Viêm phổi trẻ em là một trong những bệnh lý liên quan đến phổi với nguyên nhân chính do vi khuẩn, virus gây ra. Bệnh có tốc độ phát triển nhanh, nhiều biến chứng, và có khả năng lây lan thành dịch nên cha mẹ nào cũng cần trang bị những kiến thức cần thiết để phòng tránh viêm phổi cho bé yêu nhà mình.
Bạn đang đọc: Viêm phổi trẻ em và những điều ba mẹ cần phải biết
1. Viêm phổi ở trẻ nguyên nhân do đâu?
Theo Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh ước tính, mỗi năm 1 em bé dưới 5 tuổi có thể mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính từ 5 đến 8 lần, bên cạnh đó viêm phổi có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp và nhiều biến chứng nên cha mẹ cần hết sức lưu ý.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phổi ở trẻ, có thể kể đến như:
– Vi khuẩn: Mặc dù có nhiều chủng vi khuẩn có thể gây viêm phổi nhưng trong đó Streptococcus (còn gọi là khuẩn phế cầu) chiếm tỷ lệ cao nhất và cũng là chủng nguy hiểm nhất. Bên cạnh đó, Mycoplasma, Chlamydia… cũng có thể là nguyên nhân.
– Virus: Một số loại virus như cúm, Adenovirus, hợp bào hô hấp… là những loại virus thường gặp nhất gây bệnh viêm phổi. Những loại virus này sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ vào thời điểm giao mùa, do đó giao mùa cũng là thời điểm trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất.
– Môi trường sống: Môi trường sống xung quanh dù không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng có thể là yếu tố khiến trẻ có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn bình thường. Theo đó, môi trường xung quanh ô nhiễm, điều kiện sống thiếu thốn, ẩm mốc… là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển, xâm nhập và gây bệnh.
Viêm phổi trẻ em là bệnh khá phổ biến và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khác cũng khiến trẻ dễ bị viêm phổi như:
– Có người thân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp như lao phổi hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi.
– Bị người lớn hôn, thơm: vì liên cầu khuẩn ký sinh trong hầu họng của người lớn sẽ không gây vấn đề gì nhưng nếu nó được truyền qua trẻ thông qua những “nụ hôn tử thần” thì chúng sẽ xâm nhập, gây viêm phổi thậm chí suy hô hấp cho trẻ, nhất là những trẻ đề kháng kém.
– Quá trình chào đời của bé: Thời gian vỡ ối càng kéo dài thì nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp càng lớn. Ngoài ra, bé sinh mổ cũng có hệ hô hấp yếu hơn trẻ sinh thường và có nguy cơ viêm phổi cao hơn.
– Sức đề kháng, miễn dịch kém: Những bé không được bú sữa mẹ đầy đủ, không bổ sung tăng đề kháng miễn dịch đúng nhu cầu, đang trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” từ 6 – 36 tháng tuổi có nguy cơ viêm phổi cao hơn những bé khác.
Theo thống kê, viêm phổi khiến khoảng 10 – 20% trên tổng số người mắc phải tử vong, phần lớn nạn nhân tập trung ở đối tượng miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ… và nguy cơ tử vong cao nhất thuộc về đối tượng trẻ sơ sinh. Chính vì thế, cha mẹ cần hết sức lưu ý phát hiện những dấu hiệu sớm của viêm phổi, khám chữa kịp thời để phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra.
2. Triệu chứng cho thấy trẻ bị viêm phổi
2.1 Triệu chứng viêm phổi trẻ em
Những triệu chứng ở viêm phổi thường khá nhận biết nhưng lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tai mũi họng khác nên nhiều cha mẹ thường chủ quan. Theo đó, trẻ viêm phổi sẽ trải qua 2 giai đoạn là giai đoạn đầu và giai đoạn sau.
Ở giai đoạn đầu, bé sẽ có một số triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, quấy khóc, ho và sốt nhẹ. Đặc biệt, mẹ sẽ thấy bé khò khè hoặc thở gấp khi đi ngủ. Vì triệu chứng phổ biến cho nhiều chứng bệnh nên cha mẹ thường chủ quan, chưa đưa bé đi khám ngay khiến bệnh tiến đến giai đoạn sau.
Sốt, ho, mệt mỏi, khó thở… là những biểu hiện điển hình của viêm phổi ở trẻ
Ở giai đoạn sau của viêm phổi, các triệu chứng của bé sẽ rõ ràng hơn và cũng trở nặng hơn như:
– Ho: do nhiễm khuẩn hô hấp khiến trẻ ho từng cơn kéo dài, kèm tiếng rít, kèm theo đỏ mặt, chảy nước mắt khi ho, các cơn ho có tần suất khác nhau.
– Trẻ thở nhanh và gấp hơn bình thường, để biết bé có đang thở gấp không cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ hoặc dụng cụ đếm nhịp tim khi trẻ ở trạng thái nằm im, không vận động để có kết quả chính xác nhất.
– Khi trẻ thở, cánh mũi phập phồng và khi quan sát cơ sườn của trẻ sẽ thấy nó bị co rút khiến hõm lồng ngực, đau ngực làm cho trẻ thấy đau ngực khi ho hoặc thở mạnh.
– Sốt: Trẻ có thể sốt hoặc không nhưng thông thường sẽ sốt, sốt từ nhẹ đến cao và cơn sốt sẽ không tự cắt cơn khi nào viêm phổi được điều trị.
– Trẻ nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, nổi hạch…
2.2 Biến chứng viêm phổi trẻ em
Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, viêm phổi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
– Sốt cao khiến trẻ co giật, tím tái mặt mày, khó thở, thiếu oxy, mất nước
– Nhiễm trùng/nhiễm khuẩn máu
– Nguy cơ tràn dịch ở màng phổi, khó thở, áp xe phổi
– Suy hô hấp
Tìm hiểu thêm: Tham khảo các loại thuốc trị cúm A cho bé
Viêm phổi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm mà cha mẹ nên chú ý
Đặc biệt, nếu những biến chứng không được can thiệp kịp thời có thể khiến trẻ có nguy cơ tử vong. Do đó, để phòng ngừa mọi nguy cơ xấu có thể xảy ra, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ sớm nhất ngay từ khi thấy có dấu hiệu ho, sốt không rõ nguyên nhân hoặc khó thở.
3. Điều trị viêm phổi trẻ em
Bởi viêm phổi do nhiều nguyên nhân và có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp cùng những biến chứng nguy hiểm, do đó hầu hết các ca viêm phổi phát hiện đều được bác sĩ yêu cầu nhập viện. Tùy tình trạng, nguyên nhân của trẻ mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị
>>>>>Xem thêm: Những bệnh trẻ dễ mắc vào mùa hè
Khi phát hiện trẻ bị viêm phổi, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám chữa sớm nhất
Cùng với đó, cha mẹ hãy chủ động thực hiện những “bí quyết” phòng ngừa viêm phổi trẻ em dưới đây nhé:
– Vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ sạch sẽ, đúng cách, cha mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ về việc rửa mũi và súc họng cho bé bằng nước muối sinh lý.
– Tăng đề kháng cho bé bằng cách bổ sung dinh dưỡng đa dạng, đủ chất.
– Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông đúc, ô nhiễm
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, chủ động đưa trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh như khói thuốc, người lớn mắc bệnh…
– Không ôm, hôn, thơm hoặc nhai thức ăn bằng miệng để bón thức ăn cho bé.
– Tiêm vacxin phế cầu đầy đủ, đúng hạn
Cuối cùng, hãy luôn nhớ nếu có bất kỳ vấn đề nào khác thường xảy ra với bé, điều mà cha mẹ cần làm đầu tiên là đưa trẻ đến bệnh viện và gặp bác sĩ để chẩn đoán, biết chính xác nguyên nhân. Không được chủ quan, tự ý dùng thuốc ho hay hạ sốt cho trẻ, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.