Hiện có 2 cách phát hiện sỏi thận là dựa vào các triệu chứng và thăm khám, xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh theo chỉ định của bác sĩ. Sỏi thận là bệnh lý rất phổ biến, ai cũng có nguy cơ mắc phải, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, sỏi thận có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như viêm đường tiết niệu, thận ứ nước, ứ mủ, suy thận… Do đó tìm hiểu thông tin làm thế nào biết mình mắc sỏi thận để can thiệp sớm là rất cần thiết.
Bạn đang đọc: Xem ngay 2 cách phát hiện sỏi thận nhanh, chính xác
Sỏi thận là loại sỏi tiết niệu phổ biến nhất.
1. Sỏi thận là gì?
Sỏi thận thực chất là những tinh thể lắng đọng từ các chất khoáng có trong nước tiểu, lâu dần kết thành sỏi trong thận. Sỏi có thể nằm yên trong thận hoặc di chuyển đến niệu quản, bàng quang.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra sỏi thận, cụ thể như sau:
– Uống ít nước
– Ăn mặn
– Béo phì, ít vận động
– Chế độ ăn uống không hợp lý, ít rau, nhiều thịt, tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm có hàm lượng oxalat cao (oxalat kết hợp với canxi tạo thành sỏi canxi oxalat)
– Mắc phải các bệnh lý làm tăng nguy cơ tạo sỏi như hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp niệu quản, thận đa nang, vôi hóa thận, bệnh gout, tiểu đường tuýp 2, bệnh Crohn…
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ khoáng chất nhất định trong nước tiểu dẫn tới kết tinh tạo sỏi.
Các biểu hiện bất thường như đau, khó chịu vùng thắt lưng hông, rối loạn tiểu tiện… cảnh báo nguy cơ sỏi thận.
2. Các cách phát hiện sỏi thận cần biết
2.1. Cách phát hiện sỏi thận thông qua triệu chứng
Bạn có thể nghĩ tới sỏi thận nếu phát hiện có những biểu hiện bất thường sau đây:
– Có cảm giác đau tức, khó chịu ở vùng thắt lưng hông. Cơn đau có thể lan tới bụng dưới và vùng hang. Đặc biệt đau và nóng rát mỗi khi đi tiểu.
– Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu.
– Nước tiểu đục và có mùi hôi.
– Thường xuyên muốn đi tiểu, đi tiểu với tần suất nhiều hoặc ít hơn hẳn bình thường.
– Buồn nôn và ói mửa.
– Sốt và ớn lạnh (trong trường hợp sỏi thận gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu).
Tuy nhiên các triệu chứng này cũng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu, u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới… gây nhầm lẫn cho người bệnh.
Chưa kể sỏi thận ở giai đoạn đầu, sỏi nhỏ thì hầu như phát triển trong âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng, khó để phát hiện sớm.
Tìm hiểu thêm: Viêm tiết niệu cấp ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày như thế nào?
Siêu âm được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán sỏi thận.
2.3. Cách phát hiện sỏi thận thông qua thăm khám, xét nghiệm
Đây là cách chuẩn xác nhất để khẳng định một người mắc sỏi thận.
Trước hết bác sĩ sẽ tìm hiểu về các triệu chứng người bệnh gặp phải. Sau đó tùy thuộc vào tình trạng cụ thể sẽ chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nhất định.
– Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: thông qua xét nghiệm này giúp phân tích xem trong nước tiểu của bệnh nhân có lẫn máu và các khoáng chất hình thành sỏi thận hay không. Trường hợp có tế bào bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu có nghĩa là người bệnh đang có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Xét nghiệm máu: kết quả của xét nghiệm máu sẽ cung cấp thông tin cho bác sĩ biết nồng độ các khoáng chất tạo thành sỏi có trong máu như thế nào.
– Siêu âm: cũng cung cấp hình ảnh, thông tin về kích thước và vị trí của sỏi thận. Phương pháp này rất đơn giản, nhanh chóng, chi phí tiết kiệm nên được áp dụng phổ biến nhất.
– Chụp Xquang ổ bụng: để thực hiện chụp Xquang ổ bụng, người bệnh sẽ nằm trên bàn hoặc đứng lên. Kỹ thuật viên sẽ đặt máy chụp Xquang lên trên hoặc để trước ổ bụng của bệnh nhân và yêu cầu nín thở để hình ảnh không bị mờ. Chụp Xquang giúp xác định vị trí của sỏi thận trong đường tiết niệu.
– Chụp CT ổ bụng: cho biết kích thước và vị trí của sỏi thận, sỏi có đang gây tắc nghẽn đường tiểu hay không.
3. Lưu ý về các cách phát hiện sỏi thận
Như vậy qua các thông tin về các cách phát hiện sỏi thận nêu trên thì thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại cơ sở y tế là chuẩn xác nhất.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sẽ cung cấp thông tin cụ thể về kích thước, vị trí của viên sỏi cũng như hình ảnh chính xác của sỏi bên trong thận. Đây là điều chúng ta hoàn toàn không thể biết nếu chỉ quan sát và theo dõi các triệu chứng, biểu hiện bên ngoài.
Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để phát hiện sỏi thận cũng được đánh giá là đơn giản, nhanh chóng, giá cả hợp lý. Do đó người bệnh không nên chần chừ, nếu nghi ngờ mắc sỏi thận, hãy chủ động tới các cơ sở y tế để khám càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó nên lựa chọn những địa chỉ uy tín có cơ sở vật chất đảm bảo và đội ngũ bác sĩ giỏi. Bởi vì trang thiết bị y tế hiện đại sẽ mang lại kết quả chụp chiếu, xét nghiệm chuẩn xác, gần nhất với thực tế. Đặc biệt vai trò của bác sĩ khi đọc kết quả, đưa ra chẩn đoán kết luận là vô cùng quan trọng.
>>>>>Xem thêm: Phương pháp điều trị bệnh sỏi niệu quản hiệu quả
Thăm khám sớm và điều trị kịp thời, tích cực theo tư vấn của bác sĩ sẽ giúp loại bỏ sỏi thận nhanh.
4. Nên làm gì khi biết mình bị sỏi thận?
Nếu đã thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa và có kết quả mắc sỏi thận, bạn nên:
– Giữ bình tĩnh, không lo lắng, hoang mang quá mức
– Lắng nghe tư vấn điều trị của bác sĩ: sỏi nhỏ có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Sỏi thận to đã có các phương pháp tán sỏi công nghệ cao ít xâm lấn, giúp làm sạch sỏi nhanh, an toàn, êm ái.
– Kiên trì, tích cực điều trị theo chỉ định: sỏi thận hoàn toàn có thể loại bỏ triệt để, chấm dứt các triệu chứng khó chịu.
– Không tự ý mua thuốc về điều trị khi chưa thăm khám với bác sĩ: một số loại thuốc nam, thuốc từ lá, rễ cây… không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng khoa học, có thể làm trầm trọng hơn tình trạng sỏi thận.
Hy vọng những thông tin trong bài đã cung cấp cho bạn cách phát hiện sỏi thận cũng như phương hướng xử trí khi mắc phải căn bệnh này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.