Sa sút trí tuệ là một hội chứng làm suy giảm nhận thức, khiến người bệnh có khả năng phải sống phụ thuộc vào người khác. Hội chứng này cũng có thể làm thay đổi tâm trạng, thậm chí cả tính cách và hành vi của một người. Để chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, bạn cần có kiến thức về bệnh để hiểu, thông cảm với người bệnh và có biện pháp chăm sóc người bệnh hiệu quả nhất.
Bạn đang đọc: Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ cần lưu ý 4 điều sau
1. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ được gây ra bởi nhiều bệnh khác nhau, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm khoảng 60%) là bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thể Lewy. Biểu hiện đặc trưng của chứng sa sút trí tuệ do Alzheimer thường không rõ ràng, nên gây ra nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Sa sút trí tuệ thể Lewy có dấu hiệu phổ biến là thường nhìn thấy ảo giác trong giấc mơ và hay gặp vấn đề về tập trung. Ngoài ra, bệnh còn có các biểu hiện khác như di chuyển không phối hợp hoặc chậm, run rẩy và cứng nhắc.
Loại sa sút trí tuệ phổ biến tiếp theo là sa sút trí tuệ mạch máu não, nguyên nhân do tổn thương các mạch cung cấp máu cho não của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ dạng này bao gồm khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, suy nghĩ chậm, kém tập trung.
Để có thể xác định được chính xác người bệnh có mắc chứng sa sút trí tuệ hay không, nguyên nhân gây bệnh, bạn nên đưa người bệnh tới các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nội thần kinh. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ chẩn đoán đúng, kết luận chính xác hơn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
2. Những lưu ý khi điều trị sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người bệnh, thậm chí ở giai đoạn nặng người bệnh sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Vì vậy, vấn đề cốt lõi chính là phát hiện và điều trị bệnh sớm. Vì chứng sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống nên trong việc điều trị bệnh, chúng ta cũng cần kết hợp các phương pháp để mang tới hiệu quả tốt nhất.
2.1. Sử dụng thuốc điều trị sa sút trí tuệ
Việc sử dụng thuốc để điều trị chứng sa sút trí tuệ có tác dụng lên hệ thần kinh của người bệnh. Do đó, bạn phải đảm bảo sử dụng chính xác loại thuốc và liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị sa sút trí tuệ bao gồm:
– Các thuốc chứa chất ức chế cholinesterase ví dụ như donepezil, rivastigmine, galantamine… Loại thuốc này có khả năng cải thiện hiệu quả chức năng nhận thức nhờ làm tăng nồng độ acetylcholine – chất trung gian dẫn truyền não bộ.
– Memantine: Hoạt chất này có khả năng điều chỉnh hoạt động của glutamate – chất hóa học có liên quan đến khả năng học tập và ghi nhớ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra kết hợp memantine với một chất ức chế cholinesterase sẽ cho kết quả có lợi khi điều trị sa sút trí tuệ.
– Các thuốc khác: Sa sút trí tuệ bao gồm nhiều triệu chứng mà điển hình là bệnh rối loạn giấc ngủ. Do đó, bác sĩ có thể kê thêm các đơn thuốc khác để điều trị các triệu chứng sa sút trí tuệ.
Để sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng, bạn cần đi khám tại chuyên khoa nội thần kinh để được các bác sĩ chẩn đoán và kê đơn hợp lý.
2.2. Tăng cường vận động não bộ trong quá trình chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ
– Khuyến khích tập thể dục. Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người bị sa sút trí tuệ. Một số nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có thể làm chậm quá trình tiến triển của chứng suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.
– Khuyến khích tham gia các hoạt động tư duy: Tham gia các trò chơi, câu đố ô chữ hay các trò chơi yêu cầu sử dụng kỹ năng tư duy có thể hỗ trợ làm chậm quá trình suy giảm tâm thần ở những người sa sút trí tuệ.
– Đơn giản hóa các sinh hoạt hàng ngày: Vì bị suy giảm trí nhớ nên ngay cả những hoạt động hàng ngày của người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó, gia đình nên đơn giản hóa các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, điều này giúp giảm sự nhầm lẫn ở những người mắc chứng mất trí nhớ.
Tìm hiểu thêm: Bí quyết phòng ngừa hội chứng Alzheimer (bệnh Alzheimer)
2.3. Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ
Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu trái cây, rau, ngũ cốc và omega-3. Đồng thời, gia đình phải chú ý hạn chế dung nạp đường và cholesterol kiểm soát huyết áp, hạn chế các bệnh lý liên quan tới mạch máu não.
Một số nghiên cứu cho thấy người có lượng vitamin D trong máu thấp có khả năng cao mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Do vậy, người mắc chứng sa sút trí tuệ cần được bổ sung đủ vitamin D thông qua một số loại thực phẩm, thực phẩm chức năng và phơi nắng hợp lý.
Thuốc lá và đồ uống có cồn như rượu bia cũng có khả năng ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ của chúng ta. Do đó, người bệnh phải hạn chế gần như tuyệt đối các yếu tố gây hại này.
>>>>>Xem thêm: Bệnh đau đầu có nguy hiểm không, khi nào bệnh trở nên nghiêm trọng?
2.4. Thăm khám sức khỏe định kỳ hệ thần kinh
Việc điều trị chứng sa sút trí tuệ không hề đơn giản và cần nhiều thời gian để điều trị. Diễn biến của bệnh cũng sẽ thay đổi thường xuyên theo thời gian, vì thế để đảm bảo hiệu quả điều trị, gia đình phải cho người bệnh thăm khám thường xuyên với bác sĩ Nội Thần kinh.
Để kiểm tra tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có những đánh giá về vận động, cảm giác, sự cân bằng, các phản xạ… Các phương pháp thường được sử dụng để đánh giá chứng sa sút trí tuệ gồm:
– Chụp cắt lớp CT hay chụp cộng hưởng từ MRI não để tìm dấu hiệu của đột quỵ thiếu máu não hay xuất huyết não và loại trừ u não.
– Làm các xét nghiệm máu để loại trừ các vấn đề sinh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng não như thiếu hụt vitamin B12 hoặc suy giảm hoạt động tuyến giáp.
– Các bài kiểm tra về thần kinh.
Để thực hiện những bài đánh giá có thể mất khá nhiều thời gian, gây ra tâm lý bồn chồn, hồi hộp cho người bệnh. Do đó, nên có người nhà đi cùng để trấn an, tạo cảm giác an toàn cho người bệnh.
Trên đây là 4 lưu ý cơ bản khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc cải thiện chất lượng sống của người bệnh và giúp gia đình nhanh chóng thích nghi với quá trình chăm sóc người bệnh.