Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.
Viêm thận bể thận: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Khi thận liên tục bị viêm thì tình trạng này được gọi là viêm thận bể thận mạn tính. Viêm thận bể thận mạn hiếm gặp hơn, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và người bị tắc nghẽn đường tiết niệu.
Triệu chứng viêm thận bể thận
Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng hai ngày sau khi thận bị nhiễm trùng. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Sốt cao trên 39°C (102°F)
- Đau ở bụng, lưng, hạ sườn hoặc bẹn
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu đục
- Có mủ hoặc máu trong nước tiểu
- Đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp
- Nước tiểu có mùi tanh
Các triệu chứng khác còn có:
- Run hoặc ớn lạnh
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau nhức cơ thể
- Cảm giác người không được khỏe
- Mệt mỏi
- Ra mồ hôi
- Lú lẫn
Các triệu chứng ở trẻ em và người lớn tuổi có thể khác với triệu chứng ở người trưởng thành trẻ tuổi. Ví dụ, triệu chứng lú lẫn phổ biến hơn ở người lớn tuổi và có thể là triệu chứng duy nhất của viêm thận bể thận.
Những người bị viêm thận bể thận mạn có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào.
Nguyên nhân gây viêm thận bể thận
Viêm thận bể thận thường xảy ra sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua niệu đạo, sau đó bắt đầu nhân lên và di chuyển lên bàng quang. Từ bàng quang, vi khuẩn di chuyển qua niệu quản đến thận và gây viêm thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần là do vi khuẩn gây ra và thủ phạm chính của hầu hết các ca nhiễm trùng đường tiết niệu là vi khuẩn E. coli, một loại vi khuẩn tồn tại trong đường ruột. Tuy nhiên, bất kỳ dạng nhiễm trùng nghiêm trọng nào trong máu cũng có thể lan đến thận và gây viêm thận bể thận cấp.
Ai có nguy cơ bị viêm thận bể thận?
Viêm thận bể thận cấp
Bất kỳ vấn đề nào gây tắc nghẽn trong đường tiết niệu và cản trở dòng chảy nước tiểu cũng đều làm tăng nguy cơ viêm thận bể thận cấp. Ví dụ, đường tiết niệu có kích thước hoặc hình dạng bất thường có thể dẫn đến viêm thận bể thận cấp.
Ngoài ra, niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn nhiều so với niệu đạo của nam giới, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào đường tiết niệu hơn. Vì thế nên phụ nữ dễ bị nhiễm trùng thận và viêm thận bể thận cấp hơn.
Những nhóm đối tượng khác cũng có nguy cơ mắc viêm thận bể thận cấp cao hơn gồm có:
- Người bị sỏi thận mạn tính hoặc các vấn đề về thận hoặc bàng quang khác
- Người cao tuổi
- Người có hệ miễn dịch bị suy yếu, chẳng hạn như người mắc bệnh tiểu đường, HIV/AIDS hoặc ung thư
- Người bị trào ngược bàng quang – niệu quản (tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào niệu quản và thận)
- Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt
Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận gồm có:
- Sử dụng ống thông tiểu
- Nội soi bàng quang
- Phẫu thuật đường tiết niệu
- Sử dụng một số loại thuốc
- Tổn thương dây thần kinh hoặc tủy sống
Viêm thận bể thận mạn
Viêm thận bể thận mạn phổ biến hơn ở những người bị tắc nghẽn đường tiết niệu. Viêm thận bể thận mạn có thể xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu, trào ngược bàng quang – niệu quản hoặc bất thường về cấu tạo đường tiết niệu. Trẻ em có nguy cơ bị viêm thận bể thận mạn cao hơn người lớn.
Chẩn đoán viêm thận bể thận
Xét nghiệm nước tiểu
Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra xem người bệnh có bị sốt, đau ở bụng và các triệu chứng thường gặp khác hay không. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng thận, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện vi khuẩn, máu, mủ và các chất bất thường trong nước tiểu.
Chẩn đoán hình ảnh
Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xem có nang, u hoặc các vật cản khác trong đường tiết niệu hay không.
Trong những trường hợp không đáp ứng điều trị trong vòng 72 giờ, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính hay CT (có hoặc không sử dụng thuốc cản quang). Chụp CT cũng giúp phát hiện các vật cản trong đường tiết niệu.
Xạ hình thận bằng DMSA
Bác sĩ có thể yêu cầu xạ hình thận bằng DMSA (dimercaptosuccinic acid) nếu nghi ngờ có sẹo do viêm thận bể thận. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có sử dụng chất phóng xạ.
Kỹ thuật viên sẽ tiêm chất phóng xạ vào tĩnh mạch ở cánh tay của người bệnh. Chất phóng xạ sau đó sẽ di chuyển đến thận. Hình ảnh được chụp khi chất phóng xạ đi qua thận sẽ cho thấy các khu vực bị nhiễm trùng hoặc có sẹo.
Điều trị viêm thận bể thận
Có nhiều phương pháp điều trị viêm thận bể thận, gồm có dùng thuốc, truyền dịch tĩnh mạch và phẫu thuật.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh thường là phương pháp được sử dụng đầu tiên để điều trị viêm thận bể thận cấp. Loại kháng sinh cần dùng sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nếu không xác định được loại vi khuẩn thì bác sĩ sẽ kê kháng sinh phổ rộng, có nghĩa là kháng sinh có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn khác nhau.
Mặc dù thuốc kháng sinh có thể trị khỏi nhiễm trùng trong vòng 2 đến 3 ngày nhưng người bệnh phải dùng thuốc đủ thời gian mà bác sĩ chỉ định (thường là 10 đến 14 ngày). Cho dù các triệu chứng đã thuyên giảm hoặc biến mất thì cũng không được ngừng kháng sinh giữa chừng. Điều này sẽ khiến cho bệnh tái phát và vi khuẩn trở nên kháng thuốc.
Một số loại kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm thận bể thận cấp là:
- levofloxacin
- ciprofloxacin
- co-trimoxazole
- ampicillin
Nhập viện
Trong những trường hợp nhiễm trùng thận nghiêm trọng và điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện. Thời gian nằm viện tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và mức độ đáp ứng với điều trị.
Các phương pháp điều trị tại bệnh viện gồm có truyền dịch và kháng sinh đường tĩnh mạch trong 24 đến 48 giờ. Trong thời gian nằm viện, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu để theo dõi tình trạng nhiễm trùng. Sau khi xuất viện về nhà, người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh đường uống trong 10 đến 14 ngày.
Phẫu thuật
Nhiễm trùng thận tái đi tái lại có thể là do một bệnh lý tiềm ẩn, ví dụ như tắc nghẽn đường tiết niệu. Trong những trường hợp này, người bệnh sẽ phải làm phẫu thuật để loại bỏ vật cản hoặc okhắc phục vấn đề về cấu tạo đường tiết niệu. Những trường hợp bị áp xe và không đáp ứng với kháng sinh sẽ phải dẫn lưu áp xe.
Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể cần phải cắt bỏ một phần thận.
Viêm thận bể thận ở phụ nữ mang thai
Mang thai gây ra nhiều thay đổi tạm thời trong cơ thể, trong đó có cả những thay đổi ở đường tiết niệu. phụ nữ mang thai có nguy cơ bị viêm thận bể thận cao hơn do tăng progesterone và thai nhi chèn ép lên niệu quản.
Phụ nữ mang thai bị viêm thận bể thận thường phải nhập viện điều trị. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Viêm thận bể thận còn làm tăng nguy cơ sinh non. Phụ nữ mang thai bị viêm thận bể thận thường được điều trị bằng kháng sinh beta-lactam trong ít nhất 24 giờ cho đến khi các triệu chứng cải thiện.
Để phòng ngừa viêm thận bể thận, thai phụ nên xét nghiệm cấy nước tiểu từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 16 của thai kỳ. Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải lúc nào cũng có triệu chứng và nếu không được phát hiện, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến viêm thận bể thận. Phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu sớm sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng thận.
Viêm thận bể thận ở trẻ em
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề khác phổ biến ở trẻ em. Dưới 1 tuổi, bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé gái, đặc biệt là những bé không cắt bao quy đầu nhưng từ sau 1 tuổi, bé gái lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé trai.
Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường bị sốt, đau và thay đổi bất thường khi đi tiểu. Khi nhận thấy các thay đổi này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến viêm thận bể thận.
Hầu hết trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu đều có thể điều trị bằng kháng sinh đường uống.
Biến chứng của viêm thận bể thận
Một biến chứng của viêm thận bể thận cấp là suy thận mạn. Nếu tình trạng nhiễm trùng tiếp diễn, thận có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm trùng có thể lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Các biến chứng khác của viêm thận bể thận gồm có:
- Nhiễm trùng thận tái đi tái lại
- Nhiễm trùng lan đến các khu vực xung quanh thận
- Suy thận cấp
- Áp xe thận
Phòng ngừa viêm thận bể thận
Viêm thận bể thận là một tình trạng nghiêm trọng. Hãy đi khám ngay khi có các dấu hiệu viêm thận bể thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này cần được điều trị khẩn cấp để tránh phát sinh biến chứng.