Việc thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân cho bé sơ sinh không hề gây đau đớn hay nguy hiểm cho bé, mà còn giúp bé được sàng lọc nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm và có phương án điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về những lợi ích không ngờ của xét nghiệm này.
Bạn đang đọc: Xét nghiệm lấy máu gót chân – Vì một khởi đầu khỏe mạnh
1. Tầm quan trọng của xét nghiệm lấy máu gót chân
Để đảm bảo con yêu chào đời khỏe mạnh, ngoài những phương pháp sàng lọc trước sinh như xét nghiệm NIPT, Double test, Triple test… thì xét nghiệm lấy máu gót chân sàng lọc sau sinh cũng quan trọng không kém. Đây là một phương pháp xét nghiệm giúp các bác sĩ sàng lọc một số bệnh rối loạn chuyển hóa sau sinh cho trẻ một cách hiệu quả.
Xét nghiệm lấy máu gót chân là một phương pháp hỗ trợ các bác sĩ sàng lọc một số bệnh nguy hiểm ở trẻ một cách hiệu quả
1.1. Vì sao nên thực hiện xét nghiệm lấy máu ở gót chân
Trên thực tế, các bác sĩ hoàn toàn có thể lấy máu ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể bé. Tuy nhiên lấy máu ở gót chân là vì gót chân của bé có lượng máu dồi dào và cũng ít đau hơn những bộ phận khác.
1.2. Ý nghĩa của xét nghiệm lấy máu gót chân
Việc lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh giúp phát hiện một số bệnh liên quan đến di truyền, chuyển hóa và nội tiết từ những ngày đầu bé mới chào đời, đây là những bệnh khó có thể phát hiện được bằng mắt thường. Nếu không được phát hiện sớm, những bệnh lý này sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của con. Cụ thể, bé sẽ có nguy cơ cao thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, thậm chí tử vong.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ làm tăng tỷ lệ điều trị thành công lên đến 95% và giúp bé tăng khả năng phát triển khỏe mạnh, bình thường. Lý do là những bệnh lý này đều không có biểu hiện gì cụ thể, rõ ràng ở bé sơ sinh nên rất khó để phát hiện. Cho đến khi bé có biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã trở nên trầm trọng, cơ hội để điều trị thành công và phục hồi gần như không còn.
2. Xét nghiệm lấy máu ở gót chân được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm lấy máu gót chân là một thủ thuật vô cùng đơn giản, nhanh chóng. Các nhân viên y tế sẽ dùng một dụng cụ là chiếc kim có kích thước rất nhỏ, chích vào gót chân em bé và dùng giấy thấm chuyên dụng để nhận 1 – 2 giọt máu. Sau đó đưa vào hệ thống phân tích, tiến hành xét nghiệm.
Trước khi lấy máu khoảng từ 3 – 5 phút, mẹ nên dùng một chiếc khăn bông mềm, sạch, thấm nước ấm có nhiệt độ 41 – 42 độ C rồi vắt khô và ủ lên gót chân của bé. Việc làm này không chỉ giúp các nhân viên y tế lấy máu dễ dàng hơn mà con yêu cũng đỡ đau hơn.
Xét nghiệm lấy máu gót chân là một thủ thuật vô cùng đơn giản, nhanh chóng, không gây đau đớn hoặc nguy hiểm cho bé
3. Nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân vào lúc nào
Xét nghiệm lấy máu gót chân nên được thực hiện cho bé trong khoảng từ 2 – 7 ngày đầu tiên sau sinh. Thời điểm lấy máu gót chân lý tưởng nhất là ngay sau khi bé đủ 24 giờ sinh và được ăn sữa tối thiểu 8 lần. Đối với những bé sinh non, sinh nhẹ cân thì trước 20 ngày sau sinh là thời điểm phù hợp để thực hiện xét nghiệm. Đặc biệt, trong trường hợp bé sơ sinh bị thiếu máu, phải truyền máu ngay sau sinh thì mẹ nên cho bé làm xét nghiệm sàng lọc này sau 3 tháng.
Ngày nay, khi y học phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có khả năng thực hiện xét nghiệm này. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả chính xác, mẹ vẫn nên lựa chọn những địa chỉ đáng tin cậy. Hoặc sau sinh, mẹ có thể nhờ các nhân viên y tế lấy mẫu máu gót chân của em bé và gửi đến các bệnh viện có đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm.
Tìm hiểu thêm: Có thể sinh mổ lần 4 không? Thai phụ cần lưu ý những gì trước đẻ mổ?
Ngay sau khi bé đủ 24 giờ sinh và được ăn sữa tối thiểu 8 lần là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện xét nghiệm
4. Những bệnh nào được phát hiện nhờ lấy máu gót chân?
Được coi là một phương pháp sàng lọc sau sinh vô cùng quan trọng và cần thiết, xét nghiệm lấy máu gót chân giúp phát hiện sớm các bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm ở bé như: Thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh (CH), tăng tuyến thượng thận (CAH), Phenylceton niệu (PKU), rối loạn chuyển hóa đường Galactose trong máu (GAL)…
4.1. Bệnh thiếu men G6PD
Thiếu men G6PD là một bệnh di truyền, do nhiễm sắc thể X (NST X) gây ra. Khi NST X bị dị dạng sẽ không còn khả năng tổng hợp men G6PD trong cơ thể.
Hiện tượng thiếu men này làm các chất oxy hóa trong thức ăn hoặc trong một số loại thuốc sẽ phá hủy hồng cầu, khiến cho hồng cầu bị vỡ, dẫn đến tan huyết. Tình trạng này còn làm lượng bilirubin trong máu của bé tăng lên, gây ra thiếu máu, vàng da, vàng mắt. Đặc biệt, nếu bé bị vàng da nặng trong 2 tuần đầu thì có nguy cơ bị tổn thương não, chậm phát triển tâm thần và hạn chế vận động, thậm chí là bại não.
4.2. Bệnh suy giáp bẩm sinh (CH)
Sự phát triển não bộ và cơ thể của bé từ khi sinh ra đến khi trưởng thành đều rất cần các hormon tuyến giáp. Suy giáp bẩm sinh chính là tình trạng cơ thể bé không thể tự sản sinh hoặc sản sinh thiếu các hormon tuyến giáp. Từ đó gây nên hậu quả là trẻ sẽ bị chậm phát triển tâm thần cũng như vận động, đần độn và có nguy cơ tử vong sớm trước khi trưởng thành.
4.3. Bệnh tăng tuyến thượng thận (CAH)
Bệnh tăng tuyến thượng thận còn được gọi là hội chứng sinh dục thượng thận, là một bệnh di truyền lặn. Bệnh do thiếu hụt các enzym gây nên, dẫn đến rối loạn hormone ở vỏ thượng thận. hậu quả của bệnh chính là khiến trẻ sau này dậy thì sớm, có bộ phận sinh dục bất thường hoặc gây mất muối, dẫn đến tử vong.
4.4. Bệnh Phenylceton niệu (PKU)
Đây là một hội chứng do rối loạn gây tích tụ axit amin phenylalanine – một axit amin quan trọng mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Bé mắc bệnh thường hay ngái ngủ, ăn kém hoặc co giật, buồn nôn… nhưng bố mẹ rất hay nhầm lẫn với các bệnh khác. Thậm chí, bé mắc bệnh này còn dễ mắc ban đỏ giống bệnh Eczema, tóc và da có màu nhạt hơn bình thường, tăng động, có hành vi hung hăng và tự gây thương tích, nặng hơn là tâm thần. Nếu bệnh này không được điều trị kịp thời sẽ làm cho trẻ bị khuyết tật trí tuệ, rối loạn hành vi và tâm thần.
4.5. Bệnh rối loạn chuyển hóa đường Galactose trong máu (GAL)
Khi tế bào đột biến xuất hiện hai gen lặn bất thường sẽ gây rối loạn chuyển hóa đường Galactose trong máu. Tình trạng này là “thủ phạm” chính gây nên thiếu hụt enzym lactase, làm cho cơ thể không còn khả năng chuyển hóa đường Galactose. Khi đó, trẻ sẽ không thể hấp thụ được đường này, cụ thể là sữa mẹ và các chế phẩm từ sữa khiến Galactose bị tích tụ, dần trở thành độc tố làm tổn thương não, mắt, gan và thận.
Chắc hẳn, cha mẹ nào cũng muốn con mình được lớn lên khỏe mạnh, phát triển toàn diện. Vậy, xét nghiệm lấy máu gót chân là một xét nghiệm đáng để bố mẹ lưu tâm thực hiện. Xét nghiệm này không những nhanh chóng, không nguy hiểm, không đau đớn, mà còn có ý nghĩa vô cùng lớn.
>>>>>Xem thêm: Góc giải đáp: Đặt vòng tránh thai có tác dụng phụ gì?
Đây là một xét nghiệm đáng để bố mẹ lưu tâm thực hiện nếu muốn con yêu được phát triển khỏe mạnh, toàn diện về sau
Có thể nói, chỉ một vài giọt máu từ gót chân không những giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường, mà còn giúp gia đình giảm đi một phần chi phí điều trị (nếu có), đồng thời giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu mẹ sắp hoặc đang mang bầu, đừng bỏ qua thông tin này nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.