So với cận thị, tật viễn thị trẻ em thường ít xuất hiện hơn nhưng lại có thể mang đến những rắc rối khá nặng nề về thị giác như: rối loạn chức năng thị giác của cả hai mắt, nhược thị, lác mắt. Chính vì vậy các bậc cha mẹ nên để ý quan sát con em mình, nếu nhận thấy những dấu hiệu như trong bài viết dưới đây thì cần đưa trẻ đi khám.
Bạn đang đọc: Viễn thị trẻ em và những cảnh báo dành cho cha mẹ!
1.Những thông tin về căn bệnh viễn thị ở trẻ em
1.1. Khái niệm bệnh viễn thị trẻ em là gì?
Cũng giống như bệnh viễn thị ở người lớn, viễn thị ở trẻ em là một tật khúc xạ xảy ra ở mắt khiến cho trẻ nhìn mọi vật xung quanh bị mờ, nhất là những hình ảnh ở gần. Bình thường ánh sáng từ mọi vậy sau khi đi qua giác mạc sẽ được hội tụ tại võng mạc. Nếu những chùm tia sáng này hội tụ ở đúng điểm, hình ảnh mà con người cảm nhận được sẽ rõ nét. Nếu những chùm ánh sáng trên hội tụ ở phía sau võng mạc khiến cho người bệnh cảm thấy bị mờ và buộc mắt phải điều tiết để nhìn rõ hơn thì gọi là viễn thị. Đối với người lớn, đa phần trường hợp viễn thị sẽ nhìn rõ ở khoảng cách xa và nhìn mờ ở khoảng cách gần. Nhưng đối với trẻ em, khả năng điều tiết ở mắt trẻ còn kém linh hoạt nên thường nếu mắc viễn thị trẻ sẽ cảm thấy bị mờ khi nhìn cả ở xa và ở gần.
Không nhiều trẻ em bị bệnh viễn thị
Bệnh viễn thị ở trẻ em thường có hai loại chính là viễn thị khúc xạ và viễn thị trục.
– Viễn thị khúc xạ do lực khúc xạ của thủy tinh thể và giác mạc thấp nhưng chiều dài của trục nhãn cầu mắt vẫn bình thường. Loại này thường chỉ gây ra bệnh viễn thị nhẹ cho trẻ em.
– Viễn thị trục là do trục của nhãn cầu quá ngắn trong khi lực khúc xạ của thủy tinh thể và giác mạc vẫn khỏe mạnh bình thường. Trường hợp này thường gây ra bệnh viễn thị nặng cho trẻ.
1.2. Nguyên nhân và cách nhận biết bệnh viễn thị trẻ em
– Nguyên nhân:
Nguyên nhân chính gây nên tật viễn thị cho trẻ em thông thường là do mắt của trẻ quá nhỏ nên trục trước sau của mắt bị ngắn quá. Chính vì vậy hình ảnh hội tụ đằng sau võng mạc. Khi trẻ lớn hơn, toàn bộ cơ thể của trẻ sẽ tăng trưởng, trong đó có nhãn cầu mắt, điều đó có thể làm cho trục nhãn cầu dài hơn và độ viễn thị có khả năng giảm dần. Đến khi hình ảnh hội tụ đúng điểm trên võng mạc thì mắt trẻ coi như trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp vì một số lý do nào đó mà mắt của trẻ không tăng trưởng hơn thì tình trạng viễn thị sẽ không được cải thiện. Khi đó trẻ có thể được coi là bị viễn thị bẩm sinh.
Thông thường trẻ mới sinh sẽ không có khả năng nhìn xa, cơ chế giống như bị viễn thị nên có thể coi như trẻ bị viễn thị. Tình hình này có thể được cải thiện khi trẻ lớn dần lên. Đến năm trẻ được -3 tuổi, độ viễn thị của mắt trẻ có thể là 3 độ, nếu sau độ tuổi này, mắt trẻ vẫn có sự tăng trưởng dần thì viễn thị sẽ được khắc phục hoàn toàn. Nếu mắt trẻ không phát triển thì trẻ sẽ mắc viễn thị, thường sẽ phát hiện được bệnh vào khoảng 5-6 tuổi.
Tìm hiểu thêm: Thủy tinh thể nhân tạo trong phẫu thuật Phaco
Thường trẻ bị viễn thị là do bẩm sinh
-Cách nhận biết:
Viễn thị ở trẻ em thường khó nhận diện vì trẻ còn nhỏ, không biết cách phản ánh về các chức năng nhìn của mình với cha mẹ. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải để ý đến con để nhận ra những bất thường trong cách nhìn của trẻ và phát hiện được sớm chứng viễn thị.
Những dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang bị viễn thị như sau:
– Trẻ thường có những hành động như dụi mắt, chảy nước mắt và đỏ mắt. Bên cạnh đó chứng viễn thị có thể đi kèm với lác mắt hoặc chứng viễn thị gây ra tình trạng lác mắt ở trẻ em.
– Trẻ lớn hơn có thể kêu ca về việc mắt bị nhức mỏi do phải điều tiết nhiều để nhìn. Các cơ vận nhãn luôn phải căng lên co kéo thủy tinh thể nhằm khiến cho thủy tinh thể cong hơn, làm tăng độ khúc xạ lên. Hậu quả dẫn đến việc trẻ thường cảm thấy nhức mỏi mắt.
– Khi mắt trẻ thường xuyên phải điều tiết khá nhiều như vậy sẽ gây nên sự mất cân bằng giữa độ quy tụ và điều tiết, dẫn đến bị lác trong và trẻ chỉ còn nhìn bằng một mắt. Điều này dẫn đến trẻ bị nhược thị. Nhược thị là tình trạng trẻ không thể nhìn rõ được mặc dù đã chỉnh kính lên tối đa. Bệnh nhược thị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt. Nếu xảy ra ở một bên thì thường xuất hiện ở bên viễn thị nặng hơn. Nhược thị là một bệnh lý khá nghiêm trọng đối với mắt vì nếu không được phát hiện sớm có thể làm mất chức năng của mắt vĩnh viễn.
– Bên cạnh đó, trẻ bị viễn thị thường sẽ bị lác mắt đi cùng, thông thường là lác trong.
2.Cha mẹ cần phát hiện sớm tật viễn thị ở trẻ em
2.1. Vì sao cần phải phát hiện sớm tật viễn thị ở trẻ?
Viễn thị ở trẻ em nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể ảnh hưởng đến trẻ như:
– Việc không thể nhìn rõ được mọi thứ xung quanh sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi mà không biết cách nói với ai, lâu dần có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
– Trẻ phải điều tiết nhiều trong thời gian dài làm cho mắt của trẻ trở nên nhức mỏi, thậm chí có thể gây ra đau đầu.
– Khi trẻ không nhìn được, những hoạt động vui chơi, học tập của trẻ sẽ bị hạn chế nhiều.
– Viễn thị nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhược thị, một tình trạng suy giảm chức năng mắt nghiêm trọng. Nếu đã xảy ra nhược thị mà cha mẹ vẫn không thể phát hiện được bệnh lý của con em mình và điều trị sớm thì có thể khiến thị lực mất dần dần và không khôi phục được.
>>>>>Xem thêm: Sạn vôi ở mắt – cách nào để điều trị?
Nên đưa trẻ đi khám mắt nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ
– Viễn thị nếu để lâu không chữa trị còn có khả năng biến chứng thành mắt lác, gây ảnh hưởng thị lực và cả thẩm mỹ của trẻ. Việc điều trị mắt lác cũng rất tốn kém, mất thời gian của cả gia đình.
Chính vì vậy việc phát hiện và điều trị viễn thị sớm ở trẻ là rất cần thiết, cha mẹ cần quan sát con để phát hiện bệnh và đưa con đi khám chữa kịp thời, tránh để xảy ra những biến chứng không đáng có cho trẻ sau này.
2.2. Điều trị tật viễn thị trẻ em như thế nào?
Phương pháp điều trị tật khúc xạ viễn thị ở trẻ em chủ yếu là đeo kính. Để đeo kính trước tiên cần cho trẻ đi khám mắt để đo và xác định độ viễn thị chính xác.
Bên cạnh việc đeo kính viễn thị, trẻ cần được hướng dẫn để có một chế độ tập luyện mắt một cách tích cực nhằm làm giảm mức độ viễn thị của mắt.
Với những trẻ đã bị nhược thị thì cần phải được điều trị nhược thị theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh để lại hậu quả sau này.
Trẻ cũng cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để xác định thường xuyên độ viễn thị nhằm chỉnh kính phù hợp.
Trên đây là những thông tin về căn bệnh viễn thị trẻ em và những hậu quả của bệnh mà cha mẹ không nên bỏ qua. Hi vọng thông qua bài viết, những bậc phụ huynh sẽ dễ dàng quan sát và phát hiện bệnh viễn thị của con em mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.