Dấu hiệu viêm đại tràng thường gặp mà bạn cần biết

Viêm đại tràng là bệnh lý tiêu hóa có nhiều biểu hiện phức tạp, gây phiền toái đến sinh hoạt và công việc – học tập. Dấu hiệu viêm đại tràng rất đa dạng, thông thường người bệnh sẽ có cảm giác đau tức bụng, đại tiện bất thường, mệt mỏi, sụt cân nhanh. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh qua bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

Bạn đang đọc: Dấu hiệu viêm đại tràng thường gặp mà bạn cần biết

1. Tổng quan về đại tràng và bệnh viêm đại tràng

Đại tràng là một bộ phận quan trọng thuộc hệ thống đường ruột. Cơ quan này có chức năng chứa và đào thải các chất cặn bã của quá trình tiêu hóa thức ăn từ ruột non. Đại tràng sẽ hấp thụ một phần nước từ các chất cặn bã trước khi chúng được thải ra ngoài.

Đại tràng được chia thành hai đoạn gồm bên phải và bên trái với chức năng tiêu hóa riêng biệt. Đại tràng phải có vai trò lưu giữ thức ăn, tái hấp thu triệt để nước và cellulose chưa được tiêu hóa.

Khi đến đại tràng trái, hầy như mọi thành phần của thức ăn đều đã được tiêu hóa. Lúc này các vi khuẩn thực hiện phân hủy gây ra hiện tượng thối rữa và sau đó hình thành phân, xuống đại tràng sigma đến trực tràng và đào thải ra ngoài cơ thể.

Đại tràng là nơi hình thành và đào thải phân khiến các vi sinh vật có điều kiện thuận lợi phát triển và gây bệnh. Do đó, cơ quan này cũng đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý, tổn thương.

Một trong các bệnh lý đại tràng thường gặp nhất hiện nay là viêm đại tràng. Bệnh là quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng ở nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ của bệnh khiến niêm mạc đại tràng kém bền vững và dễ chảy máu. Với mức độ nặng, niêm mạc xuất hiện các vết loét, xung huyết, xuất huyết hoặc có thể hình thành các ổ áp-xe nhỏ.

Dấu hiệu viêm đại tràng thường gặp mà bạn cần biết

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm đại tràng có thể tiến triển mạn tính, gây biến chứng giãn, thủng, ung thư đại tràng

2. Nguyên nhân viêm đại tràng

Viêm đại tràng được chia thành hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau.

Các nguyên nhân viêm đại tràng cấp tính gồm:

– Ngộ độc thực phẩm, dị ứng với các loại thức ăn nạp vào cơ thể.

– Ăn hoặc uống các loại thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Một số loại vi sinh vật phổ biến có thể kể đến như:

Các ký sinh trùng gây bệnh thường gặp nhất là lỵ amip, giun đũa, giun tóc, giun kim,…

Các loại vi khuẩn: Shigella – lỵ trực khuẩn, Salmonella – vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn E. coli,…

Siêu vi Rotavirus (chủ yếu gặp ở trẻ em mắc viêm đại tràng).

Nhiễm nấm cũng là một trong các nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp, đặc biệt là nấm Candida.

– Nguyên nhân từ các bệnh lý tự miễn.

– Viêm đại tràng cấp tính còn liên quan đến một số yếu tố nguy cơ khác như: táo bón kéo dài, căng thẳng, lạm dụng thuốc kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột,…

Trong khi đó, viêm đại tràng mạn tính thường xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị triệt để. Ngoài ra, một số trường hợp viêm đại tràng mạn tính không xác định được nguyên nhân gây bệnh.

3. Dấu hiệu viêm đại tràng

3.1. Dấu hiệu viêm đại tràng cấp tính là gì?

Các triệu chứng của viêm đại tràng được bộc lộ tùy theo tác nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

– Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip: Người bệnh đau bụng từng cơn và liên tục buồn đại tiện. Tuy nhiên mỗi lần đại tiện chỉ có một ít phân, phân có lẫn máu và chất nhầy.

– Viêm đại tràng cấp do lỵ trực khuẩn Shigella: Bệnh gây các triệu chứng đau bụng, sốt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Phân có lẫn máu, màu như máu cá. Vì số lần đi ngoài phân lỏng quá nhiều, người bệnh có nguy cơ mất nước và chất điện giải, từ đó dẫn đến trụy tim mạch.

– Viêm đại tràng cấp tính do các nguyên nhân khác: Triệu chứng chủ yếu là đau bụng, đau từng đoạn hoặc dọc theo khung đại tràng. Người bệnh có thể bị đau do các cơn co thắt đại tràng, có khi gây cứng bụng. Tình trạng tiêu chảy xảy ra đột ngột, phân toàn nước và có thể lẫn máu, nhầy. Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, thậm chí suy nhược, sụt cân nhanh.

Tìm hiểu thêm: Xem mổ ruột thừa bên nào, nên mổ nội soi hay mổ mở?

Dấu hiệu viêm đại tràng thường gặp mà bạn cần biết

Đau bụng, rối loạn đại tiện là các triệu chứng thường gặp của viêm đại tràng

3.2. Dấu hiệu viêm đại tràng mạn tính là gì?

Các biểu hiện của viêm đại tràng mạn tính được chia thành 3 thể căn cứ vào sự phối hợp các triệu chứng:

– Thể tiêu chảy và đau bụng: Người bệnh thấy đau bụng từng cơn, kèm theo buồn đại tiện. Sau mỗi lần đi ngoài thì cảm giác đau sẽ giảm và dễ chịu hơn. Trung bình người bệnh đi ngoài 3 – 4 lần/ngày, thường vào buổi sáng khi ngủ dậy và sau các bữa ăn. Phân lần đầu có thể đặc nhưng không thành khuông, những lần sau phân lỏng, nhầy, nát hoặc sống. Tình trạng đi ngoài giảm vào buổi chiều và thường không xuất hiện vào ban đêm.

– Thể táo bón và đau bụng: Người bệnh gặp triệu chứng đau bụng kèm táo bón, phân cứng, khô và ít. Thể này thường gặp ở người cao tuổi và nữ giới.

– Thể tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau từng đợt: Từng đợt tiêu chảy nối tiếp với một đợt táo bón, bụng thường đầy hơi, diễn biến trong nhiều năm.

4. Viêm đại tràng được chẩn đoán bằng cách nào?

Để chẩn đoán viêm đại tràng cấp, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu phân để kiểm tra, nuôi cấy, phân lập xác định vi khuẩn. Trong trường hợp cần thiết, nội soi đại tràng sigma và trực tràng có thể được chỉ định thực hiện.

Với viêm đại tràng mạn tính, các phương pháp chẩn đoán được ứng dụng phổ biến gồm có:

– Chụp đại tràng có thuốc cản quang, lúc này đại tràng cần đảm bảo đã được làm sạch.

– Nội soi và sinh thiết đại tràng giúp xác định mức độ và nguyên nhân gây bệnh.

– Trường hợp viêm đại tràng mạn tính nghi ngờ do nhiễm khuẩn cần xét nghiệm phân hoặc mảnh sinh thiết nhằm tìm tác nhân gây bệnh.

5. Điều trị viêm đại tràng

Nguyên tắc chung trong điều trị viêm đại tràng bao gồm:

– Tiến hành điều trị sớm nhằm tăng hiệu quả điều trị, chặn đứng các biến chứng.

– Xác định nguyên nhân gây bệnh từ đó lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.

– Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa kết hợp với ngoại khoa.

– Kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh để hỗ trợ hiệu quả điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát.

Sau đây là các hướng điều trị cụ thể đối với bệnh viêm đại tràng:

5.1. Điều trị nội khoa

– Người bệnh có thể được chỉ định dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, các thuốc kháng nấm, chống ký sinh trùng để loại bỏ tác nhân gây bệnh.

– Các thuốc điều trị triệu chứng như: thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc chống loạn khuẩn, thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt,…

– Người bệnh cần được bồi hoàn nước và chất điện giải, ngăn chặn nguy cơ trụy tim mạch.

Dấu hiệu viêm đại tràng thường gặp mà bạn cần biết

>>>>>Xem thêm: 6 bệnh tiêu hóa ở trẻ em phổ biến và cách phòng tránh

Việc điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, điều độ

5.2. Điều trị ngoại khoa

Trường hợp bệnh diễn tiến nặng nề có thể cần phẫu thuật cắt bỏ đại tràng. Tuy nhiên việc phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột cũng như tâm lý của người bệnh. Thông thường, các trường hợp cần can thiệp ngoại khoa có thể kể đến như: polyp đại tràng, ung thư đại tràng.

5.3. Kết hợp chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học

Người bệnh cần điều trị chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống sao cho hợp lý, kết hợp vận động thể lực. Đồng thời, người bệnh chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.

– Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa,…

– Tránh sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia), cà phê, các loại trà,…

– Luyện tập thể dục – thể thao và vận động thường xuyên rất có lợi cho hoạt động tiêu hóa, tăng sức đề kháng tốt cho quá trình hồi phục.

– Với người bệnh có triệu chứng táo bón: Giảm chất béo và tăng chất xơ trong khẩu phần ăn, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

– Với người bệnh bị tiêu chảy: Giảm chất xơ, không ăn rau sống, trái cây khô. Khi ăn trái cây tươi nên gọt vỏ, đồng thời người bệnh có thể ăn trái cây xay nhừ.

6. Cần làm gì để phòng ngừa viêm đại tràng?

– Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng các loại thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ.

– Ăn các thực phẩm tốt cho đại tràng như: gạo, thịt nạc, cá, rau củ quả (đặc biệt là các loại quả giàu kali như chuối, đu đủ),… Không nên ăn quá no trong một bữa, nhất là bữa tối, thay vào đó có thể chia nhỏ các bữa ăn.

– Luôn ăn chín uống sôi, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, gỏi, rau sống, nem chua,… Không uống sữa tươi chưa tiệt trùng, không uống nước đá chưa được tiệt khuẩn trước khi làm đông.

– Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, gia vị chua cay.

– Không dùng đồ uống có cồn, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác.

– Uống đủ nước mỗi ngày, cung cấp đủ muối khoáng và các vitamin cần thiết cho cơ thể.

– Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh.

– Tránh dùng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm kéo dài.

– Tránh tâm lý căng thẳng, lo lắng, nên tập cách thư giãn, giữ tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ.

– Thường xuyên vận động, tập thể dục – thể thao như chạy bộ, đạp xe, bơi lội,…

Như vậy, các dấu hiệu viêm đại tràng, nguyên nhân gây bệnh, cách chẩn đoán và điều trị đã được cung cấp trong bài viết trên đây. Qua các thông tin này, mong rằng bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh lý viêm đại tràng cũng như nắm được các giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *