Sốt xuất huyết là có thể mang tới nhiều hệ lụy cho người bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và có khả năng gây nhiều biến chứng. Cùng tìm hiểu thông tin về bệnh và cách chữa bệnh sốt xuất huyết qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Chi tiết cách chữa bệnh sốt xuất huyết
1. Sốt xuất huyết: Khi nào điều trị tại nhà, khi nào điều trị ở viện?
Triệu chứng lâm sàng của người mắc bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, có thể từ không triệu chứng, mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng, thâm chí nguy kịch và tử vong. Tùy từng mức độ bệnh mà người bệnh sẽ được điều trị tại nhà hoặc ở cơ sở y tế.
1.1 Điều trị tại nhà trong trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhẹ
Ở mức độ này, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Trạng thái mệt mỏi nhiều kèm theo các triệu chứng như đau đầu dữ dội vùng trán, đau hốc mắt, mỏi cơ, đau khớp, nổi ban sẩn hoặc ban xuất huyết ngoài da… cũng là những triệu chứng của bệnh nhân sốt xuất huyết giai đoạn này.
Bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh thường được chỉ định theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà. Các biện pháp chăm sóc tại nhà gồm nghỉ ngơi, chườm mát, nếu sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol. Ngoài ra, cần bù dịch, điện giải bằng cách uống nhiều oresol hoặc nước hoa quả. Nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin và chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.
1.2 Điều trị ở bệnh viện trong khi bị sốt xuất huyết nặng
Người bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi sát sao, nếu có các dấu hiệu vật vã, mệt mỏi lừ đừ, li bì, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ban xuất huyết nhiều ngoài da, nôn nhiều, đau bụng, gan to, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, cần nhập viện ngay để theo dõi điều trị nội trú.
Ở mức độ nặng, người bệnh sẽ có biểu hiện xuất huyết và sốc, cần được theo dõi, điều trị tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện.
Các dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết gồm:
– Sốc tụt huyết áp
– Tràn dịch màng tim, phổi hoặc bụng
– Xuất huyết nặng toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, ho ra máu, đi tiểu ra máu, xuất hiện máu tụ lớn trong các khối cơ
– Suy hô hấp, suy các tạng như tim, gan, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.
2. Các cách chữa bệnh sốt xuất huyết phổ biến
Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị bệnh sốt xuất huyết. Tùy từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân mà có thể áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng sau:
2.1 Cách chữa bệnh sốt xuất huyết bằng thuốc hạ sốt
Paracetamol là loại thuốc thường dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C và có biểu hiện đau nhức cơ. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng 10 – 15mg/kg/lần. Thời gian uống cách nhau 4 – 6 giờ và tổng không quá 60 mg/kg trong vòng 24h.
Lưu ý quan trọng đối với bệnh nhân sốt xuất huyết là tuyệt đối không hạ sốt bằng thuốc aspirin hay ibuprofen vì các loại thuốc này sẽ khiến cho tình trạng chảy máu trở nên trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa tính mạng người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về chu kỳ của sốt xuất huyết
Paracetamol là loại thuốc thường được dùng khi bệnh nhân bị sốt trên38,5 độ C.
2.2 Cách chữa bệnh sốt xuất huyết với phương pháp bù dịch
Người bị sốt xuất huyết thường gặp tình trạng mất nước nên cần được bù lại lượng dịch đã mất. Đặc biệt, những trường hợp bị sốc Dengue cần được bù dịch khẩn cấp vì lúc này tính thấm thành mạch tăng có thể gây thoát huyết tương và sốc. Việc bù dịch kịp thời sẽ giúp tránh được nguy hiểm cho người bệnh.
Hai cách bù dịch phổ biến cho người bị sốt xuất huyết gồm:
– Bù dịch bằng đường uống
Đây là biện pháp quan trọng giúp hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết Dengue trong những trường hợp bệnh ở thể nhẹ.
Cách bù dịch thông qua đường uống thường dùng nhất là dùng nước sôi để nguội và dung dịch oresol.
Với dung dịch oresol, cần đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng pha trước khi uống. Tuyệt đối không pha ít hơn liều lượng được chỉ định. Vì làm như vậy có thể gây rối loạn điện giải, mất nước các tế bào, khiến người bệnh bị hôn mê, co giật, tổn thương não,… Cũng không pha quá loãng vì như vậy lượng muối được bù lại ít hơn với lượng nước, làm giảm hiệu quả bù dịch và muối.
Dung dịch sau khi đã pha cần được dùng hết trong 24 giờ và uống rải rác, không uống liên tục. Dung dịch đã pha không bảo quản trong tủ lạnh, không đun sôi, cũng không được pha chung với bất kỳ loại nước nào khác ngoài nước lọc hoặc nước sôi để nguội.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể bù dịch bằng cách uống nước trái cây hoặc nước cháo loãng pha cùng chút muối.
– Bù dịch bằng cách truyền đường tĩnh mạch
Truyền đường tĩnh mạch là biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết thể nặng, khi không thể bù dịch đường uống, người bệnh bị nôn nhiều, lừ đừ, có biểu hiện mất nước, tăng hematocrit nghiêm trọng.
Bác sĩ thường sẽ cân nhắc truyền dịch NaCl 0.9%, Ringer lactat. Thời gian truyền dịch cho bệnh nhân không được vượt quá 24 – 48 giờ.
Khi mạch và huyết áp của bệnh nhân đã ổn định trở lại, người bệnh đi tiểu nhiều thì cần ngừng truyền dịch qua tĩnh mạch. Sau khi đã hết sốc khoảng 24 giờ, người bệnh không cần bù dịch nữa.
Thực tế, có nhiều người bệnh cũng tự ý truyền đạm hay dịch muối tại nhà để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên làm như vậy việc này có thể dễ dẫn đến thừa dịch, phù nề, gây suy hô hấp, phù phổi cấp, sốc dị ứng đe dọa tính mạng.
>>>>>Xem thêm: Dịch bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh hiệu quả
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên uống nhiều nước, oresol để bù dịch. Nếu bệnh nhân không ăn uống được, nôn nhiều thì cần bù dịch bằng đường truyền tĩnh mạch.
Trên đây là nhưng thông tin về bệnh và cách chữa bệnh sốt xuất huyết. Các biện pháp trên chỉ mang tính tham khảo và cần được áp dụng linh hoạt trong từng trường hợp. Ngay khi nghi ngờ sốt xuất huyết, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng đắn. Nếu có nhu cầu thăm khám hoặc tư vấn cách điều trị sốt xuất huyết, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được chúng tôi tư vấn và hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.