Rối loạn giấc ngủ là căn bệnh nhiều người mắc phải trong xã hội hiện đại. Giấc ngủ vốn rất quan trọng trong việc phục hồi lại cơ thể sau một ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thời gian và chất lượng. Vì vậy, chứng bệnh này có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe tinh thần của người bệnh. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý rối loạn giấc ngủ này trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh lý rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân và phân loại
1. Rối loạn giấc ngủ là bệnh lý gì?
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng giấc ngủ bị ảnh hưởng lớn về chất lượng và thời gian, gây trở ngại nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống.
Bệnh lý này thường liên quan đến trạng thái lo âu, căng thẳng và các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực.
Rối loạn giấc ngủ thường gặp 2 loại: Mất ngủ và ngủ nhiều.
2. Mất ngủ
Mất ngủ là tình trạng người bệnh ngủ không đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ kém. Sau khi ngủ dậy, người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và vẫn còn buồn ngủ. Hầu hết mọi người đều bị mất ngủ ít nhất 1 lần trong cuộc đời, trong đó thường gặp nhất là chứng mất ngủ tạm thời. Người cao tuổi và phụ nữ là những đối tượng dễ bị mất ngủ nhất.
2.1. Mất ngủ tạm thời
30-40% dân số thế giới đã từng bị mất ngủ tạm thời. Tình trạng này chỉ xuất hiện trong vài ngày hay vài tuần. Những người bình thường cũng có thể bị mất ngủ tạm thời.
2.2. Mất ngủ thứ phát do các bệnh lý tâm thần
Tất cả bệnh lý về sức khỏe tâm thần đều có thể dẫn đến mất ngủ. Thường các chứng bệnh tâm thần này đều có đặc điểm rối loạn giấc ngủ riêng. Những bệnh nhân trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực pha trầm cảm thường bị mất ngủ lúc sáng sớm. 3-4 giờ sáng đã dậy. Bệnh nhân bị rối loạn lo âu khó đi vào giấc ngủ. Những bệnh nhân bị hoang tưởng, hưng cảm hay rối loạn lưỡng cực pha hưng cảm thường bị kích động vào ban đêm gây mất ngủ hoàn toàn.
2.3. Mất ngủ thứ phát do các bệnh lý nội khoa
Một vài bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ vào buổi đêm là các bệnh đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản…, các chứng đau cấp và mạn như viêm khớp…, các bệnh đường tiết niệu như đái rắt, đái buốt…,các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn…
2.4. Mất ngủ thứ phát do thuốc
Một số thuốc có thể gây mất ngủ, đặc biệt nếu sử dụng trong thời gian dài như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, corticoid…
2.5. Mất ngủ thứ phát do lạm dụng các chất kích thích.
Các chất kích thích thường bị lạm dụng là cà phê, thuốc lá, cocaine, ma túy, thuốc lắc… Lạm dụng rượu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Rượu giúp cơ thể dễ bước vào trạng thái ru ngủ nhưng ngủ không sâu. Người say rượu sau khi tỉnh dậy không cảm thấy khoan khoái mà vẫn mệt mỏi, lờ đờ.
2.6. Mất ngủ tiên phát
Mất ngủ tiên phát là loại mất ngủ mạn tính mà nguyên nhân không liên quan đến bất cứ bệnh lý nào. Loại mất ngủ này có thể xuất phát từ những sự kiện thời thơ ấu hoặc do tâm lý sợ ngủ. Tâm lý sợ ngủ của người bệnh có thể do thường gặp ác mộng.
Tìm hiểu thêm: Các cách điều trị suy giảm trí nhớ
3. Ngủ nhiều
3.1. Ngủ nhiều do thiếu ngủ
Thiếu ngủ có thể do làm việc khuya, trực gác, chăm con hay chăm người ốm. Người bệnh có những biểu hiện như ngủ gật ban ngày, ngủ li bì không thể thức dậy. Ngủ nhiều nhưng giấc ngủ không chất lượng. Bệnh nhân mệt mỏi, khó tập trung, dễ nổi nóng, cáu giận.
3.2. Ngủ nhiều do thuốc
Các loại thuốc như thuốc hướng thần, thuốc ngủ hay thuốc giãn cơ… có thể gây buồn ngủ, ngủ nhiều
3.3. Ngủ nhiều vô căn
Người bệnh ngủ rất nhiều nhưng không tìm ra nguyên nhân. Ngược lại với những chứng rối loạn giấc ngủ gây ngủ nhiều khác, người bệnh có thể cưỡng lại cơn buồn ngủ. Tuy nhiên, sau giấc ngủ, người bệnh vẫn ở trạng thái mệt mỏi, uể oải. Chứng bệnh này thường khởi phát ở tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành.
>>>>>Xem thêm: Thiếu máu não mãn tính nhận biết và phòng ngừa
4. Nguyên nhân gây bệnh lý rối loạn giấc ngủ
– Stress
Khi bị stress, nồng độ cortisol trong cơ thể tăng cao, ức chế hoạt động của hormone melatonin. Melatonin là hormone quan trọng để báo hiệu giấc ngủ đối với cơ thể. Vì vậy, lượng cortisol sinh ra quá nhiều sẽ ức chế giấc ngủ, khiến chúng ta khó ngủ, ngủ không ngon.
– Chấn thương, tai nạn
Sau chấn thương nặng hoặc tai nạn, người bệnh dễ bị sang chấn tâm lý hoặc rối loạn lo âu gây ảnh hưởng đến khả năng ngủ. Người bệnh dễ bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, hay mơ phải ác mộng.
– Thuốc
Người bệnh có thể bị mất ngủ khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống tăng huyết áp, corticoid, thuốc chống động kinh hay thuốc làm hưng phấn thần kinh.
– Thiếu ngủ
Thiếu ngủ gây ngủ li bì không kiểm soát, khó thức dậy, ngủ gật trong ngày. Thiếu ngủ còn gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung và tính cách.
– Các bệnh lý tâm thần
Các bệnh lý khác liên quan đến sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực… đều có thể gây mất ngủ. Nguyên nhân này chiếm đến 30-60% trường hợp mất ngủ
– Các bệnh lý nội khoa khác như viêm loét dạ dày, hen suyễn…
5. Bệnh lý này nguy hiểm như thế nào?
Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, làm giảm khả năng nhận thức và sự tập trung. Hệ quả là việc học tập và công việc sa sút, sinh hoạt hàng ngày cũng bị ảnh hưởng.
Rối loạn giấc ngủ trong thời gian dài làm người bệnh dễ mắc phải hoặc làm trầm trọng thêm các dạng bệnh tâm thần khác như trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn lo âu…
6. Người có biểu hiện bệnh khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bệnh nhân khi nhận thấy những biểu hiện rối loạn giấc ngủ nên đi khám bác sĩ. Vì chứng bệnh này sẽ không tự khỏi nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh nhân nên đi khám khi gặp những triệu chứng như:
– Mất ngủ thường xuyên
– Giấc ngủ hay bị gián đoạn bởi ác mộng
– Ngủ quá nhiều so với lúc bình thường
– Ngủ gật quá nhiều khi làm việc hoặc học tập mà không rõ nguyên nhân
Ngoài ra, khi nghi ngờ có biểu hiện của bệnh, chúng ta có thể tham khảo thực hiện trắc nghiệm rối loạn giấc ngủ PSQI để kiểm tra tình trạng bệnh.