Tai biến nhẹ ở người già: Không thể chủ quan!

Những người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não. Đối với họ, những cơn tai biến nhẹ, thoáng qua cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như những khó khăn trong quá trình phục hồi. Tai biến nhẹ ở người già có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

1. Tai biến nhẹ ở người già là bệnh lý như thế nào?

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não, là tổn thương nguy hiểm ở não do mạch máu não bị vỡ gây chảy máu vào nhu mô hoặc tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu máu lên não. Cả 2 tình trạng này đều làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng và hoạt động của hệ thần kinh não bộ. 

Khi cơn tai biến mạch máu não thực sự xảy ra, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả sẽ dẫn đến phù não, tụ máu và gây tổn thương các tế bào não xung quanh. Bệnh nhân có thể bị mất ý thức tạm thời, nhưng nếu không cấp cứu ngay thì có thể bị tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, song người cao tuổi là đối tượng thường có nhiều yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến khởi phát cơn tai biến mạch máu não hơn so với người trẻ.

Dựa vào mức độ của bệnh, các chuyên gia chia tai biến mạch máu não thành 2 dạng là tai biến nhẹ và tai biến nặng. Trong đó tai biến nhẹ là tình trạng mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn ở gần vỏ não, vùng não lân cận ít chức năng nên thường ít nguy hiểm hơn so với tai biến nặng (trường hợp mạch máu não bị vỡ nằm sâu trong não, ở vị trí quan trọng và phức tạp, ổ xuất huyết lớn, lượng máu chảy nhiều).

Tai biến mạch máu não ở người già dù nhẹ cũng rất nguy hiểm

Tai biến mạch máu não ở người già dù nhẹ cũng rất nguy hiểm

2. Tai biến nhẹ ở người cao tuổi có nguy hiểm không?

Tuy không ảnh hưởng lớn và gây nguy hiểm ngay đến tính mạng của người bệnh nhưng vẫn không thể chủ quan trước cơn tai biến nhẹ. Bởi tai biến nhẹ nếu không được điều trị, kiểm soát rất dễ trở thành cơn tai biến thực sự.

Đặc biệt ở những người lớn tuổi các cơn tai biến nhẹ dễ xảy ra và dễ trở thành cơn tai biến thực sự hơn. Nguyên nhân là do người già vốn có nhiều bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, cơ chế điều hòa mạch máu não không được như khi còn trẻ. Đôi khi chỉ ngồi dậy đột ngột hay gặp thời tiết lạnh lúc nửa đêm về sáng cũng có thể dẫn đến tai biến nhẹ ở người cao tuổi.

Các triệu chứng tai biến ở người già hay người trẻ đều giống nhau nhưng mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào vị trí tổn thương và kích thước của tổn thương. Tuy nhiên, thường các triệu chứng tai biến nhẹ xuất hiện ở người già không nổi bật như ở người trẻ. Nhiều trường hợp bản thân người bệnh lớn tuổi cũng không nhận ra mình đang có các dấu hiệu tai biến nhẹ. Do vậy dẫn đến việc phát hiện muộn và cấp cứu không kịp thời. 

Không những vậy, các dấu hiệu nhận biết tai biến nhẹ ở người lớn tuổi còn thường xuất hiện rất đột ngột. Thậm chí có thể xảy ra trong lúc người bệnh đang ngủ hoặc đang sinh hoạt bình thường khiến cho việc phát hiện và cấp cứu người bệnh trở nên khó khăn hơn.

3. Triệu chứng tai biến nhẹ 

Ở người già, có một số dấu hiệu có thể gợi ý tai biến mạch máu não nhẹ mà người bệnh và người nhà cần chú ý là:

– Đột nhiên cảm thấy đau đầu dữ dội, chân tay bủn rủn 

– Buồn nôn và nôn

– Méo miệng, cảm thấy khó diễn đạt lời nói, khó nói thậm chí không nói được, chảy nước dãi nhiều

– Yếu một nửa bên người, dáng đi không vững, dễ ngã

– Hơi thở không đều, thở gấp, dễ hụt hơi khi thở

– Giảm thị lực, hạn chế tầm nhìn

– Giảm trí nhớ

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu tai biến ở người già, dù là tai biến nhẹ cũng cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ kiểm soát cơn tai biến nhẹ và ngăn nguy cơ đột quỵ thực sự. 

Nếu tai biến thực sự xảy ra thì thời gian vàng để cấp cứu các bệnh nhân này là trong khoảng 3-4 giờ sau khi bệnh khởi phát. Càng cấp cứu sớm và đúng cách càng giảm bớt được mức độ nguy hiểm và hạn chế biến chứng do bệnh gây ra.

Tai biến nhẹ ở người già thường khó nhận biết dẫn đến phát hiện muộn và điều trị không kịp thời

Tai biến nhẹ ở người cao tuổi thường khó nhận biết dẫn đến phát hiện muộn và điều trị không kịp thời

4. Cách điều trị và phòng ngừa tai biến nhẹ 

4.1 Cách điều trị tai biến nhẹ ở người già

Tùy vào mức độ tai biến của người bệnh và mức độ tổn thương của não trong cơn tai biến nhẹ mà các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống giúp người bệnh phục hồi. Hoặc đề nghị các phương pháp can thiệp phẫu thuật khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả, vùng tổn thương rộng hoặc ở những vị trí quan trọng, có khả năng đe dọa sức khỏe.

4.2 Cần làm gì để phòng ngừa tai biến nhẹ ở người già?

Đối với người lớn tuổi, việc phòng ngừa tai biến là rất quan trọng. Một số biện pháp phòng ngừa biến cố này được khuyến nghị cho người cao tuổi gồm:

– Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ, giảm muối trong khẩu phần ăn,…

– Chế độ vận động: Thường xuyên và đều đặn tập thể dục để cải thiện tuần hoàn máu não, giảm huyết áp,… 

– Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, vì các chất này có thể gây tăng huyết áp, dẫn tới vỡ mạch máu não

– Theo dõi và kiểm soát các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…

– Thăm khám bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm các bất thường. 

Đối với những người cao tuổi đã từng bị tai biến nhẹ, cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và dự phòng đột quỵ.

Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phục hồi của người lớn tuổi bị tai biến, giúp phòng ngừa đột quỵ thực sự.

Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phục hồi của người lớn tuổi bị tai biến, giúp phòng ngừa đột quỵ thực sự.

Tóm lại, không thể chủ quan với tình trạng tai biến nhẹ ở người già. Đặc biệt là đối với những người có sẵn bệnh lý nền hoặc các yếu tố nguy cơ gây khởi phát đột quỵ. Cần chủ động thăm khám khi có các triệu chứng dù nhẹ nhất. 

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *