Bệnh Parkinson là một chứng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể. Các dấu hiệu bệnh Parkinson rất đa dạng như run chân tay, cứng cơ bắp, thay đổi giọng nói, giảm vận động… Cùng tìm hiểu các biểu hiện thường gặp của căn bệnh này để nhận diện và phát hiện bệnh sớm.
Bạn đang đọc: 10 dấu hiệu bệnh Parkinson thường gặp
1. Bệnh Parkinson là gì?
Parkinson là bệnh lý thần kinh xảy ra khi tế bào não bị thoái hóa. Lúc này, não không thể kiểm soát được sự vận động của các cơ bắp khiến người bệnh bị run chân tay, đi lại khó khăn, cử động chậm chạp,…
Bệnh Parkinson thường xảy ra ở nhóm người trên 60 tuổi. Hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh này, người bệnh chỉ có thể cải thiện tình trạng sức khỏe và trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh.
2. Các dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh Parkinson
Chính vì không thể chữa khỏi nên việc phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người bệnh Parkinson. Hãy nghĩ tới Parkinson nếu bạn hoặc người thân có các dấu hiệu dưới đây:
2.1 Run – Dấu hiệu bệnh Parkinson điển hình
Run là triệu chứng ban đầu và đặc trưng nhất của bệnh Parkinson. Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn run lẩy bẩy hoặc co giật nhẹ ở ngón tay, bàn tay, cổ tay hoặc bàn chân. Có trường hợp tình trạng run còn xảy ra ở lưỡi, môi và cằm. Ở giai đoạn đầu, bản thân người bệnh sẽ cảm nhận được biểu hiện này, nhất là vào lúc nghỉ ngơi.
Cơn run sẽ tăng lên khi căng thẳng, mệt mỏi, giảm đi khi vận động và biến mất khi đi ngủ. Biểu hiện thường thấy là cơn run mạnh khi đặt tay lên đùi hoặc lên mặt bàn nhưng giảm đi khi cầm cốc hoặc sách báo. Triệu chứng run ban đầu thường xuất hiện ở một bên của cơ thể và dần dần sẽ lan sang các bộ phận khác. Ban đầu chỉ người bệnh có thể cảm nhận được cơn run nhưng khi bệnh tiến triển nặng thì những người xung quanh sẽ nhìn thấy tình trạng run của người bệnh Parkinson.
2.2 Giảm vận động – Dấu hiệu bệnh Parkinson cần lưu tâm
Parkinson xảy ra chủ yếu ở độ tuổi trên 60. Lúc này, các cơ xương khớp của người bệnh đã thoái hóa và khiến các cử động chậm chạp hơn. Chính vì vậy khi xuất hiện triệu chứng này, người bệnh thường nhầm lẫn Parkinson với lão hóa cơ thể.
Biểu hiện cử động chậm chạp của tuổi già thường xuất hiện vào khi thức dậy sau đó họ vẫn có thể hoạt động bình thường. Còn ở người bệnh Parkinson, dấu hiệu này không biến mất mà ngày càng nghiêm trọng hơn.
Người bệnh Parkinson phối hợp động tác chậm, di chuyển khó khăn, bước đi ngắn, khó khăn khi lên xuống bậc thang,… Nguyên nhân là do các tế bào thần kinh điều khiển chức năng vận động bị suy giảm.
2.3 Rối loạn ngôn ngữ – Dấu hiệu bệnh Parkinson xuất hiện ở 90% bệnh nhân
Có tới 90% người bệnh Parkinson bị thay đổi giọng nói. Các biểu hiện thường thấy là giọng nói nhỏ, giọng khàn, bị nói lắp và nghe rõ tiếng thở. Ở giai đoạn đầu chủ yếu là thay đổi về tông giọng nên người bệnh khó phát hiện. Dần dần, người bệnh sẽ phát âm thì thào, khó để mở miệng và phát âm không rõ.
2.4 Giảm khứu giác
Mất mùi là một triệu chứng không liên quan đến vận động và có thể xuất hiện vài năm trước khi người bệnh bị ảnh hưởng vận động. Những biểu hiện về giảm khứu giác thường gặp là:
– Khó hoặc không phân biệt được giữa các mùi
– Khó xác định được mùi
– Cảm giác mùi không rõ ràng
Không phải người nào bị mất mùi cũng có nghĩa là họ mắc bệnh Parkinson. Nhưng có đến 60% bệnh nhân Parkinson gặp tình trạng giảm khứu giác.
2.5 Giảm biểu cảm trên khuôn mặt
Các biểu hiện trên khuôn mặt có liên quan đến các chuyển động cơ phức tạp. Do vùng não điều khiển vận động gặp vấn đề nên người bệnh Parkinson thường bị giảm khả năng biểu cảm trên khuôn mặt. Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy cứng mặt và khó chuyển động các cơ. Dần dần khuôn mặt sẽ trống rỗng, vô cảm và khó biểu đạt các cảm xúc vui, buồn. Người bị Parkinson hầu như luôn có vẻ mặt nghiêm túc kể cả khi họ vui vẻ hoặc giận dữ. Ngoài ra, người bệnh còn rất ít chớp mắt.
2.6 Các vấn đề về giấc ngủ
Tình trạng cứng cơ bắp khiến người bệnh thường bị khó ngủ hoặc mất ngủ. Dưới đây là các bất thường về giấc ngủ mà người bệnh hay gặp phải:
– Mất ngủ về đêm
– Chuyển động không kiểm soát khi ngủ: đá, vung tay, vung chân,… thậm chí là ngã khỏi giường
– Mộng du
– Khó trở mình khi ngủ
– Hay bị tỉnh giấc vào ban đêm và gặp ác mộng
Tìm hiểu thêm: Rối loạn tiền đình não là gì? Điều trị như thế nào?
2.7 Thăng bằng kém
Người bị Parkinson có xu hướng cúi về phía trước hoặc mất thăng bằng do mất trọng tâm cơ thể. Lúc này, người bệnh khó có thể đứng thẳng lại được dẫn đến bị gù.
2.8 Các vấn đề về tâm lý
Parkinson ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của người bệnh. Căn bệnh này sẽ gây ra những thay đổi về hành vi và tâm trạng. Nguyên nhân là do bệnh ảnh hưởng đến một số chức năng của não bộ, kết hợp với chất lượng cuộc sống bị giảm sút khiến cho người bệnh luôn cảm thấy thiếu tự tin. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp:
– Luôn cảm thấy lo lắng, có thể dẫn tới trầm cảm
– Sa sút trí tuệ
– Rối loạn tâm thần, xảy ra tình trạng lú lẫn
– Khả năng quyết định vấn đề bị giảm sút
– Khó khăn trong việc lập kế hoạch cũng như làm việc
2.9 Các vấn đề về tiêu hóa
Parkinson ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến người bệnh có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như khó nuốt hoặc táo bón. Táo bón là một triệu chứng không vận động phổ biến nhất của Parkinson.
Khi gặp các vấn đề về tiêu hóa và mất mùi, người bệnh thường ăn ít hơn, không có cảm giác thèm ăn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm cân ở người bệnh Parkinson.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân gây đau đầu kéo dài do đâu?
2.10 Thay đổi chữ viết
Người bệnh Parkinson thường gặp triệu chứng là cứng cơ bắp và khó khăn khi cử động các ngón tay. Điều này khiến chữ viết của người bệnh thường nhỏ hơn và sát nhau hơn.
Tóm lại, Parkinson là một căn bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh Parkinson và kịp thời can thiệp có thể làm giảm các triệu chứng và quá trình phát triển của bệnh.