Viêm phế quản cấp là bệnh đặc biệt phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh ra sao, triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Mọi thắc mắc của bạn đọc sẽ được giải đáp tại bài viết này.
Bạn đang đọc: Viêm phế quản cấp tính và những kiến thức cần biết
1. Khái niệm về bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh khá thường gặp, đối tượng mắc bệnh bao gồm cả trẻ em và người lớn.
Viêm phế quản là tình trạng viêm các ống phế quản – các ống cung cấp không khí từ phế quản vào phổi. Khi tình trạng viêm xảy ra, chất nhầy sẽ tích tụ lại gây ra viêm, dẫn tới các triệu chứng ho, khó thở, và sốt.
Viêm phế quản có 2 dạng: cấp tính và mạn tính.
Viêm phế quản cấp tính là tình trạng thường kéo dài dưới 10 ngày, nhưng cơn ho có thể tiếp diễn tới vài tuần.
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm phế quản kéo dài vài tuần và thường tái phát. Viêm phế quản mạn tính thường gặp phổ biến hơn ở những người bị hen suyễn hoặc khí phế thũng.
2. Các triệu chứng cảnh báo viêm phế quản cấp tính
Ớn lạnh là một trong những triệu chứng của viêm phế quản.
Ban đầu, các triệu chứng của viêm phế quản thể cấp tính khá giống với cảm lạnh hoặc cúm, bao gồm:
– Sổ mũi
– Viêm họng
– Mệt mỏi
– Hắt xì liên tục
– Thở khò khè
– Thường cảm thấy lạnh
– Đau lưng và cơ
– Sốt nhẹ từ 37,7 ° C đến 38 ° C
Sau khi bị nhiễm trùng, người bệnh thường có phản ứng ho. Cơn ho lúc đầu thường là ho khan, tiếp theo sẽ là ho có đờm. Ho có đờm là triệu chứng thường gặp nhất của viêm phế quản cấp. Cơn ho có thể kéo dài từ 10 ngày đến 3 tuần.
Một triệu chứng khá điển hình của viêm phế quản mà chúng ta dễ nhận thấy đó là sự thay đổi màu sắc trong chất nhầy của bạn, từ trắng sang xanh lá cây hoặc vàng. Điều này không nói lên được nhiễm trùng là do virus hay vi khuẩn, mà chỉ đơn giản có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn đang tích cực hoạt động để chống lại nhiễm trùng.
Các triệu chứng khẩn cấp cần đi thăm khám ngay:
– Giảm cân không rõ nguyên nhân
– Tiếng ho sâu
– Khó thở
– Đau ngực
– Sốt từ 38 ° C trở lên
– Ho kéo dài hơn 10 ngày không đỡ
3. Các phương pháp chẩn đoán viêm phế quản
Đa số các trường hợp viêm phế quản cấp tính sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên để quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn, đồng thời để tìm ra nguyên nhân chính xác, người bệnh khi có triệu chứng nên đi khám sức khoẻ ngay.
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ lắng nghe phổi khi bạn thở, kiểm tra các triệu chứng như thở khò khè. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi về các cơn ho như tần suất, ho khan hay ho có chầy nhầy, bạn có bị cảm lạnh hay nhiễm virus trong thời gian gần đây không, bạn có mắc các vấn đề về hô hấp không…
Các phương pháp chẩn đoán khác có thể được đề nghị như chụp X-quang phổi giúp xác định triệu chứng có phải do viêm phổi không; Xét nghiệm cấy máu giúp xác định nhiễm trùng có phải ngoài phế quản hay không.
4. Các phương pháp điều trị viêm phế quản cấp và chăm sóc tại nhà
Đối với viêm phế quản thể cấp tính nhẹ, hầu hết các trường hợp sẽ được kê thuốc điều trị và chăm sóc tại nhà.
Tìm hiểu thêm: Nổi hạch ở mang tai là gì và có nguy hiểm không?
Khi có triệu chứng nghi ngờ viêm phế quản, người bệnh nên thăm khám để được tư vấn điều trị giúp nhanh chóng phục hồi, tránh các biến chứng như viêm phổi.
4.1. Sử dụng thuốc
Các loại thuốc có thể bao gồm thuốc chống viêm như ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve, Naprosyn), có thể làm dịu cơn đau họng của bạn.
Những người bệnh bị khó thở hoặc thở khò khè, bác sĩ có thể kê thêm thuốc dạng hít để mở rộng đường thở.
Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo cho những người bị viêm phế quản thể cấp tính. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản là do vi rút gây ra và thuốc kháng sinh không có tác dụng với vi rút.
Tuy nhiên, những người bị viêm phế quản cấp tính và có nguy cơ cao phát triển thành viêm phổi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Nguyên nhân là do viêm phế quản dạng cấp tính có thể phát triển thành viêm phổi, do đó thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn chặn điều này xảy ra.
4.2.Các phương pháp chăm sóc tại nhà giúp thuyên giảm bệnh
>>>>>Xem thêm: Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì để cải thiện bệnh hiệu quả
Thêm mật ong vào nước ấm để uống có thể giúp giảm cơn ho cho người bị viêm phế quản.
– Sử dụng máy tạo độ ẩm để tạo độ ẩm trong nhà, giúp làm lỏng chất nhầy trong mũi và ngực, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
– Uống nhiều chất lỏng, chẳng hạn như nước lọc hoặc trà, để làm loãng chất nhầy. Nhờ đó, bạn dễ dàng đẩy chất nhầy bằng cách ho hoặc hắt xì.
– Dùng gừng. Gừng là một chất chống viêm tự nhiên có thể làm dịu các ống phế quản bị kích thích và bị viêm. Do đó, khi bị viêm phế quản, chúng ta có thể bỏ thêm vài lát gừng vào trà hoặc nước ấm để uống, điều này sẽ giúp tình trạng bệnh được cải thiện.
– Thêm mật ong. Mật ong có đặc tính kháng vi rút và kháng khuẩn, nên có tác dụng rất tốt với người bị viêm phế quản. Do vậy, hãy sử dụng mật ong để làm dịu cơn ho của bạn.
5. 8 điều cần nhớ để phòng ngừa viêm phế quản
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm phế quản cấp vì bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và người thân bằng cách làm theo những mẹo sau đây:
– Ngủ đủ giấc
– Tránh chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của bạn nếu xung quanh bạn có những người bị viêm phế quản.
– Không dùng chung đồ dùng với người khác.
– Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng, đặc biệt là trong mùa lạnh.
– Ngừng hút thuốc/ Tránh xa khói thuốc.
– Ăn một chế độ ăn uống cân bằng để giữ cho cơ thể của bạn khỏe mạnh nhất có thể.
– Tiêm vắc-xin phòng cúm, viêm phổi và ho gà.
– Hạn chế tiếp xúc với các chất gây kích ứng không khí như khói hóa chất, bụi và các chất ô nhiễm khác, trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc, hãy luôn đeo khẩu trang để bảo vệ hệ hô hấp.
Những người bị suy giảm miễn dịch do mắc một số loại bệnh hay tuổi tác thì cần đặc biệt chú ý phòng tránh nhiều hơn, bởi khi bị viêm phế quản, bạn có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng như suy hô hấp cấp tính, hoặc viêm phổi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.