Viêm thận lupus là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh lupus. Viêm thận lupus xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công thận, cụ thể là tấn công cầu thận – các cấu trúc có chức năng lọc máu của thận. Điều này khiến cho cầu thận bị viêm và không thể thực hiện chức năng bình thường.
Viêm thận lupus: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm thận lupus là gì?
Lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus) hay bệnh lupus là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể, gây viêm trên diện rộng và tổn thương mô. Bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến khớp, da, não, phổi, thận và mạch máu.
Viêm thận lupus là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh lupus. Viêm thận lupus xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công thận, cụ thể là tấn công cầu thận – các cấu trúc có chức năng lọc máu của thận. Điều này khiến cho cầu thận bị viêm và không thể thực hiện chức năng bình thường.
Thận đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động bình thường của cơ thể. Chức năng chính của thận là lọc chất thải khỏi máu. Khi thận không thể thực hiện chức năng bình thường, chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Những người bị tổn thương thận có thể phải chạy thận nhân tạo thường xuyên. Chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dụng máy lọc để làm sạch máu. Những người bị viêm thận lupus thậm chí còn có thể phải ghép thận.
Triệu chứng của viêm thận lupus
Các triệu chứng của viêm thận lupus cũng tương tự như triệu chứng của các bệnh thận khác, gồm có:
- Nước tiểu sẫm màu
- Tiểu ra máu
- Nước tiểu có bọt
- Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
- Phù bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân, phù nặng hơn vào ban ngày
- Tăng cân
- Tăng huyết áp
Chẩn đoán viêm thận lupus
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm thận lupus là có máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu có nhiều bọt. Tăng huyết áp và sưng phù ở bàn chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm thận lupus. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán viêm thận lupus gồm có:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ các chất thải, chẳng hạn như creatinin và urê trong máu. Bình thường, những chất thải này được thận lọc khỏi máu. Nồng độ những chất này trong máu ở mức cao là dấu hiệu cho thấy chức năng thận bị suy giảm.
Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ
Xét nghiệm này đo nồng độ một số chất trong nước tiểu, qua đó giúp đánh giá khả năng lọc chất thải của thận. Một chỉ số thường được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề về thận là protein trong nước tiểu.
Tổng phân tích nước tiểu
Xét nghiệm này cũng giúp đánh giá chức năng thận. Tổng phân tích nước tiểu đo nồng độ protein, hồng cầu và bạch cầu trong nước tiểu.
Độ thanh thải iothalamate
Xét nghiệm này sử dụng thuốc cản quang để kiểm tra khả năng lọc máu của thận.
Dược chất phóng xạ iothalamate được tiêm vào máu của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra tốc độ bài tiết iothalamate vào nước tiểu hoặc cũng có thể trực tiếp kiểm tra tốc độ iothalamate được lọc khỏi máu. Đây là cách chính xác nhất để đánh giá tốc độ lọc máu của thận.
Sinh thiết thận
Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn nhưng là cách chính xác nhất để chẩn đoán bệnh thận. Bác sĩ sẽ đưa một cây kim dài qua thành bụng vào trong thận của người bệnh để lấy một mẫu mô nhỏ. Mẫu mô sẽ được phân tích để tìm các dấu hiệu tổn thương thận.
Siêu âm
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong cơ thể, bao gồm cả thận. Siêu âm giúp phát hiện những bất thường về kích thước và hình dạng của thận.
Các giai đoạn của viêm thận lupus
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương thận.
Vào năm 1964, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xây dựng một hệ thống phân chia bệnh viêm thận lupus thành 5 giai đoạn. Vào năm 2003, Hiệp hội Thận học Quốc tế và Hiệp hội Bệnh học Thận đã đưa ra cách một hệ thống phân chia giai đoạn mới, trong đó loại bỏ đi loại I không có dấu hiệu của bệnh và thêm loại thứ VI:
- Loại I: Viêm cầu thận trung mô lupus tối thiểu
- Loại II: Viêm cầu thận tăng sinh trung mô lupus
- Loại III: Viêm cầu thận lupus khu trú (có triệu chứng, mạn tính, tăng sinh và xơ cứng)
- Loại IV: Viêm cầu thận lupus lan tỏa (có triệu chứng, mạn tính, tăng sinh và xơ cứng, từng phần và toàn thể)
- Loại V: Viêm cầu thận màng lupus
- Loại VI: Xơ hóa cầu thận lupus
Điều trị viêm thận lupus
Hiện không có cách chữa trị khỏi bệnh viêm thận lupus. Mục tiêu điều trị là ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Ngăn chặn tổn thương thận ngay từ sớm sẽ giúp giảm nguy cơ phải ghép thận.
Các phương pháp điều trị còn giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh lupus.
Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:
- Giảm lượng protein và muối trong chế độ ăn
- Uống thuốc điều trị cao huyết áp
- Sử dụng steroid, ví dụ như prednisone để giảm sưng và viêm
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide hoặc mycophenolate-mofetil
Việc điều trị viêm thận lupus cho trẻ em và phụ nữ đang mang thai cần được thực hiện một cách thận trọng.
Những trường hợp tổn thương thận lan rộng có thể cần thêm các phương pháp điều trị khác.
Biến chứng của viêm thận lupus
Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm thận lupus là suy thận mạn giai đoạn cuối. Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.
Lọc máu thường là phương pháp điều trị đầu tiên nhưng đến một lúc nào đó, lọc máu sẽ không còn tác dụng. Hầu hết bệnh nhân lọc máu cuối cùng sẽ phải ghép thận. Tuy nhiên, có thể phải chờ nhiều vài tbẹn hoặc nhiều năm mới tìm được người hiến thân thích hợp.
Tiên lượng về lâu dài của người bị viêm thận lupus
Tiên lượng của mỗi một bệnh nhân viêm thận lupus là khác nhau. Đa phần các triệu chứng bệnh xảy ra không liên tục. Một nhiều trường hợp, chỉ đến khi làm xét nghiệm mới phát hiện thận bị tổn thương.
Những người có triệu chứng viêm thận nghiêm trọng có nguy cơ bị mất chức năng thận cao hơn. Các phương pháp điều trị có thể giúp làm chậm tốc độ tiến triển của tình trạng viêm thận nhưng không phải lúc nào các phương pháp điều trị này cũng thành công.