Viêm vành tai ở trẻ em tuy không quá phổ biến nhưng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới chức năng nghe nếu không được điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Viêm vành tai ở trẻ em – cẩn trọng với biến chứng nguy hiểm
1. Biểu hiện của viêm vành tai ở trẻ em
Hình ảnh viêm vành tai ở trẻ em
Viêm vành tai là tình trạng mô bao xung quanh và nuôi dưỡng sụn bị viêm. Không khó để nhận ra các dấu hiệu vành tai đang bị tổn thương thông qua quan sát thông thường. Khi bị viêm, vành tai của trẻ sẽ bị tấy đỏ. Đồng thời, trẻ sẽ cảm thấy những triệu chứng sau đây:
– Đau quanh vành tai, thậm chí cả vùng má xung quanh. Trẻ sẽ không thích bị chạm vào vùng đau này.
– Vùng sưng tấy có dấu hiệu mưng mủ hoặc có chứa dịch khi tình trạng viêm kéo dài.
– Trẻ có dấu hiệu sốt.
– Cấu trúc tai bị biến dạng, không còn quan sát thấy những đường vành tai hay sụn tai.
Bên cạnh đó, ở một số trường hợp viêm vành tai còn gây cho trẻ các triệu chứng:
– Tai mềm hơn.
– Luôn cảm thấy ù tai và có thể bị chảy dịch tai.
– Có thể mất thính lực đột ngột (điếc đột ngột).
– Bị chóng mặt, mất khả năng thăng bằng khi đi, đứng.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm vành tai
Viêm vành tai ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình gây ra tình trạng này ở trẻ:
2.1. Viêm vành tai do vệ sinh tai không đúng cách
Vùng tai thường bị bỏ qua khi vệ sinh mặt mũi và tắm rửa. Các bụi bẩn, mồ hôi có thể đọng lại trong vành tai và phía sau tai là yếu tố gây nên tình trạng viêm vành tai ở trẻ.
Tìm hiểu thêm: Nhiệt miệng dưới lưỡi và ung thư lưỡi: Cẩn thận kẻo nhầm lẫn
Vệ sinh tai không đúng cách có thể gây viêm vành tai
2.2. Viêm vành tai do côn trùng cắn
Da của trẻ rất mềm, chính vì vậy trẻ có thể bị các loại côn trùng như muỗi, kiến, ong,….đốt bất cứ lúc nào. Vành tai là một trong những vị trí “ưa thích” của những loại côn trùng này. Thông qua vết đốt, chất độc của côn trùng sẽ tác động lên da, gây nên tình trạng sưng tấy và thậm chí gây viêm mủ, khiến trẻ sốt phát ban. Với trường hợp này, ba mẹ không nên quá lo lắng mà có thể giảm sưng tấy cho trẻ bằng dầu tràm, các loại thuốc bôi,… song hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không giảm mà ổ viêm gia tăng, hãy đưa trẻ đi khám và điều trị sớm.
2.3. Viêm vành tai do viêm mô tế bào tai
Đây là một dạng nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn thường là liên cầu khuẩn (streptococcus) hoặc tụ cầu (staphylococcus). Thông qua các vết thương hở, do trầy khi trẻ hoạt động, côn trùng đốt, bắn khuyên tai,…. các vi khuẩn này sẽ xâm nhập và gây viêm mô tế bào.
Khi đó, vùng viêm tấy đỏ và nóng, gây ra cảm giác khó chịu, ngứa và đau khi chạm vào cho trẻ. Viêm mô tế bào tai vùng vành tai không ngăn chặn kịp thời sẽ lan rộng ra các vùng xung quanh. Không chỉ với vành tai, mà bất kỳ bộ phận da nào trên cơ thể cũng có thể gặp tình trạng này nếu có những vết thương hở.
Viêm vành tai do viêm mô tế bào tai là dạng viêm nguy hiểm có thể biến chứng thành nhiễm trùng máu nếu không điều trị và đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ.
2.4. Viêm vành tai do viêm màng sụn vành tai
>>>>>Xem thêm: Góc giải đáp: Viêm mũi phù nề điều trị như thế nào?
Biến chứng sau viêm màng sụn tai không được điều trị
Đây là tình trạng mô bao quanh màng sụn tai bị nhiễm trùng gây viêm quanh vành tai, phổ biến do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Ngoài ra, một số trẻ sau khi xỏ lỗ tai, bị chấn thương khi chơi thể thao, bị côn trùng cắn hay sau phẫu thuật cũng có thể bị viêm màng sụn vành tai.
Tương tự như viêm mô tế bào, viêm vành tai do viêm màng sụn cũng gây nên biến chứng nguy hiểm. Biến chứng gần nhất là viêm sụn tai và lan rộng vào sâu bên trong. Trẻ bị viêm sụn tai ảnh hưởng nghiêm trọng tới cấu trúc tai và thính lực của trẻ. Về lâu dài, trẻ có thể phát cắt bỏ hoàn toàn vành tai nếu tình trạng viêm không thể chữa trị và có dấu hiệu hoại tử.
3. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm vành tai?
3.1. Viêm vành tai nhẹ
Viêm vành tai mức độ nhẹ (tấy đỏ và không có mủ) gây ra do côn trùng, xây xước,… mẹ cần vệ sinh tai bằng nước ấm và sát trùng cho trẻ. Đồng thời theo dõi những biểu hiện tiếp theo để kịp thời xử lý.
Ở mức độ nhẹ, vành tai được chăm sóc đúng cách sẽ nhanh chóng bình phục.
3.2. Viêm vành tai mức độ nặng
Khi trẻ có dấu hiệu viêm mủ, mẹ nên đưa trẻ tới chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, khi vành tai bị áp xe nhiều, có thể cần phải trích để dẫn lưu mủ.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ được kê đơn thuốc kết hợp để điều trị nội khoa, giúp kháng viêm, tiêu sưng. Song song với uống thuốc, cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý những hướng dẫn trong vệ sinh tai cho trẻ hằng ngày để tránh tái viêm và nhanh hồi phục.
4. Phòng ngừa viêm vành tai ở trẻ em
Không thể phòng ngừa được hết các nguyên nhân có thể khiến trẻ bị viêm vành tai. Tuy nhiên hoàn toàn có thể giảm thiểu đáng kể viêm vành tai bằng cách tạo những thói quen tốt cho trẻ như:
– Luôn tạo thói quen vệ sinh đúng cách cho trẻ. Nhiều trẻ khi rửa mặt hoặc tắm rửa thường “bỏ quên” vệ sinh khu vực tai. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách, dùng khăn ẩm lau nhẹ vành tai, tránh để nước chảy vào trong tai. Sau khi tắm cần sử dụng khăn khô để thấm hút những giọt nước còn đọng lại.
– Không đưa tay lên sờ tai, mặt. Bàn tay có rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn. Thói quen đưa tay lên mặt, bứt tai ở trẻ là một trong những nguyên nhân khiến những vết thương hở bị nhiễm khuẩn nhanh chóng.
– Luôn ý thức bảo vệ đôi tai của mình bằng cách giữ ấm đôi tai khi di chuyển trời lạnh, chủ động xua đuổi khi phát hiện côn trùng có dấu hiệu tấn công,…. Với trẻ nhỏ, cần dạy trẻ tầm quan trọng của đôi tai.
– Với cha mẹ, tuyệt đối không nên véo tai trẻ. Thói quen này thường xảy ra khi cha mẹ có ý định trách, phạt trẻ và không ít các bậc phụ huynh từng thực hiện điều này. Tai trẻ, đặc biệt là phần sụn vành tai còn rất yếu và dễ bị tác động. Khi véo tai trẻ, vô tình bạn đã trực tiếp gây tổn thương xương sụn tai của trẻ.
Tóm lại, viêm vành tai ở trẻ gây ảnh hưởng không chỉ thẩm mĩ của đôi tai mà còn ảnh hưởng tới chức năng nghe của trẻ, cấu trúc tai nếu không điều trị kịp thời. Những thông tin trên đây hy vọng đã mang tới những kiến thức cơ bản nhất để nhận biết, xử lý và phòng ngừa viêm vành tai cho trẻ, giúp cha mẹ bổ sung thêm trong cẩm nang nuôi dạy trẻ khỏe mạnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.