Viêm niệu đạo thường gây đau khi đi tiểu và buồn tiểu liên tục. Viêm niệu đạo đa phần là do nhiễm vi khuẩn gây ra.
Viêm niệu đạo: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm niệu đạo là gì?
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Ở nam giới, niệu đạo còn có chứa năng dẫn tinh dịch ra ngoài khi xuất tinh. Viêm niệu đạo là tình trạng ống dẫn này bị viêm.
Viêm niệu đạo không giống như nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi các cơ quan trong đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm. Viêm niệu đạo và nhiễm trùng đường tiết niệu có một số triệu chứng tương tự nhau nhưng phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm niệu đạo.
Viêm niệu đạo có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể giới tính và độ tuổi nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Điều này một phần là do niệu đạo của phụ giới ngắn hơn nhiều so với niệu đạo của nam giới. Niệu đạo ở nam giới trưởng thành dài 14 – 20 cm trong khi niệu đạo của phụ nữ trưởng thành dài khoảng 3 – 5 cm. Niệu đạo ngắn hơn có nghĩa là vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo hơn.
Ước tính hàng năm trên thế giới có hàng chục triệu ca mắc mới viêm niệu đạo và đa số trong đó là viêm niệu đạo không do lậu.
Triệu chứng viêm niệu đạo
Triệu chứng viêm niệu đạo ở nam giới
Nam giới bị viêm niệu đạo thường gặp các triệu chứng sau:
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Ngứa hoặc rát ở lỗ niệu đạo
- Có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu
- Dịch tiết bất thuờng từ dương vật
Triệu chứng ở phụ nữ
Một số triệu chứng viêm niệu đạo ở phụ nữ gồm có:
- Tăng tần suất buồn tiểu
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Ngứa ngáy, nóng rát ở lỗ niệu đạo
- Dịch tiết bất thường từ âm đạo (có thể xảy ra kèm các triệu chứng về tiết niệu)
Đôi khi, viêm niệu đạo không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào, đặc biệt là ở phụ nữ. Ở nam giới, các triệu chứng cũng thường không rõ ràng nếu viêm niệu đạo là do nhiễm chlamydia hoặc trichomonas.
Vì lý do này, điều quan trọng là phải làm xét nghiệm nếu người bệnh có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI).
Nguyên nhân gây viêm niệu đạo
Nói chung, hầu hết các trường hợp viêm niệu đạo là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất. Những vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận cũng có thể gây viêm niệu đạo. Vi khuẩn tồn tại tự nhiên ở vùng sinh dục có thể xâm nhập vào đường tiết niệu và gây viêm niệu đạo.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một số loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm niệu đạo gồm có:
- Neisseria gonorrhoeae
- Chlamydia trachomatis
- Mycoplasma genitalium
Mầm bệnh là tác nhân sinh học gây bệnh. Các mầm bệnh gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng có thể gây viêm niệu đạo, gồm có vi khuẩn gây bệnh lậu, chlamydia và ký sinh trùng gây bệnh trichomonas.
Mặc dù vi khuẩn là thủ phạm phổ biến nhất nhưng viêm niệu đạo cũng có thể xảy ra do virus, gồm có HPV (human papillomavirus, virus u nhú ở người), HSV (virus herpes simplex) và CMV (cytomegalovirus).
Các loại viêm niệu đạo
Dựa trên nguyên nhân gây viêm, viêm niệu đạo được phân chia thành viêm niệu đạo do lậu và viêm niệu đạo không do lậu.
Viêm niệu đạo do lậu là do vi khuẩn gây bệnh lậu gây ra (Neisseria gonorrhoeae). Nguyên nhân này chiếm khoảng 20% số trường hợp viêm niệu đạo.
Viêm niệu đạo không do lậu là tình trạng niệu đạo bị viêm do các dạng nhiễm trùng khác không phải bệnh lậu. Chlamydia là một nguyên nhân phổ biến gây viêm niệu đạo không do lậu, ngoài ra còn có thể là do các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Niệu đạo cũng có thể bị viêm do các nguyên nhân khác không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục, gồm có tổn thương, chẳng hạn như tổn thương do ống thông tiểu hoặc các dạng tổn thương bộ phận sinh dục khác.
Đôi khi, viêm niệu đạo xảy ra do nhiều nguyên nhân cùng một lúc. Điều này đặc biệt đúng ở phụ nữ.
Chẩn đoán viêm niệu đạo
Bước đầu tiên để chẩn đoán viêm niệu đạo là bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, sau đó bác sĩ kiểm tra vùng sinh dục của người bệnh xem có dịch tiết, đau, vết loét hay bất kỳ dấu hiệu nào khác của bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không. Điều này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu.
Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu hoặc soi tươi dịch niệu đạo hoặc dịch âm đạo. Nếu nghi ngờ một bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó, bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm cụ thể để xác nhận hoặc loại trừ bệnh đó. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như HIV và giang mai.
Sau vài ngày, khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, người bệnh cần thông báo cho bạn tình để người đó cũng làm xét nghiệm kiểm tra.
Điều trị viêm niệu đạo
Tùy vào nguyên nhân gây viêm mà viêm niệu đạo được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus. Một số loại thuốc được dùng phổ biến để điều trị viêm niệu đạo gồm có:
- azithromycin, một loại kháng sinh, dùng một lần mỗi ngày
- doxycycline, một loại kháng sinh đường uống thường được dùng hai lần một ngày trong 7 ngày
- erythromycin, một loại kháng sinh có thể dùng qua đường uống, dùng 4 lần một ngày trong 7 ngày
- ofloxacin, một loại kháng sinh đường uống thường được dùng 2 lần một ngày trong 7 ngày
- levofloxacin, một loại kháng sinh đường uống thường được dùng một lần một ngày trong 7 ngày
Nếu viêm niệu đạo là do bệnh lây truyền qua đường tình dục thì bạn tình của người bệnh cũng phải làm xét nghiệm và điều trị nếu mắc bệnh. Điều này nhằm ngăn ngừa tái nhiễm bệnh.
Các triệu chứng có thể sẽ thuyên giảm chỉ sau vài ngày điều trị nhưng người bệnh phải uống thuốc đủ liều, nếu không tình trạng nhiễm trùng có thể trở nên trầm trọng hơn. Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh nên tránh quan hệ tình dục khoảng một tuần. Nếu bạn tình cũng mắc bệnh thì phải chờ bạn tình điều trị xong.
Thuốc dùng để điều trị viêm niệu đạo có thể tương tác với các loại thuốc khác như:
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc điều trị bệnh tim mạch
- Thuốc điều trị động kinh
Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang dùng các loại thuốc kể trên.
Biến chứng của viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo đa phần có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ kéo dài và dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ, nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác của đường tiết niệu, gồm có niệu quản, thận và bàng quang. Mặc dù các bệnh nhiễm trùng này cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng nếu phát hiện muộn, nhiễm trùng có thể gây tổn thương các cơ quan. Nhiễm trùng không được điều trị còn có thể lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Ngoài ra, thường xuyên mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể làm hỏng các cơ quan sinh dục. Phụ nữ có thể mắc bệnh viêm vùng chậu, một bệnh lý gây đau vùng chậu mạn tính và đau khi quan hệ tình dục, có thể dẫn đến vô sinh. Bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị ở phụ nữ còn làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, điều này có thể đe dọa đến tính mạng.
Nam giới bị viêm niệu đạo có nguy cơ bị nhiễm trùng hay viêm tuyến tiền liệt và hẹp niệu đạo do sẹo, điều này gây đau đớn và tiểu tiện khó khăn. Vì những lý do này, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của viêm niệu đạo.
Phòng ngừa viêm niệu đạo
Nhiều loại vi khuẩn gây viêm niệu đạo có thể lây truyền sang người khác khi quan hệ tình dục. Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn là điều quan trọng để phòng ngừa viêm niệu đạo. Quan hệ tình dục an toàn có nghĩa là:
- Không quan hệ tình dục với nhiều người.
- Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
- Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên.
- Báo cho bạn tình khi phát hiện mình bị STI
Bên cạnh quan hệ tình dục an toàn, tăng cường sức khỏe đường tiết niệu cũng giúp giảm nguy cơ viêm niệu đạo cũng như các bệnh lý khác xảy ra ở đường tiết niệu. Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên để đào thải vi khuẩn khỏi đường tiết niệu. Không nhịn tiểu. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục. Tránh các loại thực phẩm có thể gây kích thích đường tiết niệu, ví dụ như thực phẩm có tính axit, rượu bia, caffeine. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với các chất có thể gây kích ứng niệu đạo, ví dụ như dung dịch thụt rửa, xịt thơm vùng kín và thuốc diệt tinh trùng.