Co giật là hiện tượng thường gặp khi trẻ bị sốt cao. Hiện tượng này cảnh báo tình trạng sức khỏe của trẻ đã ở mức báo động, bố mẹ cần bình tĩnh để có các biện pháp xử lý kịp thời. Trẻ bị sốt co giật nhiều, không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bạn đang đọc: Xử trí thế nào khi trẻ bị sốt co giật?
1. Sốt co giật là gì?
Sốt là phản ứng hết sức bình thường của cơ thể, cảnh báo cơ thể đang bị các tác nhân gây hại xâm nhập. Vì vậy, ở một góc độ, sốt được coi là một phản ứng có lợi. Tuy nhiên, nó không còn có lợi khi cơn sốt kéo dài và sốt cao. Cơn sốt trở nên nguy hiểm đặc biệt khi xuất hiện các cơn co giật.
Sốt là triệu chứng bình thường nhưng nếu sốt cao kèm co giật lại là một dấu hiệu bất thường.
Sốt co giật là tình trạng xảy ra khi thân nhiệt của trẻ đột ngột tăng cao trên 38 độ, thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi. Do đây là độ tuổi não bộ chưa phát triển hoàn chỉnh. Lúc này cơ thể rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Việc nhiệt độ đột ngột tăng cao sẽ kích thích đến não bộ và gây ra các cơn co giật. Khi trẻ bị co giật, bố mẹ thường rất sợ hãi và lo lắng nhưng theo các bác sĩ, hầu hết các cơn co giật đều là lành tính kéo dài dưới 5 phút. Cơn giật có thể phân thành 2 loại:
– Sốt cao co giật đơn thuần: kéo dài dưới 15 phút, trong 24 giờ có 1 cơn
– Sốt cao co giật phức tạp: kéo dài trên 15 phút, trong 24 giờ có từ 2 cơn co giật
2. Biểu hiện trẻ bị sốt co giật
Sốt cao co giật biểu hiện hầu hết là trên toàn cơ thể, các cơn giật co cứng người, chân tay giật liên hồi, mắt có thể bị trợn. Trong cơn co giật, trẻ có thể bị mất cảm giác ở tay chân trong thời gian nhất định. Tần suất của các cơn co giật thường là 1 cơn giật cho 1 lần sốt cao (thường là trên 40 đến 41 độ).
– Sốt cao co giật đơn thuần có biểu hiện tăng trương lực, co cứng cơ, cơn kéo dài dưới 15 phút. Sau cơn giật trẻ không có biểu hiện rối loạn tri giác. Cơn co giật đơn thuần ở trẻ khiến trẻ có xu hướng quay đầu và mắt sang 1 bên.
– Sốt cao co giật phức tạp có thể có các biểu hiện nghiêm trọng hơn như sùi bọt mép, nôn ói, mắt trắng dã
Tuy nhiên, các cơn co giật thường không kéo dài quá 5 phút. Trường hợp cơn giật kéo dài, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử lý kịp thời.
3. Mức độ nguy hiểm của sốt cao co giật
Sốt cao co giật không quá nguy hiểm như nhiều người thường nghĩ. Hầu hết các cơn co giật là lành tính, không đem đến hậu quả nghiêm trọng. Khi trẻ bị sốt co giật, trẻ không nuốt lưỡi hay cắn vào lưỡi mà chỉ hơi tụt lưỡi vào trong khoang miệng 1 chút.
Nếu trẻ không mắc các bệnh nền trước đó như viêm màng não thì các cơn co giật sẽ không ảnh hưởng gì đến não bộ và hệ thần kinh của trẻ vì co giật chỉ làm các cơ co cứng.
Trẻ bị ốm sốt cao co giật mà ở 1 mình, không có ai trông nom bên cạnh thì sẽ có nguy cơ ngã, bị thương do sự căng cứng cơ, trạng thái giật khiến trẻ không kiểm soát được hành động.
Tìm hiểu thêm: Sốt virus ở trẻ em kéo dài bao lâu?
Bố mẹ không nên để trẻ ở một mình khi trẻ đang ốm sốt.
Bố mẹ cũng không cần quá lo lắng về nguy cơ trẻ mắc bệnh động kinh khi trẻ bị sốt cao co giật. Do đó, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc động kinh để kìm hãm cơn giật của trẻ. Dưới đây là lưu ý đầy đủ hơn về cách xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật mà bố mẹ cần chú ý.
4. Hướng dẫn xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng co giật, bố mẹ cần bình tĩnh, có thể xử trí cơn co giật bằng các cách sau:
– Đặt trẻ nằm nghiêng tại nơi thông thoáng. Cần đặc biệt chú ý khi trẻ có biểu hiện nôn mửa khi co giật. Việc đặt trẻ nằm nghiêng sẽ giúp tránh khỏi nguy cơ trẻ hít phải chất nôn vào đường thở. Việc này cũng giúp cho đường thở của trẻ được thông thoáng hơn.
– Nới rộng quần áo trẻ đặc biệt là vùng cổ để trẻ hô hấp bình thường
– Sử dụng thuốc hạ sốt và kết hợp chườm mát. Bố mẹ chú ý nên cho trẻ uống thuốc sau khi đã đảm bảo sơ cứu cơ bản, không để con một mình khi đang có cơn giật. Với cách dùng khăn chườm, đặt khăn lên các bộ phận: trán, 2 bên nách, 2 bên bẹn, lau toàn thân. Với cách dùng thuốc, bố mẹ nên dùng thuốc đặt hậu môn bởi khi này trẻ đang co cứng cơ, có thể có nôn trớ nên không dùng được thuốc đường uống.
Ngoài ra, bố mẹ hãy chú ý tránh làm những điều dưới đây để đảm bảo an toàn khi trẻ bị sốt co giật:
– Đặc biệt không được chống lại cơn giật của con bằng cách nhét ngón tay hoặc bất cứ vật gì vào miệng trẻ. Đưa vật vào miệng trẻ có thể làm tổn thương trẻ, dễ khiến trẻ bị gãy răng, rách lợi, rách miệng,…
– Không cố chống lại cơn giật bằng cách ghì đè vì có thể khiến con đau đớn, trật khớp,…
– Không dùng quần áo, chăn mùng quấn chặt trẻ, nên để trẻ thông thoáng nhất có thể
– Không dùng đá chườm để hạ sốt cho trẻ
– Không dùng thuốc chống co giật cho trẻ bởi các loại thuốc này không hề có tác dụng phòng ngừa cơn giật
– Luôn đảm bảo ở bên cạnh con, không để con 1 mình khi đang ốm và có cơn sốt cao
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân trẻ bị bệnh thủy đậu, cách điều trị, phòng ngừa
Bố mẹ cần bình tĩnh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Tuy sốt cao co giật không ảnh hưởng đến thần kinh nhưng cũng đem lại những ảnh hưởng và nguy hại nhất định đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, bố mẹ có thể làm theo 1 số lưu ý dưới đây để hạn chế nguy cơ tái phát, có kinh nghiệm xử lý hơn cũng như phối hợp trị bệnh với bác sĩ tốt hơn:
– Ghi nhớ thời gian và tần suất của các cơn giật. Bố mẹ nên ghi nhớ và chia sẻ với bác sĩ để bác sĩ có thể đưa ra các chẩn đoán cũng như chỉ định được chính xác hơn.
– Luôn giữ bình tĩnh và đảm bảo không tự ý cho trẻ uống thuốc hay đưa vật vào miệng, khống chế cơn giật của con
– Đưa trẻ tới các cơ sở y tế để trẻ nhận được sự chăm sóc cũng như điều trị
– Chú ý tới chế độ ăn uống của trẻ, nên cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước cũng như ăn nhiều trái cây để tăng đề kháng.
Trẻ em là đối tượng yếu đuối và rất dễ gặp tổn thương. Bố mẹ cần luôn đề cao cảnh giác để hạn chế tình trạng ốm sốt và đặc biệt là khi trẻ bị sốt co giật. Nhi khoa Thu Cúc TCI luôn đồng hành cùng bố mẹ trong suốt chặng đường khôn lớn của con yêu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.