Viêm phúc mạc tiểu khung là một bệnh lý nặng trong ngoại khoa cần được can thiệp và xử lý kịp thời để nhanh chóng kiểm soát nhiễm trùng. Nếu điều trị muộn, tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ khoang phúc mạc dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Bạn đang đọc: Viêm phúc mạc tiểu khung: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
1. Viêm phúc mạc tiểu khung là gì?
1.1. Định nghĩa
Về mặt giải phẫu, phúc mạc được chia thành 2 bộ phận là: lá thành và lá tạng. Lá thành hay phúc mạc thành có nhiệm vụ phủ lót thành bụng trước, bên, sau, mặt dưới cơ hoành và đáy tiểu khung. Lá tạng hay phúc mạc tạng bao bọc hầu hết các cơ quan dọc theo ống tiêu hóa bao gồm: gan, mật, tụy, lá lách, bàng quang, tử cung và phần phụ của nữ giới.
Viêm phúc mạc tiểu khung là tình trạng nhiễm trùng tại các cơ quan sinh dục nữ: tử cung, ống dẫn trứng, cổ tử cung và buồng trứng do bị nhiễm nấm, vi khuẩn, các can thiệp thủ thuật y tế hoặc có thể là biến chứng của tình trạng bệnh lý khác.
Viêm phúc mạc tiểu khung đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức để chống nhiễm trùng. Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh liều cao. Và trong một vài trường hợp người bệnh cần được phẫu thuật. Nếu không điều trị hoặc điều trị muộn có thể gây viêm phúc mạc toàn bộ, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
1.2. Phân loại viêm phúc mạc tiểu khung
Viêm phúc mạc tiểu khung bao gồm: viêm phúc mạc nguyên phát và viêm phúc mạc thứ phát.
– Viêm thứ phát: Đây là hình thái nhiễm khuẩn từ tử cung, lan sang dây chằng rộng, vòi trứng, buồng trứng, sau đó lan đến phúc mạc đáy chậu.
– Viêm nguyên phát: Là tình trạng nhiễm khuẩn từ tử cung, có thể không qua các bộ phận khác mà đi theo đường bạch mạch hoặc lan trực tiếp đến mặt sau phúc mạc. Sau đó lan đến túi cùng, ruột và bàng quang. Tình trạng viêm lan đến đâu sẽ hình thành các giả mạc ở các tạng trong tiểu khung và gây dính với nhau, phản ứng và sinh ra các túi dịch, chất dịch trong hay đục có lẫn mủ hoặc máu.
2. Nguyên nhân gây viêm phúc mạc tiểu khung
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây viêm phúc mạc tiểu khung khá đa dạng, bao gồm:
– Do biến chứng của bệnh lý viêm tử cung hoặc viêm vòi trứng.
– Do vỡ áp xe ở vòi tử cung hoặc buồng trứng.
– Do nhiễm trùng sau sảy thai hoặc mổ lấy thai.
– Do nhiễm trùng tiểu khung sau phẫu thuật cắt tử cung hoặc cắt ruột thừa bị viêm hay do đường khâu sau nối ruột thừa.
– Do lây nhiễm từ dịch tiêu hóa sau phẫu thuật mổ đường tiêu hóa.
– Do tổn thương ruột sau mổ triệt sản qua nội soi.
– Do nhiễm khuẩn từ ruột và âm đạo.
Vì vậy, người bệnh cần đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh lý. Căn cứ vào đó mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
3. Triệu chứng của viêm phúc mạc tiểu khung
Triệu chứng của bệnh mang đặc tính cấp tính. Do đó, bệnh thường biểu hiện rầm rộ và dễ nhận biết với các dấu hiệu và triệu chứng sau:
Triệu chứng toàn thân:
– Đau bụng: Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất của bệnh. Người bệnh bị đau vùng bụng dưới hoặc có thể đau lan lên vùng bụng trên.
– Sốt: Người bệnh sốt cao đến rất cao, khoảng từ 39-40°C.
– Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi khó chịu.
– Mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp tụt, có những cơn rét run.
– Người bệnh có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng.
Tìm hiểu thêm: Tư vấn bị bệnh xuất huyết đại tràng nên ăn gì?
Triệu chứng cơ năng:
– Người bệnh đau nhiều ở vùng hạ vị. Cơn đau giảm sau khi nằm nghỉ ngơi hoặc chườm đá.
– Đại tiện khó, đau, phân ra ít và đi nhiều lần trong ngày.
– Tiểu tiện buốt.
– Tiểu tiện, đại tiện ra máu hoặc mủ.
Triệu chứng thực thể:
– Sờ nắn vùng bụng trên rốn mềm, không đau và không có phản ứng.
– Sờ nắn vùng bụng dưới rốn có biểu hiệu co cứng thành bụng, trướng nhẹ và có cảm giác đau.
– Thăm âm đạo, tử cung thấy mềm, kém di động và đau; cổ tử cung mở nhỏ; tử cung bị đẩy ra phía trước túi cùng sau; các túi cùng bên dày, rắn và đau.
– Thăm âm đạo phối hợp nắn bụng thấy rõ vùng tiểu khung có khối rắn, không di động và đau.
– Chọc dò ra mủ.
4. Điều trị viêm phúc mạc tiểu khung
4.1. Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị bao gồm:
– Hồi sức tích cực.
– Điều trị nội khoa sử dụng kháng sinh phổ rộng, phối hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc.
– Phẫu thuật cấp cứu lấy sạch ổ nhiễm trùng, làm sạch ổ bụng và dẫn lưu.
4.2. Hồi sức tích cực
– Đặt thông dạ dày để giảm tình trạng trướng ruột.
– Thở oxy và truyền máu trong trường hợp người thấy khó thở, thiếu máu.
– Bù dịch điện giải tránh xảy ra tình trạng rối loạn hệ thống thứ phát.
– Trong trường hợp người bệnh bị viêm phúc mạc thứ phát, truyền Albumin 1,5g/kg thể trọng ngày đầu tiên, sau giảm xuống 1g/kg thể trọng cho ngày thứ 3 để phòng ngừa hội chứng gan – thận.
– Đặt ống thông Foley theo dõi lượng nước tiểu người bệnh.
5.3. Điều trị nội khoa viêm phúc mạc tiểu khung
Người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng và kết hợp nhiều loại kháng sinh ngay khi có nghi ngờ nhiễm trùng, người bệnh sốt trên 38 °C, số lượng bạch cầu đa nhân trung tính trong dịch ổ bụng từ ≥ 250/mm3 và có các dấu hiệu thay đổi tri giác.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh giúp người bệnh chống nhiễm khuẩn và phòng ngừa sự tràn lan của vi khuẩn. Tùy theo mức độ nặng – nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và thời gian điều trị khác nhau.
Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám cụ thể với bác sĩ để được tư vấn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định.
>>>>>Xem thêm: Siêu âm tắc ruột và vai trò trong chẩn đoán bệnh
5.4. Điều trị ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa điều trị viêm phúc mạc tiểu khung thường được chỉ định trong trường hợp bệnh xuất hiện biến chứng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa. Tùy theo tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ chọc dò và dẫn lưu ổ áp xe qua túi cùng âm đạo hoặc phẫu thuật cắt tử cung để điều trị.
Viêm phúc mạc tiểu khung là một bệnh lý nguy hiểm. Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây tình trạng dính ruột, tắc ruột, viêm phúc mạc toàn bộ và tử vong. Vì vậy, ngay khi phát hiện các biểu hiện và triệu chứng nghi ngờ của viêm phúc mạc tiểu khung, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm nhất.