Đột quỵ là “cơn ác mộng” bao người khiếp sợ bởi những hậu quả khủng khiếp mà nó gây ra. Phòng chống đột quỵ tai biến là yêu cầu quan trọng cần thực hiện, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Bạn đang đọc: Phòng chống đột quỵ tai biến ở đối tượng có nguy cơ cao
1. Các dạng đột quỵ và các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Đột quỵ là biến cố xảy ra đột ngột khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị giảm đi hoặc mất hoàn toàn. Có thể chia đột quỵ thành 2 dạng là đột quỵ do tắc mạch máu não và đột quỵ do chảy máu não với các yếu tố nguy cơ riêng.
1.1. Đột quỵ tắc mạch máu não
Đột quỵ dạng này còn gọi là đột quỵ nhồi máu não, chiếm tới 85% các ca đột quỵ. Đúng như tên gọi, đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị tắc (thường tắc do huyết khối), khiến cho vùng não không nhận được máu mang oxy và chất dinh dưỡng đi tới nuôi dưỡng. Sau đó, các tế bào não này sẽ dần bị hoại tử nhanh chóng và không thể thực hiện chức năng của nó.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ tắc mạch máu não:
Nguyên nhân của đột quỵ do tắc mạch não thường đến từ động mạch não bị hẹp hoặc bị tắc theo thời gian do xơ vữa hoặc có huyết khối. Những yếu tố làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch hoặc tạo thành huyết khối thường gặp là hút thuốc lá, béo phì, tăng cholesterol máu, cao huyết áp, đái tháo đường, lạm dụng rượu, rung nhĩ,..
1.2. Đột quỵ chảy máu não
Đột quỵ dạng này chiếm khoảng 15% các trường hợp đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, làm chảy máu trong não hoặc chảy máu xung quanh não.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ chảy máu não:
Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra dạng đột quỵ chảy máu não này. Theo đó, những nguyên nhân gây tăng huyết áp cũng là các yếu tố nguy cơ trung gian cần lưu ý đó là thừa cân, béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, stress, lạm dụng rượu,… Ngoài tăng huyết áp thì những bất thường/dị dạng ở mạch máu não cũng là nguyên nhân gây đột quỵ chảy máu não.
Đột quỵ cực kỳ nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề.
2. Đối tượng nào sẽ có nguy cơ đột quỵ cao?
Trên thực tế, đột quỵ không ngoại trừ bất kỳ ai. Tuy nhiên, những người có nguy cơ đột quỵ cao thường gặp ở những đối tượng sau đây:
– Người đã từng có tiền sử bị đột quỵ sẽ có nguy cơ bị đột quỵ rất cao. Tỉ lệ tái phát đột quỵ ở lần 2 là 23% ở năm đầu và lên tới 53% trong 5 năm sau. Sau 5 năm, nguy cơ tái đột quỵ mới bắt đầu giảm.
– Người cao tuổi: Sau tuổi 55, cứ sau mỗi 10 năm thì nguy cơ đột quỵ lại tăng gấp đôi. Nữ giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn ở nam giới.
– Người có bệnh nền như bệnh đái tháo đường, những người thừa cân, béo phì, cao huyết áp, người có các bệnh lý về tim mạch (xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, lưu thông máu kém, huyết khối,…)
– Người có lối sống sinh hoạt không lành mạnh: Ăn uống thất thường không khoa học, ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, người làm việc quá sức, người bị căng thẳng stress kéo dài,…
Tìm hiểu thêm: “Giải mã” nguyên nhân bệnh mạch vành
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ.
3. Phòng chống đột quỵ tai biến: Đặc biệt lưu ý ở đối tượng có nguy cơ cao
Theo đánh giá của các chuyên gia, 70% nguy cơ đột quỵ có thể được phòng ngừa bằng biện pháp điều chỉnh lối sống lành mạnh nhằm kiểm soát huyết áp, tiểu đường, chỉ số cholesterol trong máu. Việc phòng chống đột quỵ được thực hiện theo các yêu cầu sau đây:
3.1. Phòng chống đột quỵ tai biến từ bữa ăn khoa học
Bữa ăn lành mạnh là bữa ăn gồm nhiều rau củ, trái cây tươi, ít chất béo bão hòa (có ở mỡ động vật, nội tạng,..). Ưu tiên lựa chọn nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh chế biến sẵn,.. Bạn cũng cần hạn chế muối trong các món ăn hàng ngày, ăn không quá 5g muối/ngày là phù hợp.
3.2. Vận động tích cực
Vận động tích cực mang tới hàng loạt các lợi ích tốt cho sức khỏe nói chung và phòng chống đột quỵ. Tập thể dục, vận động giúp giải tỏa stress, căng thẳng, tăng tuần hoàn máu, giảm cholesterol xấu, ngủ ngon hơn, kiểm soát cân nặng,.. Bạn hãy lựa chọn những bộ môn vận động yêu thích, phù hợp với thể trạng cơ thể, tập luyện đúng cách, đúng cường độ, tránh tập luyện quá sức.
>>>>>Xem thêm: Khi nào cần gặp bác sĩ nội thần kinh?
Tập luyện thể dục đều đặn giúp phòng chống đột quỵ.
3.3. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì là một trong những nguy cơ cao gây đột quỵ. Khi cân nặng quá mức sẽ khiến các chỉ số mỡ máu, huyết áp, cholesterol theo đó cũng tăng cao. Chúng ta cần thực hiện ăn uống điều độ, giảm cân nếu đang bị thừa cân. Đối với những người có cơ địa dễ béo nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn uống luyện tập phù hợp.
3.4. Bỏ rượu, bia, thuốc lá để phòng chống đột quỵ tai biến
Nguy cơ bị đột quỵ gây tử vong sẽ tăng lên nếu gặp ở người hút nhiều thuốc lá, nghiện rượu bia. Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc, hạn chế đồ uống có cồn và có chất kích thích là yêu cầu quan trọng giúp phòng chống tốt đột quỵ
3.5. Tránh căng thẳng, stress nặng
Khi stress kéo dài có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như cholesterol cao, béo phì, bệnh tim, huyết áp cao, đái tháo đường,… Không chỉ vậy, stress còn làm suy giảm hoạt động của các hệ cơ quan, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe chung.
Bạn nên giữ cho mình tinh thần ổn định, suy nghĩ tích cực, làm việc vừa sức để kiểm soát tốt căng thẳng – stress ở mức độ cho phép, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
3.6. Thăm khám sức khỏe, điều trị tốt bệnh nền
Người có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch, béo phì,… cần có chế độ thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh tuân thủ đúng các yêu cầu trong điều trị kết hợp lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực để phòng ngừa tốt nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ rất đáng sợ, thực hiện phòng chống đột quỵ tai biến là tấm lá chắn bảo vệ chính bạn và cả gia đình. Hãy xây dựng và thực hiện lối sống tích cực, lành mạnh để có một sức khỏe tốt chống lại bệnh tật.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.