Có 12 đôi dây thần kinh xuất phát từ não, mỗi dây thần kinh đảm nhận nhiệm vụ riêng. Các dây thần kinh sọ chui qua các lỗ của hộp sọ và phân nhánh vào các cơ ở đầu, mặt, cổ và cơ quan nội tạng. Khi một trong các dây thần kinh này gặp vấn đề (tổn thương) sẽ gây ra những loại bệnh khác nhau. Sau đây là một số bệnh lý điển hình của 12 dây thần kinh sọ não.
Bạn đang đọc: Bệnh lý điển hình của 12 dây thần kinh sọ não
1. Dây thần kinh số 1 – Dây thần kinh khứu giác
Đây là dây thần kinh sọ não bắt nguồn từ niêm mạc mũi, chui qua lỗ sàng xương bướm ở đáy não và hành khứu đi vào não. Dây thần kinh này đảm nhận cảm giác về các mùi khi ngửi.
Khi có rối loạn về ngửi có thể do viêm niêm mạc mũi, do polyp. Nếu mất hẳn cảm giác ngửi, có thể do có sự chèn ép của u, hoặc bị đứt do chấn thương.
2. Dây thần kinh số 2 – Dây thần kinh thị giác
Dây thần kinh thị giác được bắt nguồn từ các tế bào võng mạc, chui qua 2 lỗ thị giác vào sọ, điểm tận cùng là trung tâm thị giác ở vỏ não.
Dây thần kinh sọ não này dẫn truyền cảm giác về ánh sáng và các đồ vật về não.
Khi dây thần kinh thị giác bị teo sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Ngoài ra, nếu khối u đè vào dây thị giác sẽ sinh bệnh bán manh, chỉ nhìn thấy một bên mắt.
3. Dây thần kinh số 3 – Dây vận nhãn chung
Dây vận nhãn chung đi từ cuống đại não (trung não) chạy ra phía trước, vào ổ mắt. Có tác dụng vận động một số cơ mắt để đưa nhãn cầu lên xuống và vào trong. Khi dây thần kinh sọ não này bị tổn thương sẽ gây mắt lác ra ngoài.
Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số 3 thường do một số nguyên nhân như: viêm màng não, chảy máu ở cuống não, chấn thương nền sọ, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
4. Dây thần kinh số 4 – Dây thần kinh cảm động
Dây thần kinh cảm động bắt đầu từ trung não, chạy vào ổ mắt và chi phối cơ chéo to, vận động đưa mắt ra ngoài, xuống dưới. Khi dây thần kinh sọ não này bị tổn thương, mắt sẽ không đưa xuống thấp được.
Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số 4 cũng giống nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số 3.
5. Dây thần kinh số 5 – Dây thần kinh tam thoa
Dây thần kinh sọ não này xuất phá từ cầu não, chia thành 3 nhánh gồm: nhanh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới.
– Nhánh mắt và nhánh hàm trên nhận cảm giác ở vùng mắt, hốc mũi, da mí trên, trán, da đầu, phần trên hầu, các tuyến hạnh nhân.
– Nhánh hàm dưới nhận cảm giác 2/3 trước lưỡi và răng hàm dưới, tuyến nước bọt.
Khi gây thần kinh số 5 bị tổn thương sẽ gây mất cảm giác các phần dây phân nhánh, khiến bệnh nhân nhức đầu hoặc không cắn chặt, khiến hàm dưới kém vận động.
Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số 5 thường do tổn thương nền sọ, viêm đa dây thần kinh, bệnh zona thần kinh.
6. Dây thần kinh số 6 – Dây thần kinh vận nhãn ngoài
Xuất phát từ rãnh hành – cầu ra trước, vào ổ mắt và phân nhánh vào cơ thẳng ngoài, đưa nhãn cầu liếc ra ngoài.
Khi dây thần kinh sọ não này bị tổn thương sẽ khiến mắt bệnh nhân bị lác vào trong. Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số 6 giống nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh số 3.
Tìm hiểu thêm: Suy giảm trí nhớ ở người già cần lưu ý điều gì?
7. Dây thần kinh số 7 – Dây thần kinh mặt, vận động các cơ mặt
Xuất phát từ rãnh hành cầu, qua xương đá, lỗ ức – chũm, bám vào các cơ ở mặt, nhận cảm giác một số tuyến nước bọt, nước mắt.
Khi dây thần kinh số 7 bị liệt (còn được gọi là liệt mặt) sẽ có biểu hiện: lệch mặt về bên lành, nhân trung kéo về bên không liệt. Mắt bên liệt nhắm không kín nếu liệt dây thần kinh ngoại biên. Tình trạng liệt mặt có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, có người liệt rõ nhưng cũng có người liệt kín đào (chỉ nhìn rõ khi cười, há miệng, huýt sáo), ăn, uống nước hay bị rơi vãi hoặc đôi khi nói khó.
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 do: bị chảy máu não, tai biến mạch máu não, u não, viêm màng não, bệnh ở tai giữa, xương đá, do can thiệp sản khoa bằng Focxep, viêm đa dây thần kinh, Zona, liệt do bị đột ngột.
8. Dây thần kinh số 8 – Dây thần kinh thính giác
Gồm hai nhóm sợi. Phần ốc tai phụ trách nghe và phần tiền đình phụ trách giữ thăng bằng và tư thế.
Hai nhóm này hợp lại thành dây số 8, chui vào hộp sọ và tận cùng ở vỏ não.
Khi dây thần kinh số 8 bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến sức nghe và gây ra hội chứng rối loạn tiền đình (đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn).
Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh sọ não này có thể do: có u chèn ép, chấn thương sọ não, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch ở tiền đình – ốc tai, viêm màng não, viêm thận mạn, nhiễm độc, sỏi thạch nhĩ lạc chỗ, thiếu máu não, thoát vị đĩa đệm – thoái hóa đốt sống cổ gây thiếu máu não, viêm tai xương chũm,…
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh Alzheimer
9. Dây thần kinh số 9 – Dây thần kinh thiệt hầu
Dây thần kinh thiệt hầu xuất phát từ rãnh bên hành não, đi vào khoang hầu. Nó vận động các cơ vùng hầu, cảm giác 1/3 sau lưỡi. Dây thần kinh số 9 có đặc điểm là không bao giờ bị liệt riêng, chúng thường bị liệt kèm với 1 hoặc một vài dây thần kinh khác.
10. Dây thần kinh số 10 – Dây thần kinh phế vị
Đây là dây thần kinh thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể. Nó chi phối vận động, cảm giác của hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng (tim, phổi, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục).
Đi qua hộp sọ, cặp dây thần kinh số 10 đi xuống cổ, ngực và bụng. Đến ngực nó tách ra thành 2 nhánh quặt ngược lên vận động dây thanh âm. Khi dây thần kinh số 10 bị tổn thương, người bệnh thường bị sặc thức ăn lỏng, nghẹn thức ăn đặc, liệt dây quặt ngược nên sẽ nói giọng khàn.
Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh sọ não này có thể do các phẫu thuật vùng cổ, ngực, do khối u trung thất.
11. Dây thần kinh số 11 – Dây thần kinh gai sống
Xuất phát từ rãnh bên sau của hành não, chui qua hộp sọ, đi xuống phân nhánh, vận động cơ ức đòn chũm, cơ thang và cơ thanh quản. Khi bị tổn thương ở hành tủy thường liệt cả 3 cặp dây 9, 10, 11.
12. Dây thần kinh số 12 – Dây hạ thiệt (dưới lưỡi)
Dây thần kinh thần này xuất phát từ rãnh trước hành não, chui qua nền sọ vào vùng hàm hầu, chi phối vận động các cơ ở lưỡi. Liệt dây thần kinh số 12 sẽ khiến lưỡi đầy sang bên lành khi thè lưỡi ra. Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh sọ não này có thể do viêm màng não, vỡ xương nền sọ,…
Khi có dấu hiệu viêm dây thần kinh, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nội thần kinh hoặc khoa Thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.