Khó thở là một triệu chứng thường gặp ở những người gặp các vấn đề về hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản. Tình trạng khó thở ở bệnh nhân viêm phế quản thường là thở khò khè, có thể kèm theo ho khan hoặc ho có đờm kèm theo nhiều triệu chứng khác. Cùng tìm hiểu về tình trạng viêm phế quản khó thở và cách khắc phục qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Viêm phế quản khó thở: Cơ chế và cách khắc phục
1. Triệu chứng khó thở biểu hiện thế nào ở bệnh nhân viêm phế quản?
Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc phế quản, phế nang phổi bị viêm nhiễm do các tác nhân, trong đó chủ yếu là virus. Các triệu chứng của viêm phế quản rất đa dạng và thường khác nhau ở dạng cấp tính và mạn tính.
1.1 Viêm phế quản cấp tính
Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân thường xuất hiện sau một loạt triệu chứng khá giống cúm, gồm:
– Sốt
– Đau đầu, đau rát họng, đau nhức mỏi toàn thân
– Hắt hơi, chảy nước mũi, sổ mũi
– Ho tăng dần, có thể ho khan nhưng đa phần là ho khạc đờm
Triệu chứng khó thở trong các trường hợp viêm phế quản cấp thường ít gặp.
1.2 Viêm phế quản mạn tính
Trong các trường hợp viêm phế quản mạn tính nhưng nhẹ, người bệnh hầu như không có bất kỳ vấn đề nào về hô hấp.
Nhưng khi bệnh tiến triển nặng, viêm phế quản mạn đơn thuần có thể phát triển thành viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính. Lúc này, các ống phế quản bị viêm ngày càng bị chít hẹp lại, thường xuyên co thắt, gây cản trở sự lưu thông của không khí khi hít vào, thở ra.
Triệu chứng khó thở ở người bệnh viêm phế quản thường là thở khò khè, có tiếng thở rít giống như triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Nếu phế quản hẹp nhẹ, tình trạng khó thở chỉ xảy ra khi gắng sức, ví dụ như chạy bộ, leo cầu thang. Nhưng nếu bệnh tiến triển nặng sẽ khiến đường thở ngày càng thu hẹp, làm người bệnh cảm thấy khó thở hơn, thậm chí khó thở ngay cả khi không gắng sức (lúc nghỉ ngơi).
Người bệnh bị viêm phế quản mạn tính và nặng thường gặp trở ngại trong việc hít thở.
2. Viêm phế quản khó thở thường xảy ra do nguyên nhân nào?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phế quản và triệu chứng khó thở, trong đó những nguyên nhân thường gặp là:
– Virus: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm tới 60% đến 70% các trường hợp viêm phế quản cấp. Các loại virus gây viêm phế quản chủ yếu là myxovirus, rhinovirus, coronavirus, adenovirus, enterovirus, virus đại thực bào đường hô hấp, virus herpes…
– Vi khuẩn: Tiêu biểu là tụ cầu, phế cầu, haemophilus influenzae, liên cầu, E.coli,…
Hệ miễn dịch kém khiến khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh giảm, điều này gây ra nhiều bệnh đường hô hấp trong đó có cả viêm phế quản co thắt. Đây cũng là nguyên nhân khiến người cao tuổi và trẻ nhỏ dễ bị viêm phế quản mỗi khi thay đổi thời tiết.
Ngoài ra, một một số nguyên nhân khác gây viêm phế quản biểu hiện khó thở gồm:
– Hút thuốc lá hoặc hay tiếp xúc với khói thuốc
– Ô nhiễm không khí
– Lông của các vật nuôi trong nhà như chó, mèo,…
– Phấn hoa, bụi bẩn…
– Xúc động quá mạnh
Tìm hiểu thêm: Những thực phẩm người bệnh lao nên kiêng dịp Tết
Tình trạng viêm nhiễm khiến cho phế quản tắc nghẽn, thành phế quản xơ cứng, khiến không khí kém lưu thông qua phổi.
3. Chẩn đoán nguyên nhân và mức độ khó thở do bệnh viêm phế quản
Khi có triệu chứng khó thở, người bệnh nên đi khám kiểm tra chính xác nguyên nhân. Nhờ vào việc sử dụng ống nghe, bác sĩ có thể kiểm tra tiếng phổi của bệnh nhân khi thở. Sau đó, các phương pháp cận lâm sàng có thể được chỉ định gồm:
– Chụp X-quang ngực: Giúp bác sĩ phát hiện những biểu hiện bất thường trong phế quản, phổi.
– Xét nghiệm đờm: Để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng.
– Kiểm tra chức năng phổi: Đo lượng không khí lưu thông qua phổi. Việc kiểm tra này cũng có thể giúp tìm ra dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc khí phế thũng.
4. Làm thế nào để cải thiện tình trạng viêm phế quản thở khò khè?
Viêm phế quản có thể dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Khó thở khi gắng sức có thể khiến người bệnh khó thực hiện các công việc hàng ngày. Nếu khó thở cả khi nằm nghỉ thì người bệnh cần hết sức cảnh giác với những mối nguy cận kề.
Để điều trị khó thở do viêm phế quản, cần kiểm soát cả triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh bằng cách cách sau:
4.1 Dùng thuốc điều trị viêm phế quản khó thở
Trong trường hợp vi khuẩn là căn nguyên gây ra bệnh viêm phế quản thì việc dùng kháng sinh thường là cần thiết. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự chẩn đoán, điều trị mà cần tuân thủ kháng sinh đồ theo hướng dẫn của bác sĩ để có hiệu quả điều trị cao.
Loại thuốc thường dùng để giúp giảm các triệu chứng của bệnh là thuốc giãn phế quản. Đây là loại thuốc rất quan trọng để giảm tình trạng khó thở mỗi lần bệnh nhân cảm thấy khó thở trầm trọng. Tác dung của thuốc ngắn hoặc dài tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân. Người bệnh cần luôn mang theo loại thuốc này bên người để đề phòng bạn có những cơn khó thở kịch phát.
Ngoài ra có thể dùng thêm các loại thuốc như thuốc long đờm nếu ho có đờm đặc hoặc thuốc kháng viêm, giảm đau khi có các triệu chứng khác ngoài khó thở…
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản cấp
Nếu gặp tình trạng khó thở nghiêm trọng, nghi ngờ viêm phế quản, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
4.2 Các biện pháp chăm sóc không dùng thuốc điều trị viêm phế quản khó thở
Để ngăn bệnh viêm phế quản và triệu chứng khó thở nặng lên, bên cạnh việc uống thuốc, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
– Tránh xa khỏi các tác nhân gây hại như khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm.
– Đảm bảo thân nhiệt ổn định khi thời tiết thay đổi bởi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến viêm phế quản nặng lên và tái phát.
– Uống nhiều nước ấm để tống xuất các chất nhầy nhớt trong cổ họng ra, giúp ống phế quản trở nên thông thoáng.
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, dùng các món ăn mềm, dễ nuốt, hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, tập luyện vận động thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin hữu ích cho bạn trong việc phòng tránh và điều trị bệnh viêm phế quản khó thở. Nên nhớ viêm phế quản có thể tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe. Nhưng nếu điều trị đúng cách và hợp lý thì bệnh nhân sẽ sớm hồi phục và không để lại biến chứng. Nếu có nhu cầu khám và điều trị bệnh lý hô hấp, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.