Viêm tai giữa trẻ em khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng lây lan viêm nhiễm sang các vị trí lân cận, tạo nên nhiều biến chứng phức tạp, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến thính lực. Chính vì thế, cha mẹ cần sớm phát hiện bệnh lý này và giúp con điều trị thích hợp.
Bạn đang đọc: Viêm tai giữa trẻ em và những điều cha mẹ cần biết
1. Những vấn đề về bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa ở trẻ là bệnh lý liên quan đến vấn đề nhiễm trùng khu vực tai giữa (vị trí sau màng nhĩ), do vi khuẩn/virus gây nên. Hiện nay, bệnh lý này được chia làm các cấp độ là viêm tai giữa cấp tính (AOM) và viêm tai giữa ứ dịch/viêm tai giữa thanh dịch (OME), trong đó, viêm tai giữa ứ dịch xảy ra sau khi tình trạng viêm nhiễm cấp tính. Tình trạng viêm tai giữa ở trẻ liên tục và kéo dài trên 3 tháng được liệt kê là bệnh viêm tai giữa mạn tính – nguyên nhân bệnh lý phổ biến gây tình trạng thủng màng nhĩ hiện nay.
Viêm tai giữa là bệnh lý khá thường gặp ở trẻ
1.1. Viêm tai giữa trẻ em hình thành do đâu?
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ hình thành do vi trùng hoặc siêu vị xâm nhập, làm nhiễm trùng vùng tai giữa. Điều này có thể xuất phát từ vấn đề vệ sinh không đúng cách tắc vòi nhĩ, viêm nhiễm lân cận, biến chứng từ các bệnh lý khác. Bệnh dễ có nguy cơ tăng cao khi gặp các yếu tố như: thời tiết lạnh, ô nhiễm môi trường, tai có cấu trúc lạ,… Nhìn chung, viêm tai giữa rất phổ biến trong các bệnh nhiễm trùng tai, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng được đánh giá là thường gặp nhiều hơn ở trẻ em, do:
– Hệ miễn dịch ở trẻ chưa hoàn thiện, dễ bị khuẩn, virus xâm nhập và gây tình trạng viêm tai giữa. Rất nhiều trường hợp trẻ bị viêm tai giữa bắt nguồn từ một đợt cảm lạnh.
– Cấu trúc tai của trẻ chưa hoàn thiện như người lớn. Trong đó, vòi nhĩ nối giữa tai giữa và vùng mũi họng ở trẻ khá ngắn, có cấu tạo hẹp và nhỏ hơn, nằm ngang so với người lớn, dẫn đến dễ rối loạn thông khí từ mũi họng đến tai và viêm tai giữa cấp.
– Lây lan và biến chứng từ các bệnh tai mũi họng như: viêm VA, viêm amidan, viêm họng,.. Đây là những bệnh lý hô hấp thường xuyên xảy ra ở trẻ.
1.2. Nhận biết viêm tai giữa trẻ em để điều trị kịp thời
Tùy theo từng độ tuổi mà biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ theo từng độ tuổi cũng khác nhau. Nhìn chung, cha mẹ có thể xem xét những biểu hiện nghi ngờ viêm tai giữa của trẻ như:
– Sốt bất thường, có thể sốt đến 39 độ
– Hay có xu hướng dụi hoặc kéo vành tai
– Khó ngủ, hay quấy khóc
– Ăn kém
– Nôn ói hoặc tiêu chảy
– Dịch/mủ chảy từ ống tai
– Nghe kém
Với các trẻ lớn, các bé có thể nói cho cha mẹ về tình trạng đau đầu, ù tai của mình. Ngoài ra, với tình trạng viêm tai giữa có biến chứng lan rộng sang các vị trí khác, trẻ có thể có những biểu hiện hiện bệnh lý liên quan kèm theo.
Tìm hiểu thêm: Khàn tiếng và những câu hỏi thường gặp
Cha mẹ nên sớm nhận biết các dấu hiệu viêm tai giữa của con để điều trị kịp thời.
2. Cẩn trọng trước bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ
2.1. Biến chứng với trẻ bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa ở trẻ có thể được điều trị nhanh bằng các hình thức nội khoa đơn giản. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống không được điều trị hợp lý và đúng cách, trẻ có thể bị những biến chứng nặng như: thủng màng nhĩ, viêm tai giữa chảy mủ mạn tính, viêm xương chũm, liệt mặt ngoại biên, biến chứng nội sọ, cholesteatoma,… Các biến chứng này có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Do đó, cha mẹ nên cẩn trọng, điều trị sớm cho con, tránh để tình trạng biến chứng lan rộng và gây nguy hại cho trẻ.
2.2. Điều trị bệnh lý viêm tai giữa cho trẻ em
Khi điều trị viêm tai giữa cho trẻ, cần tập trung điều trị tốt tình trạng nhiễm trùng, tránh tình trạng ứ dịch, chảy mủ tai giữa. Đồng thời, các bác sĩ theo dõi cần dự phòng, tránh biến chứng, giải quyết sớm các biến chứng của bệnh cho trẻ nhằm đảm bảo vấn đề thính lực của tai và sức khỏe cơ thể nói chung. Do đó, cần đưa trẻ đến các cơ sở tai mũi họng để được bác sĩ thăm khám và lên phác đồ điều trị phù hợp với trẻ.
Với tình trạng viêm tai giữa không kèm theo các vấn đề biến chứng nặng, viêm xương chũm, không có cholesteatoma, điều trị nội khoa sẽ được cân nhắc thực hiện. Việc điều trị này bao gồm: điều trị kháng sinh, dẫn lưu làm sạch ống tai, làm sạch tai bằng nước muối hoặc oxy già, dùng thuốc nhỏ tai, xử lý polyp.
Tình trạng viêm tai giữa kèm theo viêm xương chũm mạn tính, biến chứng thủng màng nhĩ, biến chứng nội sọ, kèm cholesteatoma hoặc viêm nhiễm tái phát không hiệu quả khi điều trị nội khoa hiện nay thường được các bác sĩ hướng đến điều trị phẫu thuật, kể cả với trẻ em nhằm tránh biến chứng lâu dài cho trẻ. Tùy tình trạng viêm tai giữa của trẻ mà bác sĩ sẽ tiến hành những phẫu thuật tương ứng như mở thượng nhĩ, mở sào bào thượng nhĩ, phẫu thuật chỉnh hình tai,…
>>>>>Xem thêm: Tổng quan về phương pháp nội soi gắp xương cá
Cho trẻ thăm khám để xác định và điều trị chính xác theo tình trạng bệnh viêm tai giữa của trẻ
2.3. Cách chăm sóc trẻ trong thời gian điều trị viêm tai giữa
Bên cạnh việc theo sát điều trị theo chỉ định của bác sĩ với tình trạng viêm tai giữa của trẻ, cha mẹ cần kết hợp việc chăm sóc đúng cách để trẻ sớm khỏi bệnh và phục hồi tốt:
– Dùng thuốc cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc ngoài. Trong trường hợp bé bị sốt, cần thực hiện chườm ấm, hạ sốt đúng cách.
– Vệ sinh tai mũi họng cẩn trọng, sạch sẽ cho trẻ. Cần nhớ rằng, 3 bộ phận này có quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, cần vệ sinh cẩn trọng và đúng cách tai – mũi – họng. Khi vệ sinh tai, cần làm sạch tai cho trẻ nhất là với tình trạng chảy mủ, tránh dùng bông nút kín tai chặn nước mủ, tránh tác động làm tổn thương tai.
– Có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý cho trẻ do khi bị bệnh, trẻ dễ mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn hơn. Nên cho trẻ uống nhiều nước lọc và ăn nhiều hoa quả. Với trẻ đang bú mẹ, cần tăng lượng sữa hấp thu hằng ngày cho bé.
– Đưa trẻ đến viện ngay khi các biểu hiện của bệnh nặng dần, nhất là các trường hợp sốt không dứt, liên tục kêu đau, không chịu ăn trong thời gian dài, nôn hoặc tiêu chảy không đỡ,…
Nhìn chung, viêm tai giữa trẻ em là bệnh lý nhiều nguy cơ với các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ. Do đó, cha mẹ cần cảnh giác để phòng ngừa, phát hiện sớm và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị nhanh, đúng cách cho bé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.