Nội soi thực quản dạ dày tá tràng là thăm dò chức năng phổ biến và được chỉ định rộng rãi trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tại đường tiêu hóa trên. Vậy kỹ thuật này được thực hiện khi nào, có vai trò ra sao và cần lưu ý gì khi nội soi?
Bạn đang đọc: Nội soi thực quản dạ dày tá tràng được thực hiện khi nào?
1. Khái niệm nội soi thực quản dạ dày tá tràng
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng gọi tắt là nội soi dạ dày hoặc nội soi đường tiêu hóa trên. Đây là phương pháp thăm khám trực tiếp giúp chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến thực quản, dạ dày và tá tràng.
Dụng cụ dùng để thăm khám là một ống nội soi mềm đường kính nhỏ có gắn đèn chiếu sáng và camera. Ống soi sẽ được bác sĩ đưa qua đường miệng hoặc đường mũi xuống dạ dày để quan sát. Hình ảnh bên trong sẽ được camera ở đầu ống nội soi ghi lại và chiếu trực tiếp lên màn hình máy tính. Thông qua hình ảnh chi tiết này, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng đường tiêu hóa trên của người bệnh.
Có 3 phương pháp nội soi dạ dày phổ biến hiện nay là: nội soi tiêu chuẩn (nội soi qua đường miệng không gây mê), nội soi không đau (nội soi qua đường miệng có gây mê) và nội soi qua đường mũi.
Với độ chính xác và an toàn cao, kỹ thuật thăm dò chức năng này được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng. Đặc biệt, đây còn là giải pháp tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa trên, tăng hiệu quả điều trị. Thêm vào đó, ngay trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể can thiệp điều trị nhiều bệnh lý như: loại bỏ dị vật, cầm máu, cắt polyp, nong hẹp,…
Nội soi dạ dày giúp phát hiện các tổn thương từ rất nhỏ (chỉ vài milimet) trong đường tiêu hóa trên
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định nội soi
2.1. Nội soi thực quản dạ dày tá tràng được chỉ định khi nào?
Sau đây là một số trường hợp cụ thể được chỉ định thực hiện nội soi dạ dày:
– Nội soi cấp cứu trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để xác định chảy máu tiêu hóa và tìm ra nguyên nhân gây chảy máu. Bác sĩ có thể can thiệp cầm máu ngay trong quá trình nội soi dạ dày.
– Nội soi định kỳ nhằm tầm soát sớm các bệnh lý thực quản – dạ dày – tá tràng như: polyp dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, vi khuẩn HP dạ dày…
– Nội soi nhằm tìm ra nguyên nhân của các bất thường liên quan đến đường tiêu hóa trên như: đau thượng vị, ợ nóng, ợ chua, sụt cân bất thường, đau tức ngực, thiếu máu không rõ nguyên nhân, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,…
Chính vì vậy, các đối tượng được khuyến cáo nên thực hiện nội soi dạ dày bao gồm:
– Có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa như đã kể trên.
– Có tiền sức mắc polyp dạ dày cũng như các bệnh lý liên quan đến thực quản, dạ dày, tá tràng nói chung.
– Có người thân trong gia đình mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
– Những người trên 40 tuổi nên nội soi định kỳ để kiểm soát sức khỏe dạ dày, kể cả khi không có triệu chứng bất thường.
Tìm hiểu thêm: Thời điểm nên thực hiện nội soi khớp gối
Nội soi dạ dày tá tràng được khuyến cáo thực hiện định kỳ ngay cả khi không có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa
2.2. Trường hợp chống chỉ định nội soi thực quản dạ dày tá tràng
Nội soi dạ dày chống chỉ định tương đối với những người già yếu và bị suy nhược, phụ nữ đang có thai và người bệnh tâm thần không phối hợp được với bác sĩ. Ngoài ra, những người có huyết áp dưới 90/60 mmHg cũng là đối tượng chống chỉ định tương đối của kỹ thuật này.
Trong khi đó, các trường hợp chống chỉ định tuyệt đối của nội soi dạ dày gồm:
– Người bị suy tim nặng, nhồi máu cơ tim, có cơn cao huyết áp;
– Ho nhiều, khó thở do bất cứ nguyên nhân gì, suy hô hấp nặng;
– Mắc các bệnh lý ở thực quản có nguy cơ thủng thực quản khi nội soi (như bỏng thực quản do hóa chất, hẹp thực quản…).
3. Ý nghĩa quan trọng của nội soi thực quản dạ dày tá tràng
– Nội soi giúp xác định chính xác tình trạng tổn thương, bệnh lý đang gặp phải tại đường tiêu hóa trên. Đồng thời phương pháp này còn giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có hướng xử trí hiệu quả.
– Tầm soát sớm ung thư thực quản – dạ dày – tá tràng, từ đó đưa ra phương án điều trị kịp thời và đạt kết quả tốt nhất.
– Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý đường tiêu hóa trên: Cầm máu cấp cứu trong trường hợp xuất huyết dạ dày, nong hẹp thực quản, cắt polyp, loại bỏ dị vật, loại bỏ các tổ chức tiền ung thư,…
– Theo dõi tiến triển của bệnh lý đường tiêu hóa trên, đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị.
>>>>>Xem thêm: Chi tiết về quy trình chụp cộng hưởng từ toàn thân trong tầm soát ung thư
Không chỉ phát hiện các bất thường tại đường tiêu hóa trên, nội soi còn giúp điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý
5. Một số lưu ý nhằm đảm bảo nội soi hiệu quả
Để đảm bảo việc nội soi diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:
– Thông báo với bác sĩ nếu bản thân có các bất thường về huyết áp, hô hấp, tim mạch hoặc đang trong thời kỳ mang thai.
– Cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa trước khi tiến hành nội soi dạ dày. Người bệnh không tự ý nội soi khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Tuân thủ theo đúng tư vấn của bác sĩ về những điều cần chuẩn bị trước khi nội soi cũng như sau nội soi. Người bệnh cần thực hiện đúng việc nhịn ăn trước nội soi, tránh sử dụng một số loại thuốc đã được bác sĩ lưu ý, có chế độ ăn uống – nghỉ ngơi phù hợp sau nội soi.
– Sau khi kết thúc nội soi, người bệnh hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt như bình thường. Một số ít trường hợp có thể gặp các triệu chứng như đau họng, đầy chướng bụng hoặc buồn ngủ (sau nội soi gây mê). Các vấn đề này sẽ thuyên giảm nhanh chóng, người bệnh không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên người bệnh cần tái khám ngay nếu đau bụng nhiều và liên tục, có triệu chứng sốt, đi ngoài phân đen kéo dài,… đặc biệt là sau khi thực hiện thủ thuật can thiệp.
Người bệnh hãy lựa chọn địa chỉ nội soi thực quản dạ dày tá tràng uy tín để đảm bảo an toàn, nhanh chóng và chính xác. Cơ sở nội soi cần đáp ứng được các tiêu chí như: thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi, phương pháp nội soi êm ái không đau,…