Những bất thường trong cấu trúc van tim 2 lá có thể khiến van tim này dày, dính và không thể mở được hoàn toàn, gây “xáo trộn” quá trình lưu chuyển của máu qua các buồng tim. Bệnh có thể không hoặc ít biểu hiện cho đến khi tiến triển nặng và gây các biến chứng như tăng áp động mạch phổi, suy tim, huyết khối… Hãy cùng tìm hiểu của biến chứng của bệnh hẹp van 2 lá và cách phòng ngừa qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Các biến chứng của bệnh hẹp van 2 lá
1. Các biến chứng của bệnh hẹp van tim 2 lá
Hiện tượng hẹp van tim 2 lá đặc trưng bởi tình trạng van 2 lá dày lên hoặc các mép van dính lại với nhau do vôi hóa van tim. Từ đó khiến máu ở nhĩ trái không thể tống hết xuống thất trái trong chu kỳ co bóp. Ban đầu tim và các cơ quan liên quan vẫn có thể hoạt động để bù đắp phần máu thiếu hụt. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài thì có thể gây ra những biến chứng sau:
1.1 Tăng áp lực động mạch phổi do hẹp van 2 lá
Van 2 lá bị hẹp dính sẽ khiến áp lực máu trong động mạch phổi tăng. Điều này làm quá trình vận chuyển máu từ tim đến phổi bị quá tải. Máu có thể trào ngược vào phổi có thể gây phù phổi cấp.
Hẹp van tim có thể làm tăng áp lực ở phổi, gây tăng áp động mạch phổi.
1.2 Suy tim phải
Khi van 2 lá bị hẹp kéo theo áp lực mạch máu gia tăng trong phổi và gây ứ dịch. Lúc này xuất hiện tình trạng căng tim phải, lâu dần dẫn đến suy tim phải. Khi lượng dịch và máu trở về phổi gia tăng, bệnh nhân có thể bị phù phổi, kèm theo tình trạng khó thở và ho khạc ra máu.
1.3 Tim to
Van 2 lá bị hẹp có thể khiến lượng máu không được đẩy hết khỏi buồng nhĩ trái. Tình trạng này kéo dài dẫn đến to tâm nhĩ.
1.4 Rung nhĩ
Do van tim bị hư hại, không kiểm soát được lượng máu giữa các buồng tim nên hoạt động co bóp của tim bị ảnh hưởng, dẫn tới nhịp tim không đều. Mặt khác tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ lượng máu cần thiết sẽ khiến tâm nhĩ co bóp nhanh và hỗn độn. Hiện tượng này gọi là rung nhĩ.
1.5 Cục máu đông do hẹp van 2 lá
Hiện tượng máu ứ đọng lâu ngày mà không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ trái. Các cục máu đông này có thể vỡ và theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể, gây nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu trong não, nhồi máu não.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Máu không được tống hết sẽ ứ đọng tại buồng nhĩ, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
2. Các nguyên nhân phổ biến gây hẹp van 2 lá
Để biết cách ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần hiểu rõ về các nguyên nhân gây hẹp van tim 2 lá.
Đa số trường hợp hẹp van 2 lá đều là hậu quả của sốt thấp khớp hay viêm nội tâm mạc do liên cầu khuẩn tan máu nhóm A gây ra. Nhưng điều đáng nói là có tới 50% bệnh nhân không hề biết tiền sử thấp khớp khiến cho việc phòng ngừa thấp tim cũng như các biến chứng của bệnh trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, hiện tượng canxi tích tụ xung quanh van có thể gây vôi hóa vòng van, làm van tim mất sự đàn hồi, mềm mại vốn có. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến van tim bị hạn chế khả năng mở. Các bệnh lý tự miễn, phổ biến nhất là lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp cũng là những yếu tố gây hẹp van. Một số trường hợp khác, van 2 lá bị hẹp van do hội chứng rối loạn nội tiết và chuyển hóa U carcinoid gây ra.
Đặc biệt, các trường hợp hẹp van tim 2 lá ở trẻ nhỏ thường xảy ra do các dị tật bẩm sinh như: van hai lá hình dù, vòng thắt trên van hoặc là bệnh thứ phát sau khi mắc bệnh tim bẩm sinh khác.
>>>>>Xem thêm: Chữa trị nhồi máu cơ tim như thế nào?
Để phòng tránh những biến chứng do hẹp van tim 2 lá gây ra, bạn cần thăm khám và điều trị sớm tại chuyên khoa tim mạch uy tín.
3. Làm thế nào để phòng ngừa các biến chứng của bệnh hẹp van tim 2 lá
Dựa theo những nguyên nhân gây bệnh hẹp van tim 2 lá kể trên, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khuyên bạn nếu muốn ngăn ngừa bệnh tăng nặng và gây biến chứng nguy hiểm thì cần tích cực thực hiện các biện pháp sau:
– Vệ sinh thân thể, đặc biệt là vùng hầu họng, nơi dễ bị liên cầu khuẩn tan máu nhóm A “tấn công”
– Nếu mắc một trong các bệnh lý nguy cơ kể trên thì cần điều trị sớm và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tiến triển gây ảnh hưởng đến van tim
– Nếu được chẩn đoán là hẹp van tim 2 lá thì bạn cần điều trị sớm và tích cực theo phác đồ của bác sĩ. Hiện nay, phương pháp điều trị hẹp van tim 2 lá chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa bằng các loại thuốc theo chỉ định và thay đổi lối sống tích cực. Trong một số trường hợp, van tim hẹp quá nặng, điều trị nội khoa không có tác dụng thì một số biện pháp khác sẽ được chỉ định nhằm tác động vào cấu trúc, giúp khôi phục một phần hoặc toàn bộ chức năng van tim. Điều này sẽ giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và gây ra biến chứng.
Hi vọng qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về các biến chứng của bệnh hẹp van 2 lá, nguyên nhân và cách ngăn chặn các biến chứng. Các kiến thức trong được chia sẻ trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tốt nhất, bạn hãy thăm khám thường xuyên hoặc ngay khi có các triệu chứng của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.