh dạ dày có chữa được không?
6. Điều trị viêm loét dạ dày
6.1. Dùng thuốc
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh được điều trị bằng các loại thuốc nhằm giảm các triệu chứng khó chịu và thúc đẩy quá trình hồi phục của dạ dày. Các loại thuốc điều trị được sử dụng phổ biến gồm:
– Thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP dạ dày.
– Thuốc ức chế sản xuất acid dạ dày, có tác dụng thúc đẩy điều trị.
– Thuốc kháng acid (có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày).
Người bệnh phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kể trên.
6.1. Xây dựng lối sống lành mạnh
Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thì sự chủ động của người bệnh trong việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh cũng là yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào sự thành công của quá trình điều trị.
– Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các loại thuốc giảm đau và kháng viêm để ổn định lại các enzyme trong hệ thống bảo vệ niêm mạc dạ dày.
– Ăn uống điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa
– Nên dùng các loại thực phẩm như: rau củ quả tươi; các loại hạt; thực phẩm chứa nhiều đạm dễ tiêu (thịt lợn nạc, cá nạc,…); tinh bột dễ tiêu (cơm, bánh mì, cháo, khoai,…); dầu thực vật;…
– Nên tránh các loại thực phẩm như: thức ăn dai cứng, rau có nhiều xơ, quả xanh sống, các loại quả chua, thực phẩm chua cay, các loại dưa cà muối, nước có gas, trà, cà phê đậm đặc,…
– Nội soi dạ dày – tá tràng định kỳ kể cả khi không có dấu hiệu bất thường nhằm phát hiện sớm tình trạng viêm loét và các bệnh lý dạ dày khác.
Như vậy, nếu được phát hiện sớm, bệnh viêm loét dạ dày có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhờ áp dụng phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp chế độ ăn uống – sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Nội soi dạ dày – tá tràng là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh. Hãy thăm khám và nội soi dạ dày ngay khi có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa để được can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.