Viêm tai xương chũm là 1 bệnh lý của viêm tai giữa. Nếu người bệnh chủ quan, không đi khám và điều trị sớm thì sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Có những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Bạn đang đọc: Viêm tai xương chũm gây biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan
1. Chủ quan “đồng nghĩa” với việc đối mặt nhiều biến chứng nguy hiểm
Xương chũm là một bộ phận tạo thành của tai giữa. Đây là loại xương xốp, chứa nhiều thông bào, trong đó có một thông bào lớn nhất được gọi là sào bào – nơi hòm tai thông với xương chũm.
Viêm tai xương chũm là tình trạng tổn thương lan vào xương chũm, xung quanh sào bào và tai giữa. Bao gồm 2 thể chính là viêm cấp tính và viêm mạn tính. Trong đó, thể viêm mạn tính được xếp ở mức độ nguy hiểm vì kéo theo nhiều biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng như:
– Viêm màng não.
– Áp xe não.
– Viêm tắc tĩnh mạch trong sọ.
– Viêm các xương xung quanh của hộp sọ.
– Liệt.
Xương chũm hay bị viêm và gây biến chứng là xương chũm có Cholesteatoma – đây là một sự tích tụ bất thường các tế bào da chết tạo thành một khối sừng hóa ở tai giữa, xương chũm của tai. Viêm tai mạn tính có Cholesteatoma tuy không ác tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nói trên.
Nếu chủ quan thì có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng
2. Nguyên nhân và biểu hiện của viêm tai xương chũm
2.1. Vì sao bệnh viêm tai xương chũm xuất hiện?
Bệnh có thể phát sinh do nhiễm trùng trực tiếp bởi các loại vi khuẩn như:
– Haemophilus influenzae.
– Staphylococcus.
– Streptococcus.
Ngoài ra, khá nhiều trường hợp viêm cấp tính là biến chứng từ viêm tai giữa nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đặc biệt, người mắc bệnh viêm tai giữa sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, bạch hầu và ho gà…. sẽ tăng cao nguy cơ mắc bệnh viêm tai xương chũm.
2.2. Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm tai xương chũm
Viêm tai xương chũm thường xuất phát từ viêm nhiễm tai giữa không được điều trị triệt để nên có thể có các biểu hiện sau:
– Chảy mủ tai tăng lên do bị bít tắc dẫn lưu mủ, mủ thối. Màu sắc nhận biết là màu xanh hoặc vàng, đôi khi có tia máu. Nếu như mủ tai có mùi thối nặng thì đây là dấu hiệu cảnh báo trong tai có chứa chất Cholesteatoma, có khả năng ăn mòn xương gây nên biến chứng nội sọ.
– Đau sâu trong tai, cơn đau tăng lên dữ dội và lan ra xung quanh nên người bệnh thường kèm theo đau đầu.
– Khả năng nghe kém đi, không thể nghe rõ các âm thanh.
– Mặt chũm thường nề đỏ, ấn vào là đau.
– Có thể xuất hiện dấu hiệu sưng phồng ở phía sau tai, vành tai bị đẩy ra phía trước, sau tai bị mất nếp, mủ chảy xuống vùng cổ dọc theo cơ cổ ức đòn chũm vùng cổ bị sưng tấy. Lúc này người bệnh quay cổ thấy khó khăn, mủ có thể phá vỡ cả da vùng này và tạo nên những lỗ rò.
Ngoài ra, người bệnh còn có những biểu hiện toàn thân như:
– Sốt cao.
– Có thể mê sảng, co giật.
– Mệt mỏi rõ rệt.
– Chóng mặt.
Tìm hiểu thêm: Nguy cơ mất thính giác khi bị viêm tai giữa vỡ mủ
Người bệnh giảm khả năng nghe, nghe không rõ âm thanh
3. Đối tượng dễ mắc bệnh
Bệnh lý dễ xảy ra ở 3 đối tượng sau:
– Người có sức đề kháng yếu.
– Viêm tai giữa sau một vụ chấn thương.
– Trẻ em từ 6 đến 13 tháng tuổi.
Nếu nhận thấy bản thân thuộc một trong 3 đối tượng kể trên thì cần đặc biệt lưu ý và chủ động chăm sóc cũng như phòng ngừa bệnh. Không nên chủ quan với bất kỳ triệu chứng bất thường nào, dù là nhẹ nhất. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn biến chứng nguy hiểm xảy đến.
4. Điều trị bệnh viêm tai xương chũm
Trước khi tiến hành cách thức điều trị thì bác sĩ cần kiểm tra mức độ viêm và đánh giá tình trạng bệnh. Ngoài việc vào các triệu chứng lâm sàng thì cần thực hiện một số phương pháp khám chuyên sâu sau để đánh giá mức độ của bệnh gồm:
– Nội soi tai mũi họng.
– Xét nghiệm máu.
– Chụp cắt lớp vùng xương thái dương.
Với trường hợp viêm cấp tính thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật khoét rộng xương chũm kết hợp với điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân cùng với chống viêm. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của y học thì một số trường hợp có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc tiêm sau khi đã tiến hành trích rạch mở rộng lỗ dẫn lưu ở màng nhĩ có sự theo dõi của bác sĩ chuyên môn. Với trường hợp viêm mạn tính thì cần tiến hành phẫu thuật sớm để bảo tồn sức nghe và tránh viêm nhiễm tái phát.
Việc điều trị bệnh viêm tai xương chũm được xem là khó khăn vì khó có thể thấm đủ sâu vào xương chũm. Do đó người bệnh phải kiên trì điều trị thì mới đạt hiệu quả như mong muốn. Việc tuân thủ theo phác đồ điều trị và uống thuốc trong thời gian dài là rất quan trọng. Không nên tự ý bỏ ngang khi mới thấy triệu chứng giảm bớt – Rất nhiều người phải đối mặt với tình trạng nặng hơn do tưởng rằng bệnh đã khỏi.
5. Phòng ngừa bệnh bằng cách nào?
Phương pháp phòng bệnh tốt nhất chính là để không cho tai bị viêm, bằng cách:
– Vệ sinh tai thường xuyên, ưu tiên sử dụng dụng cụ mềm, thao tác nhẹ nhàng trong quá trình vệ sinh.
– Tránh để nước vào trong tai, sau khi tắm cần lau tai sạch sẽ và khô ráo.
– Với trẻ nhỏ cần hướng dẫn vệ sinh tay sạch sẽ cũng như không đưa tay chọc, ngoáy vào trong tai. Đồng thời thực hiện tiêm phòng đủ mũi và đúng lịch để chủ động phòng bệnh từ bé.
– Ăn nhiều trái cây để tăng cường sức đề kháng.
– Luôn kiểm tra thăm khám định kỳ để đánh giá tình trạng cũng như phát hiện sớm dấu hiệu bất thường mà đôi khi bạn không để ý và bỏ qua. Chỉ như vậy thì việc điều trị mới đạt hiệu quả cao, bệnh không có cơ hội tiến triển nặng và giảm nguy cơ biến chứng xảy ra.
>>>>>Xem thêm: Góc giải đáp: Viêm mũi phù nề điều trị như thế nào?
Thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, ngăn chặn bệnh có cơ hội tiến triển nặng
Có thể thấy, viêm tai xương chũm là bệnh lý nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu người bệnh chủ quan. Do đó, ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ thì cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.