Xơ gan (chai gan) là hậu quả của tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục, kéo dài trong nhiều năm. Khi bệnh trở nặng, phần gan bị tổn thương thường không thể hồi phục hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu hơn về xơ hóa gan và cách phòng ngừa bệnh.
Bạn đang đọc: Xơ gan: Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả
1. Nguyên nhân và triệu chứng của xơ gan là gì?
1.1. Nguyên nhân gây ra xơ gan
Xơ gan được hiểu là hậu quả của quá trình tổn thương ở gan do nhiều tác nhân khác nhau gây ra. Gan cố gắng tự phục hồi sau những lần bị tổn thương. Quá trình tự phục hồi này hình thành các mô sẹo khiến cho tình trạng tổn thương kéo dài, ngày càng nghiêm trọng và hình thành nhiều mô sẹo.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xơ gan, cụ thể là:
– Rượu bia: đây là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý về gan nói chung. Người uống rượu bia với lượng lớn và trong thời gian dài khiến gan bị tổn thương, ban đầu là gan nhiễm mỡ, sau đó biến chuyển thành viêm gan do rượu và cuối cùng là chai gan.
– Virus viêm gan: virus viêm gan B và virus viêm gan C là hai virus gây tổn thương gan phổ biến. Tình trạng viêm tế bào gan nhiều năm không được điều trị sớm sẽ dẫn tới xơ hóa gan và ung thư gan.
– Tổn thương gan do thuốc: một số thuốc dùng trong thời gian dài gây tổn thương gan mạn tính, tạo điều kiện cho quá trình xơ hóa gan diễn ra nhanh hơn.
– Tổn thương gan do căn nguyên ký sinh trùng bao gồm: toxocara, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ …
– Tắc mật gây ra biến chứng xơ gan mật.
– Nguyên nhân từ một số bệnh mạch máu hoặc gan bị sung huyết như bệnh lý tắc tĩnh mạch gan, tĩnh mạch trên gan …
– Một số bệnh nhân xơ hóa gan không xác định được nguyên nhân.
Hình ảnh so sánh một lá gan khỏe mạnh và xơ gan
1.2. Triệu chứng của xơ gan
Một số bệnh nhân xơ hóa gan không xuất hiện triệu chứng bất thường trên cơ thể. Tuy nhiên bệnh lý này cũng có thể gây ra các triệu chứng sau đây:
– Chán ăn, ăn không ngon miệng kèm theo cơ thể mệt mỏi
– Giảm cân đột ngột
– Vàng da hoặc vàng mắt
– Ngứa các vùng trên cơ thể
– Nôn ra máu, đi đại tiện có lẫn máu
– Chướng bụng
– Thay đổi ý thức như lú lẫn, thậm chí hôn mê
– Ra máu âm đạo bất thường hoặc kinh nguyệt kéo dài bất thường đối với bệnh nhân nữ
– Rối loạn cương dương, mất ham muốn tình dục đối với bệnh nhân nam
2. Cách phòng ngừa xơ hóa gan hiệu quả
Bệnh xơ gan khó để chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh có thể ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tổn thương gan bằng các phương pháp sau đây:
– Hạn chế sử dụng bia rượu tối đa: kiểm soát lượng rượu tiêu thụ và tần suất sử dụng rượu bia. Người đã mắc bệnh về gan phải tuyệt đối kiêng rượu bia và đồ uống có cồn. Nói không với hút thuốc lá.
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tốt cho gan: tăng cường rau củ, hoa quả, thực phẩm giàu protein và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Nên chế biến thức ăn theo cách hấp, luộc, hạn chế chiên, xào, rán nhiều dầu mỡ. Lưu ý luôn ăn chín, uống sôi để ngăn ngừa vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
– Tránh ăn kiêng quá mức khiến cơ thể thiếu chất. Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn, thay đổi các loại thức ăn để tạo cảm giác ngon miệng.
– Luyện tập thể dục, thể thao đều đặn để duy trì cân nặng và nâng cao hệ thống miễn dịch.
– Tránh xa các hành động làm lây nhiễm viêm gan B hoặc C, chẳng hạn như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.
– Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan A, viêm gan B.
– Sử dụng thuốc theo liều lượng trong đơn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai liều làm ảnh hưởng xấu đến gan.
– Sinh hoạt điều độ bằng cách cân bằng thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tránh để cơ thể bị căng thẳng trong thời gian dài.
Tìm hiểu thêm: Các xét nghiệm viêm gan C điều trị bệnh hiệu quả
Nhóm thực phẩm tốt người bệnh chai gan nên tăng cường bổ sung
3. Phương pháp điều trị xơ hóa gan hiện nay
3.1. Các biến chứng của bệnh xơ hóa gan
Chai gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm: tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xuất huyết tiêu hóa, cổ chướng và phù, nhiễm trùng dịch cổ trướng, nhiễm trùng cơ quan bộ phận khác, sốc nhiễm khuẩn, hội chứng não gan, hội chứng gan thận, hội chứng gan phổi, ung thư gan và nghiêm trọng nhất là tử vong.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu bệnh xơ gan và cách phòng tránh hiệu quả
Bệnh xơ gan có thể gây phù nề, chướng bụng
3.2. Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán xơ gan yêu cầu nhiều yếu tố như khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
– Khai thác tiền sử bệnh và tiền sử gia đình bệnh nhân: người bệnh có thường xuyên sử dụng rượu bia không, có từng bị bệnh gan trước đó không, tiền sử sử dụng thuốc các bệnh liên quan, gia đình có ai bị viêm gan B, C không …
– Triệu chứng lâm sàng: hỏi về các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải.
– Xét nghiệm cận lâm sàng:
+ Kiểm tra máu: xét nghiệm máu giúp bác sĩ biết được một số bất thường về gan.
+ Siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ để xem gan có bị tổn thương hay không.
+ Sinh thiết gan: giúp phát hiện u bất thường và kiểm tra u lành hay u ác.
3.3. Phương pháp điều trị xơ hóa gan
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được điều trị nguyên nhân cơ bản để giảm tổn thương cho gan. Một số phương pháp điều trị xơ hóa gan gồm:
– Sử dụng thuốc để kiểm soát viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C có thể hạn chế tối đa tổn thương do các tình trạng này gây ra.
– Cai rượu là yêu cầu bắt buộc với bệnh nhân bị chai gan. Nếu vẫn tiếp tục uống rượu bia dù là một lượng nhỏ cũng có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
– Giảm cân là phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị chai gan do gan nhiễm mỡ. Ngoài việc giảm cân, người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu.
– Sử dụng thuốc kiểm soát nguyên nhân và các triệu chứng khác của xơ hóa gan. Cụ thể bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc với mục đích làm giảm triệu chứng của xơ gan.
Nếu được phát hiện sớm, tình trạng xơ gan có thể phục hồi bằng phác đồ điều trị cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, nếu đã biến chuyển sang giai đoạn muộn, bệnh hầu như không thể phục hồi và là nguyên nhân gây ung thư gan.
Người bệnh không nên chủ quan với bất kì triệu chứng bất thường nào của cơ thể. Thăm khám định kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm tra sức khỏe của gan cũng như sức khỏe tổng thể. Đồng thời đến chuyên khoa Gan mật tại các bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán khi có biểu hiện nghi ngờ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.