Bệnh viêm chu vai thường gây ra những cơn đau ở vùng vai. Nguyên nhân hình thành bệnh có thể do quá trình lão hóa hoặc viêm nhiễm, chấn thương tại vùng vai. Viêm chu vai có thể làm suy giảm khả năng lao động, thậm chí là biến dạng khớp nếu không được điều trị sớm.
Bạn đang đọc: Nhận biết bệnh viêm chu vai và cách điều trị
1. Viêm chu vai là gì?
Viêm chu vai, còn được gọi là viêm quanh khớp vai, là tình trạng khớp vai bị đau, hạn chế sự vận động vùng vai của người bệnh. Bệnh viêm chu vai có thể gặp ở cả nam và nữ và thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên.
Bệnh viêm quanh khớp vai thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như biến dạng khớp, rách nhóm cơ chóp xoay, viêm bao hoạt dịch khớp vai,… Đặc biệt, ở một vài trường hợp bệnh tiến triển nặng, phá hỏng cấu trúc khớp vai khiến khớp biến dạng. Tình trạng này kéo dài gây suy giảm và ngừng hoạt động của khớp vai, dẫn đến nguy cơ tàn phế tay vĩnh viễn.
Nguyên nhân chính gây viêm quanh khớp vai thường xuất phát từ tổn thương vùng khớp vai và lão hóa, cụ thể như:
– Thoái hóa khớp và gân ở những người khoảng từ 50 tuổi trở lên.
– Chấn thương khớp vai do làm việc nặng, chơi thể thao (như bóng chuyền, tennis, cầu lông, bóng rổ) hoặc va đập, tai nạn giao thông.
– Viêm bao hoạt dịch tại mỏm cùng vai.
– Các bệnh lý khác như viêm khớp, tim mạch, tiểu đường,…
Viêm chu vai là tình trạng khớp vai bị đau, hạn chế sự vận động vùng vai của người bệnh
2. Triệu chứng bệnh viêm chu vai
– Đau vai: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm quanh khớp vai là đau âm ỉ tại vùng vai. Cơn đau có thể xuất hiện từ từ và tăng dần theo thời gian. Một vài trường hợp người bệnh xuất hiện cảm giác đau lan từ vai xuống cánh tay hoặc cổ.
– Giới hạn khả năng vận động: Bệnh nhân bị suy giảm độ linh hoạt và phạm vi chuyển động của khớp vai. Nhiều người thường gặp khó khăn trong việc nâng cánh tay, đưa tay ra phía trước hoặc thực hiện các chuyển động như xoay cánh tay.
– Giảm sức mạnh: Viêm chu vai có thể làm suy yếu các cơ xung quanh vai. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động gây áp lực lên vai như nâng đồ nặng hoặc đẩy các vật có trọng lượng.
– Sưng to vùng khớp vai.
– Một số trường hợp bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc phát ra tiếng răng rắc khi vận động.
Ngoài những dấu hiệu trên, tùy vào tình trạng sức khỏe và thể trạng của bệnh mà người bị viêm chu vai sẽ có những biểu hiện khác. Bệnh nhân chỉ có thể nhận biết chính xác tình trạng viêm quanh khớp vai khi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Ngoài kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI, chụp CT, chụp X-quang hoặc siêu âm khớp vai. Từ kết quả thu được, các chuyên gia có cơ sở để kết luận bệnh và đưa phác đồ điều trị phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Hội chứng ống cổ tay và thông tin tổng quan
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm chu vai là đau âm ỉ tại vùng vai
3. Điều trị viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là một tình trạng sức khỏe quan trọng cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Các biện pháp điều trị phổ biến gồm có: điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa, thực hiện vật lý trị liệu và phục hồi chức năng quanh khớp vai sau điều trị.
3.1. Phương pháp nội khoa điều trị bệnh viêm chu vai
Trong điều trị bệnh viêm quanh khớp vai, các phương pháp nội khoa thường được áp dụng để giảm đau, giảm viêm và khôi phục chức năng của khớp vai. Các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng những loại thuốc sau đây tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh:
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Đây là loại thuốc được sử dụng rộng rãi để giảm đau và viêm. NSAIDs có thể sử dụng qua đường uống hoặc dưới dạng kem, gel để bôi lên vùng bị đau.
– Tiêm corticoid: Đối với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể tiêm corticoid trực tiếp vào khớp vai để giảm viêm và đau. Loại thuốc này có tác dụng nhanh và hiệu quả nhưng thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì có thể gây tác dụng phụ.
– Các loại thuốc chống thoái khóa khớp và phòng ngừa loãng xương.
– Thay đổi thói quen làm việc, nghỉ ngơi hợp lý: Hạn chế làm việc nặng, để vai có thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp giảm đau, cải thiện tình trạng viêm khớp. Ngoài ra bạn nên hạn chế thay đổi tư thế vai một cách đột ngột, luôn khởi động vai trước khi vận động hoặc chơi thể thao.
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là canxi để tăng cường sức khỏe xương khớp.
– Sử dụng đồ bảo trợ để giữ cho vai ổn định và tránh tác động mạnh vào khớp khi làm việc hoặc hoạt động.
3.2. Vật lý trị liệu giúp cải thiện đau vai
Các biện pháp vật lý trị liệu như quấn băng, xoa bóp và các bài tập đơn giản có thể hỗ trợ giảm đau tại chỗ và tăng cường sự linh hoạt của vai. Bệnh nhân nên tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ hoặc nhân viên vật lý trị liệu để biết cách thực hiện đúng. Tránh trường hợp massage hoặc tập luyện sai tư thế gây tổn thương khớp vai nặng hơn.
>>>>>Xem thêm: Đau đầu ngón tay cảnh báo bệnh nguy hiểm
Các bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ giảm đau tại chỗ và tăng cường sự linh hoạt của vai
3.3. Phương pháp ngoại khoa điều trị bệnh viêm chu vai
Các phương pháp ngoại khoa có thể được sử dụng khi việc uống thuốc, nghỉ ngơi và vật lý trị liệu không đem lại hiệu quả. Phẫu thuật cũng được chỉ định với những trường hợp bệnh nhân có những vấn đề nặng cần can thiệp sâu hơn. Tuy nhiên, đây là biện pháp cần chi phí cao và cần được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh nghiệm.
4. Lưu ý khi điều trị viêm quanh khớp vai
Lưu ý rằng mỗi trường hợp bệnh viêm chu vai có thể có đặc điểm riêng và phương pháp điều trị cụ thể sẽ được tùy chỉnh theo tình trạng và khả năng chịu đựng của từng người. Do đó, nếu người bệnh nhận thấy dấy hiệu bất thường, nên đến bệnh viện thăm khám để có phác đồ điều trị phù hợp và đem lại hiệu quả cao. Việc tự ý điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc hoặc theo các phương pháp dân gian không chỉ tốn kém mà còn có thể nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng hơn hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.