Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng nhận thức và trí tuệ. Người bệnh thường có các triệu chứng như hay quên, lo lắng, buồn bã, mất tập trung. Các dấu hiệu sa sút trí tuệ có dễ nhận biết không và phòng ngừa sa sút trí tuệ bằng cách nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu sa sút trí tuệ và biện pháp phòng ngừa
1. Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng xã hội. Bệnh này không chỉ tác động đến sức khỏe, tâm lý, kinh tế người bệnh mà còn ảnh hưởng tới cả người chăm sóc họ.
Sa sút trí tuệ chủ yếu xảy ra đối với người cao tuổi, có thể là do quá trình lão hóa bình thường hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý. Bệnh Alzheimer là một điển hình của sa sút trí tuệ và chiếm khoảng 60% nguyên nhân gây bệnh.
2. Các dấu hiệu sa sút trí tuệ có ý nghĩa quan trọng để nhận diện bệnh
Chứng sa sút trí tuệ sẽ gây những ảnh hưởng khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tính cách của từng người bệnh. Các dấu hiệu ban đầu là thay đổi nhận thức, thay đổi tính cách, thay đổi hành vi và thay đổi tâm trạng. Dần dần những triệu chứng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài.
2.1 Dấu hiệu sa sút trí tuệ về nhận thức
– Người bệnh sẽ bị rối loạn nhận thức về thời gian và địa điểm. Ví dụ như lẫn lộn thời gian ngày và đêm, nửa đêm dậy đi làm, muốn ăn sáng vào buổi tối,…
– Khó khăn trong việc chọn đồ và thanh toán khi đi chợ, đi mua sắm.
– Mất hứng thú với các hoạt động, công việc mà họ đã từng rất yêu thích.
– Khó khăn để suy luận và đưa ra quyết định gì đó.
– Đứng ngồi không yên, tâm trạng bồn chồn, lo lắng.
– Ngủ nhiều, thói quen ngủ thất thường như ngày ngủ đêm thức.
– Có những hành vi tự phát không phù hợp như cởi quần áo, đi tiểu nơi công cộng, khóc hoặc cười không kiểm soát được.
2.2 Dấu hiệu sa sút trí tuệ về trí nhớ
– Tiếp nhận và ghi nhớ thông tin mới khó khăn.
– Hay quên, đồ vật để đâu không nhớ, quên tắt bếp, khóa cửa,…
– Hay bị lạc đường, không nhớ địa chỉ nhà và sai ký ức.
– Bị lạc ngay cả ở những nơi rất quen thuộc.
– Lẫn lộn giữa việc mình đã làm và chưa làm.
– Khó khăn trong việc nhớ và gọi tên người hoặc con vật.
– Không nhớ những chuyện mình đã từng nói.
2.3 Dấu hiệu sa sút trí tuệ về giao tiếp
– Khó khăn khi tìm từ ngữ để biểu hiện ý muốn nói
– Kể đi kể lại một câu chuyện vì không nhớ là mình đã nói
– Khó bắt chuyện và tham gia một cuộc trò chuyện với mọi người xung quanh
– Khả năng đọc và viết bị chậm
– Trở nên trầm tính, bi quan, tự ti và thu mình hơn.
– Tính cách thay đổi so với trước khi bị bệnh, hay cáu gắt, nóng tính.
– Thường xuyên bị kích động, hoang tưởng, nói dối,…
– Tính cách trẻ con, không quan tâm đến người khác.
– Tâm trạng lo lắng, phiền muộn, thậm chí là bị trầm cảm.
Tìm hiểu thêm: Khám đau đầu khi nào? Chẩn đoán bằng cách nào?
3. Nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng sa sút trí tuệ, trong đó có những tổn thương não gây mất trí nhớ tạm thời. Ngoài ra có thể kể đến các nguyên nhân sau:
– Bệnh Alzheimer: Đây là một bệnh mất trí nhớ, là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sa sút trí tuệ. Triệu chứng thường gặp là người bệnh hay nghi ngờ người khác.
– Sa sút trí tuệ vùng trán: Xảy ra khi các tế bào thần kinh hoặc sự kết nối tế bào thần kinh ở vùng thùy trán và thái dương bị thoái hóa. Điều này dẫn đến những thay đổi về hành vi và mất trí nhớ.
– Sa sút trí tuệ mạch máu: Đây là dạng sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai khi các mạch máu cung cấp máu cho não bị tổn thương. Cơn đột quỵ nhẹ hay nặng thì đều gây tổn thương cho não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy.
– Sa sút trí tuệ thể Lewy: Loại này gây ra những ảnh hưởng về trí nhớ và khả năng vận động. Một số triệu chứng thường gặp là mộng du, ảo giác, chậm chạp, run, cứng đơ, phối hợp chậm chạp.
– Chấn thương sọ não: Triệu chứng sẽ phụ thuộc vào tình trạng não bị tổn thương. Một vài triệu chứng như kích động, trầm cảm, mất trí nhớ, giao tiếp khó khăn.
– Bệnh của Pick: Bênh lý này sẽ gây ra những thay đổi về tính cách và người bệnh sẽ mất khả năng tự chăm sóc bản thân.
– Bệnh Parkinson: Thường gây ra sa sút trí tuệ ở giai đoạn muộn.
4. Phòng ngừa sa sút trí tuệ
Bệnh sa sút trí tuệ hiện tại vẫn chưa có cách nào để chữa khỏi, nên việc phòng ngừa là vô cùng quan trong. Xây dựng lối sống lành mạnh có thể giảm sự phát triển của bệnh. Các biện pháp bao gồm:
4.1 Cải thiện lối sống
– Hoạt động xã hội và thể chất: Việc tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp trì hoãn sự khởi phát và giảm triệu chứng của sa sút trí tuệ. Mỗi người nên rèn luyện thói quen tập thể dục mỗi ngày để cơ thể không bị thụ động.
– Bỏ thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn: Khói thuốc, rượu bia, chất kích thích là nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ.
– Nạp đầy đủ vitamin cơ thể: Thiếu vitamin D trong máu là nguy cơ dẫn đến mắc bệnh Alzheimer và suy giảm trí nhớ. Vì vậy bạn cần ăn nhiều các thực phẩm chứa vitamin D như hải sản, trứng, sữa,…Ngoài ra vitamin B và vitamin C cũng có tác dụng phòng ngừa chứng bệnh này.
– Ăn uống khoa học lành mạnh: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc và axit béo omega-3 vừa làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ vừa tốt cho sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Bị đau nửa đầu sau là bệnh gì và cách điều trị
4.2 Cải thiện trí não và bệnh lý
– Kiểm soát các yếu tố gây bệnh về tim mạch: Tiểu đường, huyết áp cao là các bệnh có nguy cơ gây đột quỵ cao.
– Thường xuyên rèn luyện trí não: Các hoạt động kích thích tinh thần tốt cho não bộ như: đọc sách, giải câu đố, chơi game trí tuệ. Hoạt động này vừa có thể rèn luyện trí não vừa trì hoãn sự phát triển của sa sút trí tuệ.
– Chất lượng giấc ngủ: Đảm bảo ngủ đủ tiếng và tâm trạng thoải mái trong giấc ngủ. Mất ngủ và thiếu ngủ sẽ khiến tinh thần suy yếu, là nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và não bộ trong đó có sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là một bệnh suy giảm trí nhớ, khiến người bệnh không thể tự kiểm soát suy nghĩ và hành vi của mình. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, nhiễm trùng hoặc tử vong. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ và khám sớm khi có các dấu hiệu sa sút về trí tuệ để phát hiện và điều trị kịp thời nhé.