Bệnh Parkinson là bệnh lý về thần kinh, biểu hiện là người bệnh gặp khó khăn trong vận động, gây cản trở đến đời sống hàng ngày. Vậy điều trị bệnh Parkinson bằng cách nào, có khả thi không và bệnh nhân cần lưu ý gì?
Bạn đang đọc: Phương pháp điều trị bệnh Parkinson và các lưu ý
1. Các nhóm bệnh và triệu chứng của Parkinson
1.1. Phân loại các nhóm bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson hay còn được gọi là bệnh liệt rung, bệnh run tay chân. Bệnh xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa. Hệ quả là không thể kiểm soát được hoạt động của cơ bắp, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại, chân tay run cứng và cử động chậm chạp. Bên cạnh hạn chế vận động, bệnh nhân còn bị rối loạn chức năng nuốt. Kèm theo đó có thể gặp các triệu chứng như ít chớp mắt khiến mắt bị đỏ, viêm nhiễm, miệng không khép kín.
Bệnh Parkinson được phân loại thành 4 nhóm chính:
– Parkinson vô căn: là nhóm không xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng điển hình gồm: cứng khớp, di chuyển chậm chạp, chân tay run rẩy.
– Parkinson kết hợp với tình trạng thoái hóa hệ thống
– Parkinson mạch máu: nhóm bệnh này có sự liên quan đến khả năng cung cấp máu lên não bị hạn chế. Nhóm bệnh nhân nguy cơ thường là người bị mắc bệnh tiểu đường hoặc bị đột quỵ nhẹ.
– Parkinson do thuốc: một số loại thuốc là nguyên nhân gây ra bệnh run tay chân. Điển hình là thuốc điều trị tâm thần phân liệt và dopamine gây rối loạn hoạt động.
1.2. Triệu chứng điển hình của bệnh liệt rung
– Tính cách thay đổi: não chịu trách nhiệm về suy nghĩ, hành động và phản ứng với tình huống. Khi cơ thể bắt đầu có những thay đổi về tính cách như nổi nóng, cáu kỉnh, có thể là nguyên nhân sớm của bệnh Parkinson.
– Phối hợp hoạt động chậm chạp: là một trong những dấu hiệu rõ ràng của bệnh ở giai đoạn đầu. Các tư thế như quay đầu, quay người, buộc dây giày … sẽ làm với tốc độ chậm, có phần luống cuống.
– Suy giảm chức năng của khứu giác: bệnh nhân giảm cảm giác về mùi, khó phân biệt mùi của thực phẩm, tình trạng ngày càng trở nặng nếu không được điều trị.
– Các vấn đề về đường ruột: người bệnh thường bị táo bón hoặc các vấn đề tiêu hóa khác.
– Đau vai: tình trạng đau vai kéo dài, khi đã dùng thuốc cũng không hề thuyên giảm.
– Mệt mỏi: bệnh nhân Parkinson thường xuyên bị mệt mỏi.
– Một số trường hợp có biểu hiện thay đổi chữ viết hay giọng nói.
– Một số biểu hiện đặc trưng hơn như run nhẹ khi bệnh tiến triển, gặp khó khăn khi di chuyển, giấc ngủ rối loạn, liệt cơ mặt hoặc ngất xỉu.
– Rối loạn cảm giác như dễ thấy nóng bức, bứt rứt đứng ngồi không yên.
– Rối loạn thần kinh thực vật như phù, tím tái đầu các ngón tay chân, rối loạn chức năng dạ dày, rối loạn bàng quang…
– Rối loạn tâm thần như sa sút trí tuệ, trầm cảm …
Chân tay run cứng là biểu hiện đặc trưng của bệnh liệt rung
2. Các phương pháp điều trị bệnh Parkinson phổ biến hiện nay
2.1. Phương pháp 1 – Điều trị bệnh Parkinson bằng thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson gồm:
– Thuốc đồng vận dopamine: nhóm thuốc này có tác dụng kích thích trực tiếp các thụ thể dopamin.
– Thuốc thay thế dopamine: để bổ sung dopamine kịp thời như Madopar, Syndopa, Sinemer, … Trong quá trình sử dụng thuốc không dùng vitamin B6.
– Thuốc ức chế dị hóa dopamin
– Thuốc kháng tiết cholin
Những loại thuốc trên đây chỉ mang tính chất gợi ý, bệnh nhân không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ. Người bệnh nên uống thuốc với liều thấp, sau đó mới tăng dần và duy trì đều đặn. Khi muốn thay đổi liều lượng, bệnh nhân phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như khô miệng, tim đập nhanh, dị ứng, đau bụng, buồn nôn. Một số trường hợp còn bị lú lẫn, gặp ảo giác.
2.2. Phương pháp 2 – Điều trị bệnh Parkinson bằng phương pháp phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay là phẫu thuật định vị, kích thích điện vùng liềm đen, ghép mô thần kinh.
2.3. Phương pháp phục hồi chức năng
Một số biện pháp phục hồi chức năng dành cho bệnh nhân liệt rung có thể là:
– Vật lý trị liệu với mục đích tăng khả năng vận động, giảm rối loạn thăng bằng cho người bệnh.
– Phương pháp trị liệu ngôn ngữ: mục đích giảm rối loạn về nói và nuốt.
– Các bài tập yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh rất phù hợp với bệnh nhân parkinson trong việc cải thiện khả năng vận động.
Tìm hiểu thêm: Làm thế nào ngăn chặn bệnh Alzheimer?
Tập thái cực quyền, dưỡng sinh giúp cải thiện vận động cho người bệnh
3. Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân Parkinson
3.1. Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh Parkinson có gì đặc biệt?
Người bệnh parkinson nên ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, omega-3, tăng cường bổ sung trái cây và rau củ. Chế độ ăn uống nên hạn chế chất béo xấu, muối, đường và đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn. Người bệnh tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, rượu bia.
3.2. Tạo dựng không gian sống thoải mái, sạch sẽ và thông thoáng
Không gian sống đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh Parkinson. Người nhà chú ý chọn không gian mát mẻ, thoáng và có ánh sáng để người bệnh cảm thấy thoải mái.
Khi bệnh parkinson chuyển sang giai đoạn muộn người bệnh thường bị đãng trí nên không thể nhớ được vị trí đồ đạc trong nhà. Do đó tất cả đồ đạc nên sắp xếp ngăn nắp để người bệnh dễ dàng tìm kiếm.
3.3. Quan sát và ghi chép triệu chứng của bệnh nhân hàng ngày
Việc ghi chép lại các triệu chứng của người bệnh rất có ích trong quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ có những thông tin để đánh giá mức độ hiệu quả và đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp.
3.4. Kiên trì chăm sóc người bệnh
Bệnh run tay chân khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người sau một thời gian gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm. Do đó sự động viên và chăm sóc của người thân là vô cùng cần thiết.
Người nhà nên thay phiên ở bên cạnh trò chuyện, hỗ trợ bệnh nhân để việc điều trị có kết quả tích cực hơn. Bên cạnh đó, người thân cũng nên để mắt để tránh các chấn thương không đáng có.
>>>>>Xem thêm: Điều gì xảy ra khi cơ thể bạn bị mất ngủ kéo dài?
Bệnh nhân parkinson rất cần sự quan tâm tích cực từ người thân
Hiện tại bệnh Parkinson chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu được phát hiện sớm, người bệnh sẽ có kết quả điều trị tích cực, cuộc sống tương đối ổn định như những người khác. Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có những thông tin hữu ích để chăm sóc người bệnh. Nếu cần tư vấn và đặt lịch khám với chuyên gia nội thần kinh, bạn vui lòng liên hệ qua số điện thoại 1900 558892 để được hỗ trợ nhanh chóng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.