Viêm gan B có diễn biến khó lường và tiềm tàng nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu virus không được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, rất khó để xác định một người có nhiễm virus viêm gan B (HBV) hay không thông qua biểu hiện bên ngoài cơ thể. Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B giúp phát hiện bệnh chính xác, hỗ trợ theo dõi và điều trị hiệu quả. Hãy tham khảo ngay các xét nghiệm phổ biến hàng đầu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B phổ biến hiện nay
1. Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B ban đầu
1.1. Xét nghiệm HBsAg – Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B phổ biến
Kháng nguyên trên bề mặt virus viêm gan B là HBsAg. Xét nghiệm này cho kết quả như sau:
– Kết quả HBsAg âm tính: Cơ thể không nhiễm virus viêm gan B. Người bệnh có thể làm thêm xét nghiệm Anti-HBC để xác định có bị phơi nhiễm viêm gan B hay không.
– Xét nghiệm HBsAg dương tính: Người bệnh mắc viêm gan B. Bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định mức độ và giai đoạn nhiễm bệnh.
Xét nghiệm chẩn đoán ban đầu gồm xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs
1.2. Xét nghiệm Anti-HBs
Khi cơ thể đáp ứng các miễn dịch nhằm chống lại virus viêm gan B, kháng thể kháng HBsAg sẽ được tạo ra. Kháng thể này được gọi là Anti-HBs hoặc HBsAb. Kháng thể Anti-HBs có ở người đã tiêm vaccine ngừa viêm gan B, cơ thể đáp ứng tốt miễn dịch.
– Với kết quả Anti-HBs dương tính: Cơ thể đã có đặc hiệu miễn dịch, không cần tiêm vaccine ngừa virus viêm gan B nữa.
– Với kết quả Anti-HBs âm tính: Cơ thể chưa có đặc hiệu miễn dịch nên cần được tiêm vaccine phòng bệnh.
– Ở giai đoạn nguy hiểm, xét nghiệm máu không tìm được kháng nguyên HBsAg cũng như kháng thể Anti-HBs tương ứng. Lúc này, một trong những những xét nghiệm chuyên khoa cần thiết thực hiện là xét nghiệm tìm kháng thể Anti-HBc IgM.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B chuyên sâu (HBsAg dương tính)
2.1. Xét nghiệm chức năng gan mật
Các chỉ số chức năng gan mật là yếu tố cần thiết để đánh giá sự tổn thương và rối loạn của gan do virus gây ra.
Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm men gan (AST, ALT, GGT, ALP), các chỉ số sắc tố mật (Bilirubin TP, Bilirubin TT, Bilirubin GT) và như các thông số chức năng gan mật khác.
2.2. Xét nghiệm HBeAg
HbeAg là kháng nguyên e của virus viêm gan B, là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid. Xét nghiệm này giúp đánh giá sự sao chép và nhân bản của HBV.
– HBeAg dương tính: Virus đang được nhân lên và có khả năng lây lan mạnh. HBV trong trạng thái hoạt động nếu đi kèm với chỉ số men gan cao cảnh báo virus đang gây ra một số tổn thương cho gan.
– HBeAg âm tính thể hiện HBV không hoạt động hoặc HBV đột biến. Người bệnh phải tiến hành xét nghiệm HBV-DNA, HBV-genotyping để xác định virus có vùng gen đột biến.
2.3. Xét nghiệm Anti-HBe
Anti-HBe là loại kháng thể có khả năng kháng lại HBeAg.
– Anti-HBe dương tính: Cơ thể đã có một phần miễn dịch với virus viêm gan B.
– Anti-HBe âm tính: Cơ thể vẫn chưa có khả năng miễn dịch với HBV.
Xét nghiệm Anti-Hbe có giá trị cao trong quá trình điều trị và quyết định can thiệp dừng thuốc điều trị.
Tìm hiểu thêm: Chữa bệnh chai gan
Các xét nghiệm chuyên sâu được chỉ định căn cứ vào tình trạng cụ thể của người bệnh
2.4. Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B Anti-HBc
Xét nghiệm Anti-HBc (Xét nghiệm HBcAb) là cơ sở đánh giá người bệnh đã phơi nhiễm virus viêm gan B hay chưa.
Kháng thể Anti-HBc chống lại lõi nhân virus viêm gan B. Chúng xuất hiện khá sớm và tồn tại lâu dài đến suốt đời. Anti-HBc gồm IgG và IgM. Anti-HBc IgM thường xuất hiện khi người bệnh nhiễm virus cấp tính. Trong khi đó, Anti HBc-IgG thường xuất hiện ở giai đoạn nhiễm virus mạn tính.
Nếu Anti-HBc xuất hiện ở huyết thanh, người đã từng bị viêm gan B trước đây hoặc đang mắc bệnh. Kháng thể này không sản sinh ở những người đã được tiêm vaccine ngừa viêm gan B.
2.5. Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Kháng thể chống lại lõi nhân chủng virus viêm gan B type IgM chính là Anti-HBc IgM. Chúng xuất hiện ở giai đoạn viêm gan siêu vi B cấp tính, hay còn gọi là giai đoạn cấp của tiến trình viêm gan B mạn tính.
Người bệnh thường thực hiện 2 xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B cấp tính là xét nghiệm HBsAg và Anti-HBc IgM. Bệnh viêm gan cấp tính thể hiện qua kết quả cả 2 xét nghiệm đều dương tính. Ngược lại, người bệnh viêm gan B mãn tính có kết quả Anti-HBc IgM âm tính.
2.6. Xét nghiệm HBV-DNA
Xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm định lượng virus viêm gan B. Trong các tiêu chí đánh giá viêm gan B, xét nghiệm HBV-DNA có ý nghĩa rất lớn nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và xác định phương án điều trị.
Tương tự HbsAg, chỉ số HBV-DNA cho biết hàm lượng HBV trong máu, tình trạng sao chép và tính truyền nhiễm của virus.
Nguy cơ gan tổn thương càng lớn thì định lượng HBV-DNA càng cao. Khi chỉ số này đạt 10 mũ 5 và đi kèm với tổn thương gan, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị ức chế virus và hỗ trợ gan mật kèm theo.
2.7. Các xét nghiệm đánh giá liên quan khác
Bên cạnh xét nghiệm đánh giá phân tử hay xét nghiệm marker viêm gan B, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như:
– Đánh đánh giá các chỉ số công thức máu.
– Xét nghiệm chức năng thận.
– Xét nghiệm đông máu INR.
– Xét nghiệm ung thư gan, bao gồm AFP, AFP-L3 và DCP.
– Xác định có đồng nhiễm viêm gan A, HIV, viêm gan C, virus delta, viêm gan D hay không, đặc biệt nếu điều trị viêm gan B vào thời gian đầu mà không thấy đáp ứng thuốc.
>>>>>Xem thêm: Viêm gan siêu vi B được phát hiện bằng cách nào?
Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B không yêu cầu người bệnh nhịn ăn
3. Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B
Người bệnh không cần nhịn ăn khi làm xét nghiệm viêm gan B. Thay vào đó, người bệnh có thể ăn uống bình thường.
Tuy nhiên người bệnh cần tránh uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích khác trong vòng 48 giờ trước khi làm xét nghiệm. Đồng thời người bệnh cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng vì chúng có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả xét nghiệm.
Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Từ kết quả chẩn đoán viêm gan B, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị và theo dõi quá trình điều trị. Lưu ý rằng hãy đến thăm khám và kiểm tra tại các cơ sở y tế lớn có chuyên khoa Gan mật để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.