Viêm thận bể thận cấp tính là một loại nhiễm trùng thận do vi khuẩn. Tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian mang thai. Ước tính có khoảng 2% phụ nữ mang thai bị viêm thận bể thận cấp.
Viêm thận bể thận cấp trong thai kỳ
Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng bắt đầu ở đường tiết niệu dưới. Vi khuẩn từ vùng sinh dục hoặc hậu môn xâm nhập vào niệu đạo, sau đó đến bàng quang. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, nhiễm trùng sẽ lan đến một hoặc cả hai quả thận.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị viêm thận bể thận cao hơn so với những phụ nữ không mang thai. Điều này là do những thay đổi sinh lý trong thai kỳ gây cản trở dòng chảy nước tiểu.
Nước tiểu sau khi được tạo ra ở thận sẽ chảy qua niệu quản vào bàng quang rồi sau đó rời khỏi cơ thể qua niệu đạo. Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao có thể ức chế sự co bóp niệu quản. Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển lớn sẽ chèn ép lên niệu quản.
Những thay đổi này khiến cho nước tiểu khó thoát ra từ thận và ứ đọng lại. Do đó, vi khuẩn trong bàng quang có thể di chuyển đến thận thay vì bị đào thải ra ngoài. Điều này gây ra nhiễm trùng. Thủ phạm chính gây nhiễm trùng thận là vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) – một loai vi khuẩn sống trong đường ruột. Nhiễm trùng thận cũng có thể là do các vi khuẩn khác gây ra như Klebsiella pneumoniae, Proteus và Staphylococcus (tụ cầu khuẩn).
Triệu chứng viêm thận bể thận
Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của viêm thận bể thận là sốt cao, ớn lạnh và đau ở cả hai bên lưng dưới.
Viêm thận bể thận còn có thể gây buồn nôn và nôn. Do xảy ra ở đường tiết niệu nên viêm thận bể thận gây ra các rối loạn tiểu tiện như:
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội)
- Tiểu khó
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Tiểu ra máu
Biến chứng của viêm thận bể thận
Viêm thận bể thận cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh phát sinh các vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị, viêm thận bể thận có thể dẫn đến nhiễm trùng máu do vi khuẩn lan từ thận vào máu. Sau đó nhiễm trùng có thể lan theo máu đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các tình trạng nghiêm trọng cần điều trị khẩn cấp.
Viêm thận bể thận không được điều trị còn có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tính do tích tụ dịch trong phổi.
Viêm thận bể thận khi mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây sinh non, khiến em bé có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Chẩn đoán viêm thận bể thận
Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bác sĩ xác định các triệu chứng có phải do nhiễm trùng thận hay không. Mẫu nước tiểu của người bệnh sẽ được phân tích dưới kính hiển vi. Sự hiện diện của bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu phát hiện vi khuẩn, mẫu nước tiểu sẽ được nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn cụ thể gây nhiễm trùng.
Điều trị viêm thận bể thận
Phụ nữ mang thai bị viêm thận bể thận phải nhập viện để điều trị. Người bệnh sẽ được tiêm thuốc kháng sinh, có thể là thuốc nhóm cephalosporin như cefazolin hoặc ceftriaxone.
Nếu các triệu chứng không cải thiện, có thể vi khuẩn gây nhiễm trùng đã có khả năng chống lại loại thuốc kháng sinh được sử dụng. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ kê thêm một loại kháng sinh rất mạnh có tên là gentamicin.
Một nguyên nhân khác khiến cho việc điều trị không hiệu quả là tắc nghẽn trong đường tiết niệu. Tắc nghẽn có thể là do sỏi thận hoặc do thai nhi trong tử cung đang chèn ép lên niệu quản. Nếu nghi ngờ tắc nghẽn đường tiết niệu, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang hoặc siêu âm thận để xác nhận.
Khi tình trạng cải thiện, người bệnh có thể xuất viện về nhà và chuyển sang điều trị bằng kháng sinh đường uống trong 7 đến 10 ngày. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên loại vi khuẩn, hiệu quả và độc tính của thuốc. Các loại thuốc thường được sử dụng phổ biến là trimethoprim-sulfamethoxazole hoặc nitrofurantoin.
Nhiễm trùng có thể tái phát sau điều trị. Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ tái phát là dùng kháng sinh liều thấp hàng ngày, chẳng hạn như sulfisoxazole hoặc macrocrystal nitrofurantoin monohydrate. Tuy nhiên, việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh cần được thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê loại và liều kháng sinh phù hợp. Người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây hại cho thai nhi.
Cho dù đang dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng, người bệnh vẫn nên làm xét nghiệm nước tiểu định kỳ để kiểm tra. Đồng thời, hãy đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng. Nếu các triệu chứng quay trở lại hoặc nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn hoặc bạch cầu, bác sĩ có thể sẽ đề nghị xét nghiệm cấy nước tiểu để xác định xem có cần điều trị hay không.