Theo thống kê chưa đầy đủ, số ca đột quỵ ở người trẻ tuổi chiếm khoảng 12-20% tổng các ca đột quỵ. Có nhiều người mới chỉ 20 tuổi hoặc thậm chí trẻ hơn cũng bị đột quỵ, đây không còn là bệnh của riêng người cao tuổi. Tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng, nguyên nhân có thể đến từ các thói quen “xấu” trong cuộc sống sau đây.
Bạn đang đọc: Đột quỵ ở người trẻ tuổi do 7 thói quen xấu
1. Sử dụng đồ uống có gas trong thời gian dài
Nước ngọt có gas hoặc các đồ uống có chứa nhiều gas là một loại thức uống gồm: nước, cacbon dioxide bão hòa, chất làm ngọt và hương liệu. Loại nước này sẽ làm giảm hấp thu canxi và các khoáng chất, nhưng lại rất dễ “gây nghiện” với cả người lớn và trẻ em.
Nước giải khát có gas có chứa một lượng caffein nhất định, có tác dụng kích thích hệ thần kinh dễ gây nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch, đột quỵ. Với những người bình thường, lượng caffein này có thể giúp tinh thần tỉnh táo và nhiều năng lượng. Với những người nhạy cảm với caffein, lượng caffein này có thể gây kích thích hệ thần kinh trung ương. Nếu tiêu thụ với một lượng lớn, có thể gây tình trạng: bồn chồn, lo lắng, đau đầu, đau bụng, khó tập trung, khó ngủ, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, mất nước.
Ngoài ra, nước ngọt có gas có chứa nhiều đường, nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng lượng đường máu, tăng tình trạng kháng insulin dễ mắc mắc bệnh tiểu đường – đây là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở giới trẻ.
2. Thức khuya và căng thẳng
Thức khuya, công việc căng thẳng dễ khiến hệ thần kinh bị “kiệt sức”, tiết ra nhiều hormone adrenaline làm rối loạn hệ thần kinh thực vật và ảnh hưởng đến thần kinh não bộ.
Hiện nay, rất nhiều người trẻ tuổi có thói quen sử dụng điện thoại khi lên giường đi ngủ. Việc sử dụng điện thoại khuya (lướt facebook, đọc truyện, chơi game, xem phim,…) có thể gây hội chứng rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ngủ nhiều), rối loạn tâm thần, thiếu máu não làm tăng nguy cơ đột quỵ.
3. Hút thuốc và nghiện rượu gây đột quỵ ở người trẻ
3.1 Hút thuốc lá, thuốc lào làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Hút thuốc lá, thuốc lào, uống bia rượu là một trong những thói quen không tốt, gây tổn hại đến sức khỏe của bạn.
Theo báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ, khói thuốc lá có chứa khoảng 7000 loại hóa chất độc hại, trong đó 69 chất gây ung thư. Các chất độc tiêu biểu có trong thuốc lá như: nicotine, hắc tín (tar), carbon monoxide (CO), benzene, nitrosamines, ammonia, formaldehyde, hydrogen cyanide, … Trong đó, được nhắc nhiều nhất là Nicotine – đây là chất gây nghiện, sau khi hút khoảng 10 giây sẽ được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ. Nicotine khi vào cơ thể sẽ làm tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp, tổn thương mạch máu.
Khi CO trong khói thuốc khi hấp thụ vào máu sẽ gắn chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, làm giảm nồng độ oxy trong máu, khiến máu trở nên đăc hơn, tăng áp lực cho tim, hình thành các mảng xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ não, các bệnh lý về tim mạch điển hình là nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi. Các chất hóa học độc hại khác sẽ tích tụ lâu ngày gây ung thư phổi. Thống kê cho thấy, khoảng 50% bệnh nhân bị đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá.
Tìm hiểu thêm: Chủ động phòng tránh bệnh lý rối loạn tiền đình tái phát
3.2 Nghiện bia, rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Theo thống kê, mỗi năm một người Việt khi trưởng thành tiêu thụ khoảng 8,3 lít cồn tương đương 470 chai bia. Trong đó, khoảng 48% thanh niên từ 14 -17 tuổi có tiền sử uống bia rượu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu bia ở người Việt ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Uống bia rượu làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý chảy máu não gây đột quỵ não ở bệnh nhân trẻ tuổi. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như gan mật, tim mạch, dạ dày,…
4. Béo phì và lười vận động làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Ăn uống không điều độ, ít vận động dễ khiến nhiều người trẻ tại Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng dư cân, béo phì. Theo nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có yếu tố thừa cân (chỉ số BMI>30). Dư cân, béo phì dễ kéo theo nhiều bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường và dẫn tới đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Hiên nay, nhiều bậc phụ huynh hay cho con mình sử dụng điện thoại nhiều, ít vận động, những người làm công việc văn phòng phải ngồi trước màn hình máy tính lâu, ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao – đây chính là yếu tố khiến các chất dinh dưỡng trong cơ thể không được chuyển hóa, lâu ngày gây dư cân, béo phì ở giới trẻ.
5. Ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ
Mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến ở nhiều người trẻ tuổi – đây là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ não. Theo thống kê, có khoảng 50-60% bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu não có yếu tố rối loạn chuyển hóa mỡ máu, trong đó nam giới gặp nhiều hơn nữ giới.
Giới trẻ cần ăn uống khoa học, hạn chế thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,… vì điều này có thể khiến bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ xuất hiện sớm hơn, tăng nguy cơ đột quỵ não và đột tử do bệnh tim mạch.
>>>>>Xem thêm: Chăm sóc bệnh nhân Parkinson sao cho tốt?
6. Không kiểm soát đái tháo đường và tăng huyết áp hiệu quả
Khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp khoảng 10%. Việt Nam đang có sự gia tăng bệnh nhân tiểu đường ở người trẻ, thậm chí là trẻ em. Thói quen ăn uống không điều độ, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường đã khiến độ tuổi mắc tiểu đường ở người Việt ngày càng trẻ hóa hơn.
7. Không tầm soát nguy cơ đột quỵ để phòng ngừa sớm ở người trẻ
Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não ở người trẻ tuổi. Hoặc mạch máu bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch dẫn tới đột quỵ nhồi máu não.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý nền có thể tăng nguy cơ đột quỵ sớm như: tiểu đường, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, tim mạch… Tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ sẽ đánh giá và xử lý sớm các tình trạng nói trên và từ đó ngăn chặn khả năng đột quỵ xuất hiện.