Đột quỵ (tai biến mạch máu não) đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới. Căn bệnh này không chừa một ai nhưng thường dễ xảy ra hơn ở những đối tượng có nguy cơ cao. Vậy các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là gì và đối tượng nào có nguy cơ đột quỵ cao, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Các yếu tố nguy cơ và đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao?
1. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
1.1 Yếu tố nguy cơ đột quỵ không thể thay đổi
– Tuổi tác: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tai biến thường tăng theo lứa tuổi, đặc biệt là sau tuổi 50. Mức độ tích lũy yếu tố nguy cơ cũng tăng dần theo sự gia tăng của tuổi tác.
– Giới tính: Khi tuổi còn trẻ, phụ nữ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nam giới, thường liên quan đến những rủi ro khi mang thai và sau khi sinh, do các yếu tố nội tiết tố như sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Tuy nhiên càng lớn tuổi, tỉ lệ nam giới mắc bệnh càng cao. Các chuyên gia cho biết nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn trung bình khoảng 1,5 lần so với nữ giới.
– Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ bị tai biến cao hơn hẳn so với người da trắng.
– Tiền sử gia đình: Những người có cha mẹ bị tai biến có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường. Những người có yếu tố nguy cơ này cần chú ý theo dõi để dự phòng bệnh tốt hơn.
– Di truyền: Người sinh đôi cùng trứng có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao hơn gấp 5 lần người sinh đôi khác trứng mà trong đó đã có một người mắc bệnh.
1.2 Yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi
Bệnh cạnh những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi còn có các yếu tố có thể thay đổi mà việc thay đổi các yếu tố này sẽ góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa hoặc cải thiện bệnh đột quỵ.
Các yếu tố đó bao gồm:
– Tăng huyết áp
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ , đặc biệt đột quỵ chảy máu não. Tăng huyết áp gây tổn thương thành mạch kết hợp với sự hình thành và phát triển của các mảng các mảng xơ vữa, tạo huyết khối tắc mạch, các túi phình mạch nhỏ trong não, đây chính là nguyên nhân gây xuất huyết não.
Các nghiên cứu cho thấy nếu huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 95mmHg thì nguy cơ xảy ra đột quỵ tăng 3,1 lần ở nam và 2,9 lần ở nữ.
– Bệnh lý tim mạch
Rung nhĩ, bệnh tim do thấp, van tim nhân tạo… là những vấn đề tim mạch chủ yếu làm tăng nguy cơ tai biến. Trong đó, rung nhĩ được khẳng định là một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Cơ chế được giả định là do máu ứ lại trong tâm nhĩ trái hình thành huyết khối, huyết khối di chuyển lên não theo đường máu, gây tắc mạch não. Các thống kê cho thấy số ca đột quỵ liên quan đến rung nhĩ đã tăng gần gấp 3 lần trong 30 năm qua.
– Đái tháo đường
Nguy cơ gặp đột quỵ ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 2 lần người bình thường. Trong các trường hợp tử vong do bệnh nhân tiểu đường, khoảng 20% có biến chứng đột quỵ. Thậm chí các bệnh nhân tiền tiểu đường cũng nguy cơ bị đột quỵ não rất cao..
– Rối loạn lipid máu
Có mối quan hệ mật thiết giữa rối loạn lipid máu và đột quỵ. Việc tăng LDL cholesterol hay cholesterol toàn phần có thể làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa và cục máu đông, làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ thiếu máu cục bộ. Ngược lại nguy cơ đột quỵ giảm nếu HDL cholesterol tăng.
– Hút thuốc lá và sử dụng các chất gây nghiện
Hút thuốc quá nhiều, sử dụng và lạm dụng cocaine, heroin, amphetamine và thuốc lắc… có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết não.
– Béo phì
Béo phì có liên quan mật thiết đối với bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu…những yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ.
– Lười hoạt động thể lực
Thực tế cho thấy những người thường xuyên hoạt động thể chất có nguy cơ đột quỵ và tử vong do đột quỵ thấp hơn những người không hoạt động. Nguyên nhân có thể do việc hoạt động thể chất sẽ giúp giảm huyết áp, cải thiện bệnh tiểu đường và giảm trọng lượng cơ thể.
– Rượu
Uống rượu với liều lượng phù hợp mức độ nhẹ đến trung bình (tối đa 2 ly/ngày ở nam giới và tối đa một ly/ngày ở phụ nữ) có thể bảo vệ hệ tim mạch, thần kinh, giảm nguy cơ đột quỵ. Ngược lại nếu uống rượu quá nhiều thì có thể làm tăng nguy cơ mất kiểm soát huyết áp, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Tìm hiểu thêm: Những điều có thể bạn chưa biết về bệnh parkinson người già
2. Những ai dễ bị đột quỵ?
Từ các yếu tố nguy cơ kể trên, có thế thấy các nhóm đối tượng dễ bị đột quỵ bao gồm:
– Người cao tuổi
– Nam giới
– Tiền sử gia đình có người đã từng bị đột quỵ
– Người ít vận động thể chất, lười rèn luyện sức khỏe
– Người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc
– Ít ăn rau xanh, thường xuyên dùng đồ ăn có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao
– Người mắc các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì
3. Phòng tránh đột quỵ khi có các yếu tố nguy cơ như thế nào?
Việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ có góp phần quan trọng vào việc phòng tránh tai biến. Sau đây là những việc bạn cần làm nếu có các yếu tố nguy cơ:
– Theo dõi, điều trị hiệu quả nếu đang mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,…
– Luyện tập thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm các nguy cơ
– Chú ý chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, hoa quả, giảm cholesterol, giảm mặn,…
– Chủ động tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ qua đó ngăn chặn sớm, đặc biệt là những đối tượng có tiền sử gia đình có người đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý nền nguy cơ như: tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ… Thông qua sàng lọc sớm nguy cơ đột quỵ có thể giúp bạn có hướng xử lý phòng bệnh xuất hiện đột ngột.
>>>>>Xem thêm: Đừng lơ là trước những DẤU HIỆU zona thần kinh ở trẻ em
Tóm lại, đối với những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao, việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe, thay đổi lối sống là vô cùng cần thiết giúp ngăn ngừa đột quỵ xảy ra và gây nguy hiểm tới sức khỏe. Khi thấy các dấu hiệu bất thường như đột nhiên yếu liệt mặt, tay chân, méo miệng, giảm thị lực,… hãy gọi cấp cứu ngay hoặc đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời.