Nếu trước đây, người trung niên, cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, mới là những đối tượng nguy cơ cao bị đột quỵ thì những năm gần đây, đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng. Đột quỵ ở giới trẻ có nguy hiểm không, có các yếu tố nào làm gia tăng tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu về tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Đột quỵ ở giới trẻ: Các yếu tố nguy cơ không thể xem nhẹ
1. Đột quỵ gia tăng ở giới trẻ
Đột quỵ vốn là tình trạng ngưng cung cấp máu đột ngột cho não. Thuộc nhóm bệnh cấp tính, bệnh diễn tiến nhanh, gây ra biến chứng nặng nề và là mối đe dọa nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của mọi người. Đây là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu thế giới và nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở Việt Nam.
Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở những người là trên 60 tuổi. Nhưng hiện nay, những trường hợp nhập viện vì đột quỵ ở những người trẻ (dưới 40 tuổi) hoặc rất trẻ (dưới 35 tuổi) ngày càng nhiều. Không ít trường hợp thanh niên mới trên 20 tuổi đã bị đột quỵ. Một thống kê nhanh ở Việt Nam gần đây cho thấy, gần 10% số bệnh nhân đột quỵ là dưới 44 tuổi.
2. Đột quỵ ở người trẻ có gây nguy hiểm không?
Điều nguy hiểm nhất trong bệnh cảnh đột quỵ ở người trẻ là phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn, làm mất đi thời gian điều trị vàng. Cấp cứu đột quỵ càng muộn thì nguy cơ biến chứng càng nặng nề, sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân càng trở nên nguy hiểm. Không ít bệnh nhân đột quỵ trẻ là lao động chính trong nhà, khi gặp phải biến chứng thì mất đi khả năng lao động, thậm chí không thể độc lập trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.
Đột quỵ đang là vấn đề đáng báo động ở các bạn trẻ, cần được nhận thức đúng đắn và phòng ngừa, nâng cao sức khỏe nói chung và kiểm soát yếu tố nguy cơ gây biến chứng nói riêng.
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở giới trẻ
Nếu như nguyên nhân gây đột quỵ ở người lớn tuổi thường do tình trạng thoái hóa, suy yếu của cơ thể do tuổi tác như hẹp mạch máu não, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu não thì nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ thường chủ yếu do:
– Dị dạng mạch máu não, điển hình là thông động tĩnh mạch, phình động mạch não, u mạch,…
– Bệnh lý tim mạch liên quan van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý về đông máu, huyết khối tim mạch,…
4. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng căn bệnh này ở người trẻ
Khác với người già, các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở người trẻ thường xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh, những áp lực trong cuộc sống và tình trạng các bệnh lý ngày càng trẻ hóa.
4.1 Lối sống không lành mạnh làm gia tăng đột quỵ ở giới trẻ
Giới trẻ hiện nay thường quen với lối sống thụ động, rất lười vận động. Họ thường dành thời gian cho cuộc sống, công việc, để giải trí như xem phim, sử dụng mạng xã hội,… nhưng lại không để tâm đến các hoạt động thể chất. Trong khi đó, đây lại là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Theo các nghiên cứu, tỉ lệ bị đột quỵ ở những người ít vận động cao hơn 20% so với những người vận động thường xuyên.
Bên cạnh đó, các lối sống không lành mạnh khác cũng có thể tác động làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, thúc đẩy sự hình thành cục máu đông gây thiếu máu lên não và đột quỵ gồm: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chất kích thích,… Không phải tất cả các trường hợp sinh hoạt không lành mạnh đều dẫn tới đột quỵ. Nhưng đây là vẫn là yếu tố rất nguy hiểm, đặc biệt là với những người trẻ tuổi.
Tìm hiểu thêm: Bệnh đau thần kinh tọa có chữa khỏi không?
4.2 Tình trạng stress, căng thẳng thường xuyên
Stress, căng thẳng là vấn đề rất phổ biến và đáng báo động ở giới trẻ. Đây thường là hậu quả của lối sống hiện đại và gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe, góp phần thúc đẩy các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có biến chứng đột quỵ.
Một nghiên cứu tại Anh cho thấy những người làm việc trên 55 giờ mỗi tuần, chịu căng thẳng và áp lực thường xuyên có nguy cơ đột quỵ cao hơn 30% so với người bình thường.
Tình trạng này ở giới trẻ có thể đến từ những áp lực của công việc, học tập, cuộc sống xã hội và gia đình. Việc chủ động cân bằng tâm lý, giải tỏa stress sẽ giúp cho người bệnh tránh được nguy cơ đột quỵ.
4.3 Tình trạng mất ngủ có thể gây đột quỵ ở giới trẻ
Mất ngủ là bệnh lý thường xảy ra ở người cao tuổi trên 60. Tuy nhiên hiện nay không ít người trẻ hiện nay cũng gặp phải vấn đề này. Nguyên nhân thường do áp lực công việc, học tập,… Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài trên 1 tháng, tần suất mất ngủ khoảng 3 lần/tuần (mất ngủ mạn tính) thì dù điều trị và nghỉ ngơi tốt, người trẻ cũng rất khó phục hồi.
Mất ngủ kéo dài không chỉ gây nhiều khó chịu trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi thúc đẩy các bệnh lý như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, béo phì,…
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm thiếu máu não gồm những phương pháp nào?
4.4 Sự trẻ hóa của các bệnh mạn tính và hội chứng chuyển hóa
Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 62% tổng trường hợp bị đột quỵ có liên quan đến các hội chứng chuyển hóa. Nếu các hội chứng chuyển hóa này kết hợp với các bệnh mạn tính thì nguy cơ đột quỵ là rất cao.
Các bệnh lý như tiểu đường type 2, tăng huyết áp,… là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển mảng xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông. Điều này gây tắc nghẽn mạch máu não và gây ra đột quỵ. Đáng nói là lối sống hiện đại, mất cân bằng dinh dưỡng khiến các bệnh mạn tính và rối loạn chuyển hóa ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.
4.5 Tâm lý chủ quan
Độ tuổi 20 – 30 được đánh giá là giai đoạn giàu sức khỏe, năng lượng, ít bệnh tật nhất của con người. Cũng vì thế mà ở trong độ tuổi này, người trẻ thường có tâm lý chủ quan, ít phòng ngừa, tầm soát và điều trị loại bỏ nguy cơ dẫn tới đột quỵ. Tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, phần lớn do sự chủ quan của giới trẻ. Để cải thiện thực trạng này, các chuyên gia khuyên người trẻ nên tầm soát đột quỵ từ sớm.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh đột quỵ ở giới trẻ và những yếu tố nguy cơ khiến bệnh ra tăng. Xây dựng lối sống lành mạnh để thay đổi các yếu tố nguy cơ và thường xuyên thăm khám sức khỏe là biện pháp hiệu quả phòng tránh đột quỵ khi còn trẻ.