Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến với tỉ lệ mắc cao, trung bình trên thế giới cứ ba người thì sẽ có một người bị tăng huyết áp. Trong phần lớn trường hợp, người bệnh sẽ gặp tình trạng tăng huyết áp vô căn hay tăng huyết áp nguyên phát. Tuy nhiên, hiện nay, tăng huyết áp thứ phát đang ngày càng phổ biến hơn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tăng huyết áp thứ phát: nguyên nhân và cách điều trị
1. Tăng huyết áp thứ phát là gì?
Ngược lại với tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn, tăng huyết áp thứ phát có thể xác định cụ thể nguyên nhân. Loại tăng huyết áp này chiếm khoảng 10% số ca tăng huyết áp.
2. Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thứ phát
Nguyên nhân gây nên bệnh khá phong phú và đa dạng. Trong đó, một số nguyên nhân thường gặp phải là:
– Các bệnh lý liên quan đến thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận, u tuỷ thượng thận, biến chứng bệnh tiểu đường (bệnh thận do tiểu đường)…
– Các bệnh lý liên quan đến nội tiết như u tủy thượng thận, cường Aldosterone, hội chứng Cushing, cường tuyến giáp…
– Do dùng thuốc, dược liệu như cam thảo, nhân sâm, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm…
– Liên quan đến thai kì như nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật, tăng huyết áp thai kì…
– Một số nguyên nhân khác như chứng ngưng thở khi ngủ, hẹp động mạch chủ…
Các bệnh lý về thận có thể dẫn đến tăng huyết áp thứ phát
3. Triệu chứng
Giống như tăng huyết áp nguyên phát, căn bệnh này không có dấu hiệu hay triệu chứng đặc trưng.
Một số dấu hiệu có thể liên quan đến bệnh này là:
– Tăng huyết áp khởi phát ở người dưới 30 tuổi hoặc trên 60 tuổi.
– Không có người thân nào có tiền sử bị tăng huyết áp.
– Huyết áp đo được rất cao: Huyết áp tâm thu trên 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 110mmHg.
– Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp và chỉ định dùng thuốc nhưng bệnh không đáp ứng với thuốc hạ huyết áp.
– Có các dấu hiệu mắc bệnh là nguyên nhân gây nên tăng huyết áp như cường Aldosterone (hạ kali máu không rõ nguyên nhân), u tủy thượng thận (có các cơn tăng huyết áp kịch phát, tim đập nhanh, vã mồ hôi, đau đầu), hội chứng Cushing (béo bụng, rạn da, teo cơ, mặt tròn như mặt trăng)…
Tìm hiểu thêm: Cách chữa bệnh thiếu máu cơ tim
Tăng huyết áp thứ phát rất nguy hiểm
4. Cách chẩn đoán
Việc đầu tiên cần làm khi chẩn đoán bệnh là cần phải xác định tình trạng tăng huyết áp. Vì vậy, chúng ta cần đo huyết áp thường xuyên, đặc biệt với những người mang yếu tố nguy cơ. Nếu huyết áp đo được cao hơn mức bình thường, người bệnh sẽ phải kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên một thời gian, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của người bệnh. Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp bình thường là huyết áp đo được dưới 120/80 mmHg, từ 140/90 mmHg trở lên được coi là tăng huyết áp.
Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp xác định nguyên nhân tăng huyết áp như:
– Siêu âm Doppler mạch thận khi nghi ngờ hẹp động mạch thận.
– Các xét nghiệm liên quan đến hormone như cortisol máu, aldosterone, catecholamine máu và nước tiểu, TSH, FT4…
– Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng khi nghi ngờ u thượng thận.
5. Cách điều trị
Ngoài kiểm soát huyết áp như tăng huyết áp nguyên phát, điều trị tăng huyết áp xác định được nguyên nhân còn phải điều trị cả nguyên nhân gây tăng huyết áp. Khi điều trị khỏi nguyên nhân gây tăng huyết áp, tình trạng tăng huyết áp cũng sẽ được cải thiện.
6.1. Một số nhóm thuốc chính được sử dụng để kiểm soát huyết áp trong tăng huyết áp thứ phát
– Thuốc lợi tiểu: thường dùng các thuốc lợi tiểu thiazide như hydroclorothiazide, clorothiazid…
– Thuốc chẹn kênh canxi như nifedipin, amlodipine…
– Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II như losartan, azilsartan, candesartan, valsartan…
Thuốc chẹn beta giao cảm như metoprolol, bisoprolol…
– Thuốc ức chế men chuyển như captopril, enalapril, perindopril, lisinopril …
6.2. Một số lưu ý khi điều trị nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát
– Đối với tăng huyết áp thai kì: thuốc ưu tiên là methyldopa, kế đến là thuốc chẹn kênh calci, không dùng thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin II.
– Điều trị cường tuyến giáp bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp.
7. Các biến chứng
Bệnh có thể làm trầm trọng hơn nhưng bệnh lý liên quan (cũng là những nguyên nhân gây cao huyết áp). Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, căn bệnh này có thể gây nên những biến chứng như:
– Xơ vữa động mạch gây đau tim hoặc đột quỵ.
– Phình mạch. Khi phình mạch bị vỡ có thể gây tử vong.
– Suy tim.
– Hẹp mạch máu ở thận.
– Hẹp các mạch máu ở mắt gây ảnh hưởng đến thị giác, lâu dần gây mất thị lực.
– Các hội chứng chuyển hóa như cholesterol cao hay tiểu đường.
– Gây ảnh hưởng đến trí nhớ.
8. Đối tượng nguy cơ của bệnh tăng huyết áp thứ phát
Yếu tố nguy cơ của căn bệnh này là có bệnh lý liên quan đến thận, động mạch tim hay các vấn đề về hệ thống nội tiết. Ngoài ra, phụ nữ sinh con muộn sau tuổi 35, đa thai có nguy cơ tăng huyết áp thai kì. Việc lạm dụng các thuốc giảm đau, corticoid cũng dễ dẫn đến tăng huyết áp.
>>>>>Xem thêm: Gợi ý các cách phòng ngừa đột quỵ
Phụ nữ sinh con sau tuổi 35 dễ bị tăng huyết áp thứ phát
9. Cách phòng ngừa
Các biện pháp giúp phòng ngừa căn bệnh này là:
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thói quen ăn mặn, ăn các món ăn nhiều dầu mỡ, tập thể dục ít nhất 30 phút hàng ngày, tránh uống rượu, bia, hút thuốc lá, duy trì cân nặng khỏe mạnh.
– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi huyết áp của bản thân ở nhà và đi khám khi thấy huyết áp tăng thường xuyên. Nếu có chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ, cần uống thuốc đều đặn, đủ liều, đủ thời gian và đến gặp bác sĩ khi gặp những dấu hiệu bất thường, không dừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Phụ nữ không nên mang thai sinh con sau độ tuổi 35.
– Hạn chế lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, chỉ sử dụng corticoid khi có chỉ định của bác sĩ.
– Theo dõi, điều trị các bệnh lý có liên quan đến thận, tim mạch hay nội tiết.
Tăng huyết áp thứ phát là một bệnh lý nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng. Đồng thời, nó còn là dấu hiệu của các bệnh lý khác liên quan đến thận, hệ nội tiết hay động mạch chủ. Vì vậy, phát hiện kịp thời tình trạng tăng huyết áp cũng như đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị là vô cùng quan trọng, đặc biết với những người mang nhiều yếu tố nguy cơ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.